19/05/2013 08:23 GMT+7

Một đời cắt tóc

HUỆ BẠCH
HUỆ BẠCH

TT - Trên chiếc ghế đã nhuộm màu thời gian, hình ảnh một ông già nhỏ bé, bước đi lọng khọng, tay run run cầm cây kéo cắt tóc ở một góc nhỏ trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội) đã khiến nhiều người nhớ về một Hà Nội cổ xưa thân thuộc.

COMSn42K.jpgPhóng to
Ông Thọ ngày ngày cắt tóc cho khách - Ảnh: Vũ Quốc Bảo

Tính đến nay đã tròn 62 năm ông Ngô Trường Thọ gắn bó với nghề cắt tóc. Năm nay 81 tuổi, bắt đầu cắt tóc từ năm 18 tuổi, với ông lòng yêu nghề đã ngấm vào máu rồi. Ông thật thà: “Có đến chết tôi cũng không bỏ được cắt tóc”. Ban đầu ông cắt tóc ở số 6 Nguyễn Du, năm 1961 đến nay ông chuyển về cắt tóc ở số 94 Lê Văn Hưu. Chỉ rộng chừng 6m2, lại là lối đi của một con hẻm nhỏ nên từ khi ông Thọ được chấp thuận về đây cắt tóc, con hẻm nhỏ này lại cắt làm đôi một phần làm lối đi, một phần làm tiệm cắt tóc. Trên chiếc xe đạp cọc cạch, sáng nào 8g30 ông cũng có mặt ở cửa tiệm và 18g lại đóng cửa và đạp xe về, ngày nào ông cũng làm việc, kể cả chủ nhật.

Khách hàng đến với tiệm chủ yếu là người lớn tuổi và là khách quen từ lâu năm, có những gia đình có đến bốn, năm thế hệ đều cắt tóc ở chỗ ông Thọ. Đặc biệt, ông Thọ có thể nhớ rành mạch tên, nghề nghiệp, địa chỉ, sở thích, tích cách của từng khách quen. “Nhà cụ Hàng có năm đời cắt tóc ở chỗ tôi rồi đấy, nhà cụ Hiền và gia đình bác sĩ Bùi Triều cũng bốn đời rồi, nay cháu chắt họ cũng đến quán tôi cắt tóc. Ngày xưa tôi vẫn hay cắt tóc cho ông Trần Huy Liệu và ông Vũ Trọng Phụng” - ông Thọ tự hào khoe.

Theo ông, làm nghề nào cũng vậy, cần bền bỉ, chịu thương chịu khó, riêng với nghề cắt tóc lại càng cần sự khéo léo, mềm mỏng. Ông Vũ Trọng Hiền, em họ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đều đặn mỗi tháng ra tiệm ông Thọ cắt tóc một lần. Dù lúc đó có đông đến thế nào thì ông Hiền vẫn ngồi đợi đến lượt mình. Ông Hiền thều thào: “Tôi 20 tuổi đã ra đây cắt tóc, giờ tóc bạc trắng vẫn phải ra vì trót nghiện ông ấy rồi, ông ấy cắt khéo nên tôi thích”. Khách hàng đến với tiệm ông không chỉ là khách mà còn là những người bạn tâm tình, những người chiến sĩ đã vào sinh ra tử, gắn bó với tiệm từ những ngày đầu. Thành ra không khí làm việc ngày nào cũng vui tươi, tràn ngập những câu chuyện cũ đã nhuốm màu thời gian như chuyện xếp hàng mua phiếu thịt heo, rồi chuyện chiến tranh, bom mìn...

Cách tính giá của ông Thọ cũng đặc biệt, bằng một bát phở 20.000 đồng, phở tăng lên bao nhiêu đồng thì giá cắt tóc cũng tăng đúng chừng ấy.

Ông Thọ đã sống, đã yêu và đã hết mình với nghề cắt tóc! Nhiều lúc ông tự hào nhờ có nghề cắt tóc mà ông đã nuôi dạy sáu người con ăn học thành đạt. Ngày đó, cuộc sống khó khăn, vợ ông hay đau ốm nên gánh nặng trong gia đình đặt cả lên vai ông. Thu nhập từ cắt tóc ông Thọ dành tiền mua gạo, sách vở, đóng học phí cho các con. Đằng đẵng suốt mấy chục năm đứng cắt tóc mòn gót chân, nay các con ông đã lớn khôn, người làm doanh nghiệp trong nước, người công tác nước ngoài, coi như ông đã hoàn thành trách nhiệm của một người cha mẫu mực.

Hôm nay đông khách quá, lại toàn khách quen, đếm sơ sơ ông cũng cắt đến hơn 20 đầu. Rửa sạch đồ nghề, cất gọn gàng vào kho, vừa dắt xe ra về ông vừa nói với: “Già rồi nó thế đấy, con cái không muốn tôi đi cắt tóc nữa nhưng tôi ở nhà là không chịu nổi một ngày, thôi đành gắn bó với nghiệp cầm kéo đến hơi thở cuối cùng vậy”!

HUỆ BẠCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên