Một công ty của tôi vừa gọi vốn thành công từ một tập đoàn lớn. Kết quả này đến từ mối quan hệ quen biết hơn 20 năm của tôi với vị chủ tịch tập đoàn.
Nghiên cứu kéo dài 75 năm của Đại học Harvard cũng đã chứng minh: Các mối quan hệ tốt giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn.
Vậy đâu là những mối quan hệ mà các bạn trẻ cần xây dựng? Theo tôi, bạn cần xác định rõ mục tiêu cuộc đời và con người mà bạn muốn trở thành.
Bạn muốn trở thành ai trong thời gian trước mắt (giai đoạn ngắn hạn từ 2 - 3 năm) và lâu dài? Đặt mình vào vị trí đó, xem xét và đánh giá để trở thành con người như vậy, mình cần những mối quan hệ như thế nào. Từ đó, bạn chủ động tham gia vào các môi trường thích hợp để xây dựng quan hệ cần thiết.
Những mối quan hệ sống còn cho doanh nhân, và bạn cũng cần
Có một doanh nhân trẻ hỏi tôi, đâu là những mối quan hệ mà bạn ấy cần xây dựng. Theo tôi, để giúp cho công việc kinh doanh hiệu quả, doanh nhân trẻ cần có những mối quan hệ sau:
1. Mối quan hệ với vài chuyên gia giỏi trong lĩnh vực của bạn, những người mà tôi vẫn hay gọi là sư phụ. Họ là người có thể giúp ta định hướng con đường phía trước và chỉ ra những điều mà chúng ta chưa hoàn thiện.
2. Cộng đồng doanh nhân kinh doanh cùng ngành nghề với tinh thần hợp tác, chân thành và cùng phát triển. Bởi, trong nền kinh tế hiện nay, nếu hợp tác với những đơn vị lẽ ra là đối thủ cạnh tranh sẽ giúp bạn hạn chế mất mát, tổn thất. Chú ý điều quan trọng trong mối quan hệ này là "đôi bên cùng có lợi".
3. Cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt là chính quyền địa phương, thuế, đầu tư, công an...
4. Cộng đồng doanh nhân: Đây là nơi có thể tìm kiếm sự tư vấn cũng như giới thiệu khách hàng cho bạn. Đồng thời, bạn cũng sẽ có cơ hội học hỏi và có thêm những người bạn thân thiết, giúp cân bằng cuộc sống.
5. Nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, vì trong quan hệ kinh doanh, không thể thiếu yếu tố gọi vốn đầu tư hoặc vay vốn ngân hàng.
6. Đội ngũ nhân viên, đây là đội ngũ mà bạn cùng chia sẻ giá trị, hợp tác tốt để phát triển công ty.
7. Mối quan hệ gia đình.
8. Vài người bạn thân, có thể là bạn học phổ thông, đại học, đồng nghiệp hoặc bạn bè cùng kinh doanh. Đây là những người luôn ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ với bạn những khó khăn trong cuộc sống. Bởi một trong những đặc tính của người làm kinh doanh, đặc biệt ở những vị trí lãnh đạo cao cấp, đó là sự cô đơn. Họ rất cần những người để chia sẻ trong những giai đoạn khó khăn.
Xây dựng quan hệ cần thiết như thế nào?
Bản chất của một mối quan hệ là hai chiều - có qua có lại và mang lại giá trị cho nhau.
Trước đây, tôi được giao điều hành một công ty gas đang bị khủng hoảng, sản lượng giảm sút và khách hàng phàn nàn. Tôi đã dành sáu tháng để đi thăm tất cả khách hàng từ Đà Nẵng tới Cà Mau. Tôi cố gắng giải quyết nhanh những khó khăn mà khách hàng đang gặp phải và giúp họ phát triển được hoạt động kinh doanh.
Tôi lên kế hoạch nói chuyện qua điện thoại với khách hàng của mình ít nhất mỗi tuần một lần để duy trì mối quan hệ, nắm bắt thông tin thị trường.
Các khách hàng đã thấy được sự quan tâm của tôi đến công việc kinh doanh của họ; đồng thời, kết quả kinh doanh của họ tốt hơn hẳn nên đã tin tưởng, hợp tác.
Chính nhờ sự giúp sức quan trọng của khách hàng, công ty gas mà tôi điều hành đã được vực dậy và sản lượng tăng cao, trở lại vị trí đứng đầu thị trường Việt Nam tại thời điểm đó.
Từ đó, tôi thấm nhuần triết lý: muốn xây dựng mối quan hệ bền vững thì phải mang lại giá trị cho nhau.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thông điệp: Hãy hoàn thiện bản thân, trở thành người có giá trị, uy tín để những người xung quanh muốn làm bạn với mình.
Luôn tích cực, lạc quan, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh một cách vô tư. Hãy mang lại giá trị, niềm vui cho người khác thì chắc chắn bạn sẽ có được những mối quan hệ lâu dài.
Mối quan hệ chất lượng là tài sản vô hình nhưng rất có giá trị và tôi tin là bạn sẽ nhận được "lợi nhuận" từ tài sản này trong suốt cuộc đời.
Một câu hỏi cũng khá phổ biến là: Em làm nhân viên mới. Làm cách nào để em xây dựng được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp?
Bạn là một nhân viên mới trong một tập thể, bạn có thể:
- Phấn đấu làm việc tốt nhất và chuyên nghiệp nhất.
- Thái độ sống tích cực, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác trong công việc và cuộc sống.
- Sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ đồng nghiệp của mình.
- Có ý thức xây dựng văn hóa tổ chức, tạo môi trường làm việc thân thiện, tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận