Kỳ cuối: Ít nhiều “lãng mạn”
Phóng to |
Phan Khôi - ảnh tư liệu |
Một đoạn tự bạch mới tìm thấy của Phan Khôi: Kỳ 1
Có vợ có con rồi tôi cũng còn dốc lòng ăn ở theo gương cha tôi. Năm 1918 ở Hà Nội làm trợ bút tạp chí Nam Phong mỗi tháng 30 đồng bạc mà tôi cũng thừa tiền gửi về nhà, dầu chẳng được mấy nỗi.
Năm sau ở Sài Gòn nửa năm như một cô trinh nữ, tôi chẳng hề biết cái thành phố ấy có những nơi tiêu khiển nào. Rồi trở ra Hà Nội ở cho đến cuối năm 1925, khoảng này kiếm khá tiền hơn trước, tôi có gởi về mua được ít ruộng.
Từ 1920 đến 1925 ở Hà Nội, tuy vẫn đứng đắn nhưng tôi cũng có “mở mang” hơn xưa. Lâu lâu rủ anh em đi hút một vài điếu (chữ quelques pipes là chữ tôi bày ra mà ngày nay ở Hà Nội đang lưu hành) và tập đánh trống nhà trò. Còn sự đi chơi vì cần dùng như lần đi với ông Tản Đà có nói trong bài kỷ niệm ông ấy thì tôi coi là sự thường, không kể.
Hết thảy cái mùi lãng mạn (đây tôi bắt đầu dùng chữ lãng mạn theo nghĩa riêng nó như trên) tôi cho chỉ có hát nhà trò là thú nhứt, mà thú là vì cái đánh trống. Cho nên tôi đi hát là để nghe hát và đánh trống chớ không vì cô đào. Tôi đánh trống không là hay, vì nghe đàn chưa thạo lắm, nhưng tự thấy tiếng trống của mình có một vẻ riêng, cũng như chữ viết của tôi không là tốt mà có một vẻ riêng, tôi không muốn bỏ đi mà theo ai cả dầu họ hơn tôi mấy cũng mặc.
Về nha phiến, đầu năm 1926 tôi 40 tuổi, quyết định không chơi với nó nữa. Vì nghĩ rằng lúc còn trẻ, sức mạnh, đủ mà kình lại nó, tuy hút không sợ ghiền, nhưng đến có tuổi rồi phải tuyệt đi. Vì vậy, có một dạo lâu lắm, ở Sài Gòn, cùng anh em nằm nói chuyện quanh bàn đèn cả đêm mà tôi không hề.
Người ta đến lúc đổ đốn, chơi hoang toàng, thì hay kiếm cái cớ để nấp mình dưới nó mà chống lại vật nghị. Trong sách, khi phê bình các danh sĩ say sưa đời xưa, nhiều người hay nói: “Tiên sanh chi ý bất tại tửu”, hay là: “Hữu sở thác nhi đào”, cùng một ý ấy. Thế thì tôi, trong khi đổi ý, từ cái nhân sanh quan này bước qua cái nhân sanh quan khác cũng dùng cái ngón ấy chăng? Việc của tôi, tôi không sao biết được. Tôi chỉ thuật mà không để lời phán đoán.
Vào khoảng 1930 – 1931, tôi thả theo sự tự do của thị dục, không gìn giữ gì nữa, nhứt là với nha phiến. Lúc đó tôi ở Sài Gòn, viết một lúc ba tờ báo, thường không có giờ rảnh, hễ rảnh là đi giết thì giờ, không chịu luận đêm ngày.
Từ tôi ở ngoài lâu, tôi năng nhớ tới ông tôi. Một lần đi ngang Nha Trang, tôi phải ở lại mấy hôm để đi đến tỉnh thành Khánh Hoà vào thăm dinh Án sát là nơi ông tôi từng ở bảy, tám mươi năm về trước. Ông tôi có một bức di dong chụp trước khi mất một năm đến bấy giờ lu lờ cả, tôi đem thuê ông Đặng Văn Ký ở Đa Kao vẽ lại giống y như hệt. Bức vẽ ấy thường treo ở trên chỗ tôi ngồi viết, khi viết cạn từ, vừa nhìn lên vừa nghĩ.
Tôi thấy sống như cái đời ông tôi mới là sống. Từ đó, trên triết học, tôi cẩn thận ở sự định nghĩa ba chữ “nhân sanh quan” và phân biệt nhứt ở chỗ: nhân sanh quan không phải là nhân tử quan. Theo cái chủ nghĩa cấm dục là làm cho con người ta chết đi, chứ không nói được là sống, dầu còn có cử động.
Khổng Tử đến năm 70 tuổi thì “tòng tâm sở dục bất du củ” nghĩa là “theo chỗ muốn của lòng, chẳng vượt ra ngoài khuôn phép”. Lại, về sự uống rượu, ngài không có hạn lượng, không nhứt định uống mấy chung có chừng, cứ giữ cho không say đến bậy bạ là được (Duy tửu vô lượng bất cập loạn). Hiệp hai điều đó lại, tôi thấy ra Khổng Tử giá đời ngài đã có thuốc phiện thì ngài hoặc cũng có hút, miễn chẳng đến ghiền hay ghiền mà chẳng đến làm hư thân danh mình cùng để luỵ cho vợ con.
Xin ai đọc tôi chớ hiểu lầm cái đoạn tôi mới vừa nói đó. Tôi không có ý dùng nguỵ biện để kéo một bậc đại thánh vào với tôi trong cái chỗ mà người ta kêu bằng “truỵ lạc”. Tôi chỉ muốn nói người ta ở đời, đời có cái gì, hưởng thọ cái ấy thì sự sống có đầy đủ hơn là cái gì cũng không dám hưởng thọ.
Năm 45 tuổi tôi “thiệt thọ”. Sau hơn một năm, tôi bỗng bỏ không hút trong tám tháng. Bấy giờ cha tôi thấy vậy, hình như cũng có tin rằng tôi vẫn đủ sức buông bắt thuốc phiện như ông tôi. Thật ra thì trong tám tháng ấy tôi không có việc làm; thất nghiệp chơi với “nàng” thì bất tiện lắm. Chứ khi ra Hà Nội có việc làm rồi, tôi lại chơi.
Ai đã mắc vào thú này rồi thì thường là chừa các thú khác. Nhưng tôi hơi tham hơn họ một chút. Lần ở Hà Nội này, tôi đi nhà trò nhiều hơn cả mấy lần trước, rốt lại đến lấy một cô làm vợ nhỏ, bây giờ vẫn còn ở với tôi đẻ được đứa con trai. Có lẽ đó là cái kết quả và cũng là cái kết luận của cuộc sanh hoạt lãng mạn của tôi vậy.
Từ năm mươi tuổi đến nay tôi không còn lãng mạn nữa, dầu còn có sức cũng không, vì nghĩ phải để phần mọi sự đời cho kẻ khác. Nói thế hình như hiện nay tôi lại bỏ thuốc phiện rồi. Không, không phải thế, thứ đó bây giờ đã là một sự cần hằng ngày cho tôi; không còn chơi gì nữa nên không thể kể là lãng mạn được.
Thuốc phiện gần nay lên giá, nhiều người làm ra không đủ hút. Trong anh em có người khuyên tôi cũng nên bỏ đi. Mỗi khi đáp lại lời khuyên ấy, tôi nói rằng: “Bảo tôi bỏ à? Thế thì trước kia tôi hút làm gì?” – Lời ấy thật quả là lời của kẻ tự bạo tự khí nếu nó lọt vào tai ông nào như ông Mạnh Tử. Nhưng riêng với tôi, nó là chơn lý, “chơn” đến trăm phần trăm.
Tôi nghĩ cái đời của tôi sống để làm gì? Chẳng phải đến bây giờ mà từ trước đến nay tôi sống để làm gì? Viết báo ư? Ngôn luận ư? Trứ thuật ư? Thì cứ hút đi rồi mà viết, mà ngôn luận, mà trứ thuật; cái này nó chẳng hề phương hại đến cái kia thì việc gì mà phải bỏ? Còn về tiền bạc, theo tôi, cái đó chẳng thành vấn đề.
Cho đi rằng tôi bây giờ không còn là người ghiền đi, lại cho đi rằng từ trước đến nay tôi không hề là người ghiền nữa, thì tôi cũng chỉ là một anh viết báo, một nhà ngôn luận, một tay trứ thuật mà là An Nam tất cả, tôi có hơn gì là tôi đâu?
Có, tôi có khỏi mang tiếng ghiền, nhưng tôi có ích gì cho ai đâu? Thế thì bảo tôi bỏ nó làm gì?
Nói vậy thì nói, chứ đối với cái thái độ ở đời của hai người, cũng không phải tôi cho ông tôi là phải, cha tôi là trái. Chẳng qua sau bao nhiêu lâu nhìn rõ thế sự, tôi thích cái này hơn mà chọn lấy và không thích cái kia mà bỏ đi, thế thôi. Nhưng thế nào mặc dầu, cái sự sống bao hàm của ông tôi, tôi vẫn coi như biển, thì cái sự sống cô cao của cha tôi, tôi cũng coi như núi vậy.
Người ta phải có tu dưỡng hồi bình nhựt thế nào để cho đến khi cái thái độ mình tỏ ra, hoặc là bao hàm, hoặc là cô cao, đều không phải bởi cố ý. Một có sự cố ý thì phải thành ra giả dối, thậm chí mình giả dối lấy mình: con người ấy mới thật là “truỵ lạc”. Tôi sợ cho cái truỵ lạc ấy lắm. Chứ còn ghiền á phiện hay mê cô đào mà bị người ta gia cho cái tiếng “truỵ lạc” thì tôi không sợ. Không sợ mặc tôi, cái tiếng ấy thế nào cũng không khỏi.
Cái đêm trước khi tôi đi Sài Gòn chuyến này, vợ tôi nằm một mình nói cằn rằn: “Nói chơi thì chơi, không mắc cái gì hết, mà rồi cái gì cũng mắc hết!”. Tôi nghe mà làm thinh. Tôi biết bà nó (vợ tôi có cháu nội cháu ngoại rồi) nói thế là nói tôi chứ nói ai?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận