TTCT - Biên tập viên hình ảnh Tạp chí New York "thách" AI cùng vẽ hình minh họa, xem thuật toán có khiến ông sớm về vườn được hay không. Đầu tháng này, Jason Allen, một chuyên gia thiết kế game, gây tranh cãi khi mang bức tranh do AI Midjourney tạo ra tham gia Hội chợ nghệ thuật bang Colorado và đoạt giải nhất hạng mục nghệ thuật/nhiếp ảnh kỹ thuật số. Người trong giới chỉ trích anh này ăn gian, mắng anh không phải nghệ sĩ thực thụ vì chả đầu tư công sức gì mà cũng làm nên "tác phẩm nghệ thuật" rồi giật giải của những người phải vắt óc sáng tạo.Tác phẩm AI đoạt giải tại Hội chợ nghệ thuật bang ColoradoĐiều đáng chú ý là quá trình làm nên tác phẩm thắng giải Théâtre d’Opéra Spatial của Allen. Cũng như các nền tảng AI "" khác là Dall-E của OpenAI hay Imagen của Google, Midjourney cần được "nạp" yêu cầu về bức tranh mong muốn để cho ra sản phẩm cuối cùng. Allen nói với Đài 9News rằng mình nghĩ ra câu mô tả đặc biệt để mớm cho AI và thực hiện việc này đến 900 lần mới có được đầu ra ưng ý, sau đó tút tát với Photoshop, tổng cộng mất 80 giờ, rồi mới mang đi thi.Nhân ồn ào của Allen, người ta cũng nhắc lại chuyện phải chăng giới nghệ sĩ sẽ phải sớm xếp cọ, thúc thủ trước AI. Ngồi lo thì cũng vô ích, Megan Paetzhold, biên tập viên hình ảnh của Tạp chí New York, đã tự tổ chức "đấu" với DALL-E xem trí tuệ nhân tạo có thế chỗ ông ở tòa báo được không.Bản chất công việc của ông và AI biến chữ thành hình là giống nhau: nhận gợi ý/đặt hàng/yêu cầu bằng lời và dựa vào đó để tư duy hình ảnh, rồi dựng vẽ nên vóc nên hình. Vốn liếng của Paetzhold là kho ảnh Getty, kinh nghiệm hàng ngàn giờ với Photoshop và bằng cấp mà ông tốn bộn tiền mới học xong. "Đối thủ" AI thì có hàng triệu điểm dữ liệu hình ảnh đã được học và thuật toán giúp nó liên kết các khái niệm với nhau và tạo ra hình ảnh.Paetzhold ra bốn đề: xử lý hình ảnh người thật, vẽ minh họa, suy nghĩ trừu tượng và nghệ thuật ý niệm. Nếu AI tạo ra tác phẩm gần giống tác phẩm của Paetzhold mà quá trình nạp dữ liệu đầu vào không mất quá nhiều công sức, nó được xem là thắng; bằng ngược lại, "tôi sẽ tự cho mình (và nhân loại) một điểm chiến thắng".2 tác phẩm lỗi (hàng trên) và 2 kết quả chấp nhận được của AI với đề bài "khủng hoảng nhà". Ảnh: Tạp chí New YorkKết quả Paetzhold thắng ba trận đầu, vì các vấn đề của DALL-E nói riêng và AI "họa sĩ" nói chung: (1) chúng không được phép xử lý hình người thật (để tránh bị lạm dụng cho mục đích xấu); (2) lời mô tả phải thật rõ ràng và chi tiết, nếu không sẽ khó có hình ảnh đạt yêu cầu; và (3) AI chưa thể tư duy thị giác, liên hệ ngay từ ngữ với các hình ảnh bật lên trong đầu như con người.Cụ thể, với đề bài "một con lừa đội mũ Make America Great Again" hay "một con lừa đội mũ bóng chày đỏ", DALL-E đều không cho ra ảnh đạt chất lượng mà phải chỉnh sửa yêu cầu chi tiết, cụ thể hơn. Tương tự, với đặt hàng vẽ minh họa "khủng hoảng giá nhà" từ ban biên tập, Paetzhold nghĩ ngay đến hình ảnh những ngôi nhà cùng mặt đất rạn nứt; ta phải gõ chính xác mô tả này (5 ngôi nhà nhựa màu xanh trên mặt đất nứt, lồi lõm, vài ngôi nhà rơi xuống khe nứt), chứ nạp cho AI cụm "một bức hình cho thấy vấn đề giá thuê nhà tăng vọt khắp nơi" thì kết quả sẽ rất buồn cười.Ở bài thi cuối cùng, Paetzhold muốn AI dựa vào tít báo và vẽ minh họa, chẳng hạn "Các bảo tàng đang cố gắng tìm hiểu NFT đáng giá đến đâu". Từ kinh nghiệm ở ba cuộc đấu trước, Paetzhold dành hàng giờ nghiên cứu cách viết yêu cầu sao cho AI dễ hiểu nhất, và kết quả cuối cùng khiến ông ngạc nhiên đến mức vui vẻ cho DALL-E thắng trận này. Dù kết quả là 3-1 nghiêng phe con người, Paetzhold vẫn chốt lại là cả 2 cùng huề!Minh họa cho một bài viết về NFT của Megan Paetzhold cho Tạp chí New York....và tác phẩm do AI tạo ra.Sau thí nghiệm nhỏ này, Paetzhold kết luận DALL-E không thể cho ra kết quả thỏa mãn ngay từ lần thử đầu tiên, cần đầu tư thời gian nghiên cứu cách ra lệnh cho nó. Và như thế, nghệ sĩ và máy tính đã hợp tác cùng nhau thay vì con người sử dụng máy móc.Trở lại chuyện Allen, rõ ràng yêu cầu mà anh nạp cho Midjourney có vai trò rất quan trọng và anh cũng chưa chịu công khai đó là gì. "AI cũng là công cụ như cọ vẽ, và vẫn cần sức sáng tạo và óc suy nghĩ đằng sau đó" - anh này quả quyết.Trước mắt, Paetzhold yên tâm sẽ không phải mất ngủ về viễn cảnh AI sẽ thay thế mình do lẽ "khả năng sáng tạo của DALL-E bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của người dùng đằng sau nó".Tác phẩm do Paetzhold và Dall-E cùng "hợp tác" sáng tạo. Tags: AITrí tuệ nhân tạoTrí thông minh nhân tạoHội họaMỹ thuật
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.