Khi dự những phiên xét xử tội giết người với tình tiết man rợ, tôi thường cố gắng quan sát xem trên khuôn mặt các bị cáo có biểu lộ chút cảm xúc nào không.
Đó có thể là sự bình thản như chưa từng có chuyện gì xảy ra, là sự ăn năn day dứt tột cùng hay nỗi lo sợ với bản án tử hình mà các bị cáo phải đối diện.
Nguyễn Ái Tình (35 tuổi) bị TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử ngày 9-11 là một vụ án như thế. Tình bình thản khi nghe tòa tuyên bản án tử hình lần thứ hai đối với mình trong tiếng khóc nức nở của em trai và người thân trong gia đình.
Cái giá của sự mê muội
Ngày 25-2-2015, một người đàn ông đi chích cá tại rừng tràm thuộc ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) phát hiện thi thể một phụ nữ nổi trên mặt nước.
Thi thể quấn đầy dây, miệng bị dán băng keo, tử thi bị phân hủy nặng. Kết quả giám định ADN cho thấy nạn nhân là chị N.T.T.M. (31 tuổi). Nửa tháng sau, Nguyễn Ái Tình bị bắt.
Bị cáo do đam mê cờ bạc cộng với bản tính trăng hoa đã khiến cuộc đời mình lao xuống dốc. Tình đã có vợ và hai con (không đăng ký kết hôn) nhưng mê chơi, bồ bịch. Chồng hư đốn nên bên ngoại bắt phải bỏ, dù còn thương chồng nhưng vợ Tình phải ôm con về ngoại.
Giữa Tình và chị M. từng có quan hệ tình cảm. Sáng mùng 2 tết năm 2015, Tình thua bạc hết 29 triệu đồng. Tình gọi điện cho chị M. hỏi mượn tiền. Chị M. chạy đến nhà đón Tình rồi cả hai đưa nhau vào khu vực rừng tràm thuộc ấp Bình Hạ Đông.
Sau khi nghe Tình hỏi mượn 5 triệu đồng, chị M. bảo không có rồi đòi luôn số tiền hơn 15 triệu đồng mà Tình mượn trước đó chưa chịu trả.
Hai người cãi nhau rồi xô nhau ngã xuống mương nước. Thấy chị M. vùng vẫy, la hét, Tình dùng băng keo quấn miệng và đâm nạn nhân đến chết. Xong, Tình còn dìm chị xuống nước rồi dùng dây quấn quanh người chị.
Sau đó Tình lấy xe máy của chị M. chở người bạn gái khác sang Campuchia đánh bạc. Sau khi nướng hết tiền vào sòng bạc, Tình bán xe rồi tìm đường về nhà.
Nếu hành vi phạm tội chỉ dừng lại ở đó, biết đâu bây giờ Tình đã có cơ hội thoát án tử hình. Nhưng hai ngày sau khi giết chị M., Tình chạy đến kéo thi thể chị lên bờ rồi dùng kéo cắt 20 vòng vàng mà chị đeo trên tay mang đi bán được 15 triệu đồng để trang trải nợ nần, cờ bạc.
Ở tòa sơ thẩm lẫn phiên xử phúc thẩm, bị cáo vẫn nại ra lý do chị M. xô bị cáo trước, việc giết chị M. là tức thời, các vật dụng gây án như dao, dây vải là của bị hại, băng keo thì có sẵn tại hiện trường, bị cáo không chuẩn bị từ trước.
“Đối với một người phụ nữ mà bị cáo từng có quan hệ tình cảm, đã từng cho bị cáo vay tiền, khi bị cáo gọi chị ấy liền tới gặp, vậy mà bị cáo đâm, dìm chết không thương tiếc. Người ta chết hai ngày bị cáo còn đến kéo thi thể lên bờ rồi cắt lấy vàng mang đi bán.
Đến giờ bị cáo không một chút ăn năn mà còn viện lý do để gỡ tội cho mình. Bị cáo có thấy mình tàn nhẫn không? Có còn chút lương tri nào không?” - trước những câu chất vấn ấy của đại diện viện kiểm sát, bị cáo chỉ biết cúi gằm mặt không trả lời...
Níu kéo sự sống
Tình cao ráo, đẹp trai nên không ít phụ nữ đem lòng thương, ghen tuông, giận hờn, thậm chí xô xát nhau.
Chứng kiến cảnh ấy, bà V.T.T.T. (mẹ Tình) nhiều lần nói với con: “Con thương ai thì chung thủy với một người, chăm chú làm ăn cho mẹ nhờ!”. Nghe mẹ khuyên thế, Tình chỉ nín thinh.
Trước khi bị bắt vài ngày, Tình gọi điện cho cha kể với giọng hoảng hốt: “Mấy đêm nay con đều mơ thấy mình bị công an vây bắt”. Cha Tình còn động viên con: “Mình không làm việc xấu thì cứ kê cao gối mà ngủ”. Vài ngày sau, Tình bị bắt khiến vợ chồng bà T. ngã quỵ.
Sau phiên xử phúc thẩm, gia đình họ hỏi đường vào trại giam Chí Hòa thăm con. Tình than thở với mẹ: “Chỉ tại nhà mình nghèo quá. Nếu có tiền con đã được học hành. Nếu có tiền thì mẹ lo cho con thoát án tử hình...”.
Người mẹ khóc nức nở, lòng rối như tơ vò, còn con thì bình thản chỉ bảo: “Cả mẹ và con phải cùng làm đơn xin ân giảm án tử hình gửi lên Chủ tịch nước. Mẹ phải xin xác nhận của trưởng ấp, xin chữ ký của bà con lối xóm càng nhiều càng tốt. Mẹ phải xin được từ 200 - 300 chữ ký thì con mới có cơ hội được sống...”.
Tình còn bảo bạn tù được gia đình đi thăm suốt, rồi dặn mẹ mỗi tháng nhớ đi thăm một lần, mỗi lần vào cho con 1 triệu đồng. Đồ gửi thì đừng mua ở ngoài nhiều, vô căngtin của trại giam mua thì gửi bao nhiêu cũng được...
Nghe nói bảy ngày sau khi xét xử phúc thẩm phải làm đơn xin Chủ tịch nước giảm tội chết cho con, bà T. đếm từng ngày. Tranh thủ ngày chủ nhật, bà nhờ người viết đơn nhưng không biết phải gửi đi những đâu.
35 năm sống trên đời, Nguyễn Ái Tình chưa mang lại được điều gì tốt đẹp cho những người yêu thương mình. Cơ hội được sống một lần trên đời, bị cáo đã không biết trân trọng. Để rồi giờ đây khi biết mình buộc phải chết mới tha thiết mong được sống.
Tấm lòng người mẹ Hơn 20 năm sau ly hôn, bà T. vẫn ở vậy làm công nhân nuôi 4 đứa con. Con gái út ly hôn rồi cưới chồng mới, bỏ lại đứa cháu 9 tháng tuổi cho bà nuôi suốt 7 năm qua. Hai năm nay bà phải nuôi thêm đứa con đang ở trong tù. Nghe Tình than thở, có khổ sở, túng thiếu bà cũng cắn răng không nói cho con biết. Sợ con cận kề cái chết mà thích ăn gì cũng không có ăn nên bà T. cố xoay xở. Hôm tòa xử xong, Tình xin mẹ 1 triệu đồng, bà T. đã vét cạn túi để đưa cho con. Mỗi ngày, người phụ nữ ấy vùi mặt trong công ty may từ sáng sớm đến tối mịt... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận