Trong số những người đó có Phan Văn Lời (sinh viên năm 2 Đại học Khoa học tự nhiên) ngày ngày đến đây mót củi kiếm tiền trang trải cuộc sống và tiếp tục được cắp sách đến trường.
Thương cha bệnh nặng, mẹ đi bán vé số chắt chiu cũng không đủ tiền lo cho ba bữa cơm gia đình, Lời xin phép mẹ rồi theo dì đi mót củi từ năm mới 12 tuổi. Đến nay, gánh củi nhỏ bé đã theo chân Lời tròn tám năm.
Hằng ngày, công việc của Lời bắt đầu từ 8g và kết thúc lúc chiều muộn. Sáng sớm, Lời ra bãi củi phụ mấy cô, mấy dì dọn dẹp rác, đốt bỏ những nhánh cây, lá cây không sử dụng được. Sau đó, mọi người quây quần trò chuyện, chờ đợi “những chuyến xe của Công ty Công viên cây xanh” mang củi về.
Mỗi ngày bình quân có 3-4 chuyến xe chở cây củi về. Từ trong đám lá cây, mọi người cùng nhau mót ra phần củi có thể tận dụng bán được.
“Nghề này cũng bấp bênh, ngày nắng, ngày mưa đều phải làm, mưa to mà xe củi về phải đội mưa làm cho kịp. Có lần đi học về em chẳng kịp thay quần áo, chạy qua đây làm luôn không may gặp mưa, quần áo ướt nhẹp, đầy bùn đất, thế mà vẫn thấy vui vì làm được việc” - Lời chia sẻ.
Lời là một trong số ít người làm củi lâu năm còn ở lại bãi này, cái gì liên quan tới nghề mót củi Lời đều rành rọt. Đối với Lời, mót củi như một nghề gắn bó, nuôi Lời lớn khôn. Từ ngày vào đại học, dù đi học xa nhưng chưa một ngày nào Lời ở lại TP. Lời về nhà giúp ba mẹ làm việc nhà, rồi ra bãi củi mót củi.
“Ngày nào không đi mót củi là nhớ nghề, nhớ mấy dì, nhớ cái chòi củi lắm” - Lời đang xếp lại đống củi, hổn hển nói.
Một chiếc xe củi nữa lại về đổ, Lời nhanh nhảu trèo lên thùng xe dỡ củi thoăn thoắt, người nhễ nhại mồ hôi. Trời ngả về chiều, Lời vừa miệt mài nhặt, chẻ củi, vừa vui vẻ kể về ước mơ trở thành giáo viên để có điều kiện giúp đỡ những trẻ em nghèo, bất hạnh được học hành đến nơi đến chốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận