Phóng to |
Chiếc xe Toyota này được ông Luyến mượn của anh Nguyễn Thanh Quang, sau đó đem cầm lấy 170 triệu đồng -Ảnh: H.K. |
Anh Chiêm Anh Vũ (ngụ ở P.Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết ngày 3-3-2008, ông Phan Văn Luyến - cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương - mượn anh chiếc xe du lịch để “đi công chuyện”. Mặc dù xe đang bận nhưng do nể nang nên anh Vũ chạy đôn chạy đáo thuê chiếc xe của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Công Nhơn (Công ty Công Nhơn) đưa ông Luyến đi. Một tuần sau, ngày 10-3, anh Vũ tìm ông Luyến đòi lại xe nhưng ông Luyến nói… đã đưa cho người khác chạy hợp đồng, nếu muốn lấy lại xe thì phải… đưa chiếc xe khác cho ông Luyến mượn.
Vì Công ty Công Nhơn muốn lấy lại xe nên anh Vũ đành phải đưa xe của mình cho ông Luyến. Để làm tin, ông Luyến viết hai tờ giấy mượn xe (ngày 3-3 và 12-3). Tuy nhiên, ông Luyến đã đem cả hai chiếc cầm cho một tiệm cầm đồ ở thị xã Thủ Dầu Một.
Mượn không trả
Mua đi bán lại... hàng gian Đêm 19-9, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Thành Phước (ngụ ấp 1, xã An Tây, Bến Cát, Bình Dương). Anh Phước cho biết cách đây vài tháng, qua một người quen giới thiệu, ông Phan Văn Luyến mặc cảnh phục tìm đến nhà anh và đặt vấn đề cầm bốn chiếc ôtô với số tiền 1,25 tỉ đồng để đặt cọc tiền mua đất. Ban đầu vợ chồng anh Phước từ chối nhưng ông Luyến đưa thẻ ngành ra để làm tin và hứa sẽ giúp đỡ anh Phước về chuyện “đường sá đi lại” (anh Phước làm nghề buôn bán, vận chuyển gỗ cao su). Nghe bùi tai, vợ chồng anh Phước đi vay mượn đủ tiền đưa cho ông Luyến. Sau khi biết ông Luyến lừa, anh Phước mang ba chiếc xe mà ông Luyến cầm lên Bình Phước bán cho người khác với giá 950 triệu đồng. Riêng chiếc Fiat biển số 52V-8490 (ông Luyến mượn của người quen rồi cầm cho anh Phước lấy 300 triệu) hiện anh Phước đang sử dụng hằng ngày. Tưởng chúng tôi đi mua xe, anh Phước ra giá “nếu thấy được giá tui bán 300 triệu”. Hỏi giấy tờ xe đâu, anh Phước nói “đem cầm lấy 150 triệu rồi”. Anh Phước thừa nhận giấy tờ không phải của chính chủ nhưng phải tìm cách bán tống bán tháo để gỡ gạc lại số tiền mà ông Luyến lừa. |
Tháng 2-2008, biết anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ TP.HCM) có chiếc Innova (anh Tuấn mượn của một công ty để đi làm), ông Luyến nhờ một người bạn tên Hùng - chơi thân với em anh Tuấn - mượn xe để đi công việc. Sau khi mượn được xe, ông Luyến cũng đem đi cầm nốt.
Không chỉ mượn xe, ông Luyến còn tranh thủ cái “mác” CSGT để vay của nhiều người với số tiền khá lớn. Ngày 20-5, ông Luyến vay của chị N.T.T.P. (ngụ Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương) 2,9 tỉ đồng (chia làm ba lần). Đích thân ông Luyến viết giấy nợ “đến ngày 20 hằng tháng sẽ trả 150 triệu đồng cho đến khi hết nợ”. Nhưng đã bốn tháng qua, ông Luyến chẳng chịu trách nhiệm gì về số nợ của mình.
Tháng 7-2007, ông Luyến gặp chị Lê Thị Chớp (ngụ Chánh Phú Hòa, Bến Cát) vay 900 triệu đồng để mua đất khai thác cao lanh. Để làm tin, ông Luyến đưa cho chị Chớp một sổ đỏ đứng tên một người khác và nói rằng đây là mảnh đất sắp mua. Mặc dù chỉ mới biết nhau một hai lần nhưng thấy ông Luyến “mặc đồ CSGT” nên chị Chớp yên tâm giao tiền. Giấy nợ đề ngày 25-7-2007 do chính tay ông Luyến viết ghi rõ “vay 900 triệu đồng để làm ăn, trong thời gian sáu tháng sẽ trả hết số tiền trên”. Chị Chớp cho biết từ khi mượn được tiền, ông Luyến cố tình tránh né, không trả cho chị một đồng.
Không chỉ quỵt nợ người ngoài, ông Luyến còn xù nợ của chính đồng đội mình. Chị Nguyễn Ngọc Dung có chồng làm chung cơ quan với ông Luyến, vợ chồng chị Dung coi ông Luyến như em kết nghĩa. Đầu năm 2008, ông Luyến tìm đến nhà chị Dung tâm sự cần một số tiền để “hùn mua đất”. Vợ chồng chị Dung chạy đôn chạy đáo vay nóng 380 triệu đồng để đưa cho “ông em kết nghĩa”. Ông Luyến viết giấy nợ hứa sau 30 ngày sẽ trả hết số tiền trên nhưng sau đó cũng xù luôn.
Tài liệu của Tuổi Trẻ cho thấy ông Luyến còn vay của chị Trần Thị Thủy (ngụ Bến Cát) 750 triệu đồng, vay của anh Nguyễn Văn Minh (ngụ Hòa Lợi, Bến Cát) 200 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (ngụ Tân Uyên, Bình Dương) 50 triệu đồng, ông Phan Văn Đại (ngụ Phú Thọ, Thủ Dầu Một) 120 triệu đồng, vay một chủ cây xăng ở Bến Cát 750 triệu đồng… Tất cả giấy nợ đều do ông Luyến viết và ký tên. Riêng giấy mượn tiền vay của chị Trần Thị Thủy đề ngày 16-10-2007 do ông Luyến và một người tên Đoàn Thị Kim Giang ký tên. Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, ông Luyến nợ khoảng 5,5 tỉ đồng và tám chiếc ôtô. Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho biết số tiền mà ông Luyến nợ có thể cao hơn vì một số nạn nhân chưa tố cáo hoặc vì lý do tế nhị nào đó họ im lặng.
Đang điều tra làm rõ
Có dấu hiệu hình sự Theo luật sư Trương Xuân Tám - trưởng văn phòng luật sư Tường Trương Xuân Tám, hành vi của ông Luyến đã có dấu hiệu cấu thành hai tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp ông Luyến lợi dụng sự tín nhiệm và quen biết của nhiều người để mượn tiền, xe cộ sử dụng không đúng mục đích sau đó lẩn tránh, không chịu trả nợ thì cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nếu ngay từ đầu ông Luyến cố tình gian dối mượn xe để đi nhưng thực tế đem cầm hoặc lấy lý do làm ăn để mượn tiền nhưng sau đó dùng để tiêu xài cá nhân thì có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. |
Sau khi vụ việc đổ bể, các nạn nhân gửi đơn đến thanh tra Công an tỉnh Bình Dương tố cáo hành vi của ông Phan Văn Luyến. Anh Nguyễn Thanh Quang cho biết đã gửi đơn từ tháng 4-2008 nhưng bên thanh tra công an tỉnh chỉ mời lên làm việc một lần rồi thôi. Tương tự, anh Chiêm Anh Vũ cũng gửi đơn từ nhiều tháng qua nhưng sự việc chẳng đi đến đâu.
Ngày 19-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Phan Ngọc Duyên - chánh thanh tra Công an tỉnh Bình Dương - nói sau khi có thông tin về sai phạm của ông Phan Văn Luyến, giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để xác minh vụ việc. Theo bà Duyên: “Thông tin ban đầu cho thấy ông Luyến có vay nợ vài tỉ đồng. Việc làm của ông Luyến phạm vào điều cấm của ngành công an. Cuối tháng 8-2008, ban giám đốc Công an tỉnh đã ra quyết định tước quân tịch và khai trừ Đảng ông Phan Văn Luyến. Ban giám đốc tiếp tục chỉ đạo thanh tra và cơ quan điều tra làm rõ những vấn đề: ông Luyến vay của ai, vay làm gì để báo cáo giám đốc Công an tỉnh. Nếu có dấu hiệu hình sự thì xử lý đến nơi đến chốn”.
Trong khi đó, thượng tá Trần Minh Hữu - trưởng Phòng CSGT Công an Bình Dương - nói rằng trong thời gian công tác, ông không nghe bất cứ thông tin gì về việc vay nợ của ông Luyến. Sau này ông Luyến khai nhận lý do vay nợ là để “giải quyết chuyện gia đình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận