Thông tin gây sốc này vừa được ông Đặng Khắc Phúc, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP.HCM tiết lộ.
Ông Phúc cho biết quý 2 vừa qua, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã tập trung rà soát hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp trên địa bàn quận, sau gần một năm chính thức sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại nghị định 123.
Nhất là sau vụ 524 doanh nghiệp trong đường dây mua bán hóa đơn mà Công an Phú Thọ phát hiện.
Qua rà soát cho thấy một công ty yến sào xuất hóa đơn giá trị 34.000 tỉ đồng (tương đương gần 1,5 tỉ USD) chỉ trong vòng 7 ngày. Để ra số doanh thu khổng lồ này, doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cả ngày lẫn đêm.
"Khi kiểm tra, ngành thuế phát hiện chỉ có 40 triệu đồng hóa đơn kinh doanh yến, còn lại là hóa đơn xuất vào thị trường chứng khoán và công ty đã báo cáo về Cục Thuế TP.HCM và gửi văn bản hỏi công ty chứng khoán", ông Phúc cho biết.
Hiện quận Bình Thạnh quản lý 22.000 doanh nghiệp, 16.000 hộ, cá nhân kinh doanh. Chỉ trong thời gian từ 1-7-2022 đến 30-6-2023 đã có hơn 17,8 triệu hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đã được xuất cho bên mua, trong khi số hóa đơn điện tử không có mã được xuất là 453.000.
"Số lượng rất lớn, doanh nghiệp rất đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và hình thức kinh doanh nên đã xuất hiện hàng loạt rủi ro sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp cũng như sử dụng bất hợp pháp hóa đơn điện tử. Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thật, không ít doanh nghiệp có mong muốn tìm lợi nhuận ngoài sản xuất. Nộp ít thuế, nôm na là trốn thuế cũng là nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, có cầu lấy hóa đơn ắt phải có cung, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp ra đời nhằm phục vụ mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp.
Một số cá nhân khai thác kẽ hở của việc cấp đăng ký kinh doanh, theo đó chỉ cần sử dụng giấy tờ tùy thân của bất cứ cá nhân nào đều có thể đăng ký đại diện doanh nghiệp mà không cần chứng minh nhân thân, địa chỉ trụ sở hay cơ sở kinh doanh.
Vốn thì ảo. Các doanh nghiệp mở ra ai cũng khai 30 tỉ đồng, nhất là 524 doanh nghiệp do Công an Phú Thọ phát hiện thì doanh nghiệp nào cũng khai 30 tỉ.
Các đối tượng này cũng lợi dụng quy định thông thoáng về kê khai thuế, phát hành sử dụng hóa đơn điện tử nhằm mục đích mua bán hóa đơn và thực hiện các hành vi trốn thuế.
Một vấn đề khách quan nữa là ngành thuế triển khai hóa đơn điện tử với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh nhưng hệ thống cảnh báo rủi ro, tra soát hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế lại chưa hoàn thiện và hiệu quả. Chưa kể cán bộ thuế lại quá tải do mỗi công chức phải quản lý hàng ngàn doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp chấp hành tốt công chức có thể yên tâm, nhưng với các doanh nghiệp rủi ro thì cán bộ thuế phải theo sâu để giải quyết hậu quả, từ rà soát xác minh hóa đơn đến cung cấp tài liệu hoặc giải trình trực tiếp với cơ quan tố tụng gây ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, công sức cũng như tâm lý làm việc của công chức thuế.
"Với việc xuất hóa đơn điện tử dễ như hiện nay thì công ty đặt ở bất cứ đâu, kể cả Campuchia cũng có thể xuất hàng ngàn tỉ hóa đơn suốt ngày đêm. Ngoài Công an Phú Thọ, hiện đang có chuyên án của Công an Hưng Yên, Thanh Hóa, Hải Phòng.
Tại thời điểm phá án, tổng giá trị hóa đơn điện tử mà 524 doanh nghiệp này phát hành lên tới 33.000 tỉ đồng chỉ tính từ tháng 3-2022 đến tháng 9-2022", ông Phúc thông tin.
Ông Phi Vân Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thừa nhận tội phạm mới về thuế đang gia tăng nhanh và mạnh. Ngành thuế cần có biện pháp tuyên truyền để doanh nghiệp ý thức tốt hơn về hành vi trốn lậu thuế.
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ phối hợp công an để làm rõ một số vụ việc, đường dây mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Trước mắt, lãnh đạo chi cục thuế đang kiến nghị cơ quan quản lý thống nhất phương án xử lý với doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn của đường dây 524 doanh nghiệp "ma" buôn bán hóa đơn bất hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận