Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 27-3, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay lô thuốc BAT 10 lọ được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tài trợ cho Việt Nam hiện đã dùng hết. Để kịp thời điều trị cho các bệnh nhân, trước mắt có một công ty đề xuất với Bộ Y tế và một số bệnh viện sẽ tài trợ 6 lọ thuốc.
Thuốc có tên Botulism antitoxin heptavalent (BAT), do Canada sản xuất, có tác dụng giải độc tố do vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ra. Đây được đánh giá là loại thuốc cực hiếm, giá 8.000 USD/lọ.
"Bộ Y tế đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất và hoàn tất các thủ tục khẩn trương nhất, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thời gian ngắn nhất để có thể nhập về phục vụ điều trị, đồng thời có cơ số thuốc dự phòng cho các trường hợp khác nếu có", thứ trưởng nói.
Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề Bộ Y tế có kế hoạch dự trữ thuốc để chủ động hơn trong điều trị ngộ độc Clostridium Botulinum, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết từ các ca ngộ độc này, thời gian tới Bộ Y tế sẽ có kế hoạch xây dựng nguồn thuốc dự trữ để trong các trường hợp cấp bách có sử dụng.
Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, tính đến ngày 26-3, đã có 6 bệnh nhân ngộ độc nhập viện cấp cứu sau khi cùng ăn bún riêu chay ở Bình Dương. Trong số này, 3 người có dấu hiệu phục hồi sau khi được sử dụng huyết thanh giải độc tố Clostridium Botulinum; 1 người tử vong và 2 người còn lại đang được bệnh viện thay huyết tương lọc độc tố.
Ước tính ban đầu từ ngành y tế tỉnh Bình Dương xác định có 25 - 30 người cùng ăn bún riêu chay trong bữa trưa 20-3, họ đều là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Với các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân sau truyền huyết thanh kháng độc, Sở Y tế TP.HCM chính thức khẳng định "có đủ bằng chứng cho thấy các bệnh nhân ngộ độc do thức ăn chứa các độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận