Sửa điện live-line (không cúp điện) cùng việc vận hành lưới điện thông minh giúp giảm thời gian cúp điện ở TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI
Nếu chuyện này xảy ra trước đây, phải mất ít nhất hai giờ để xử lý sự cố vì nhân viên ngành điện phải chạy xe đến hiện trường tìm nguyên nhân, rồi xử lý thủ công.
Nhưng giờ đây chỉ 4 phút sau khi xảy ra sự cố, đã có hơn 3.500 hộ dân được tái lập điện và thêm 22 phút thì toàn bộ hộ dân có điện trở lại!
Tất cả việc phát hiện, xử lý sự cố này được thực hiện bởi trung tâm điều khiển từ xa của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC).
Công nghệ "made in TP.HCM"
EVN HCMC đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2020 phải xây dựng trung tâm điều khiển từ xa để quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn TP.
Ông Luân Quốc Hưng - trưởng ban kỹ thuật EVN HCMC - cho biết điều mà cán bộ nhân viên ngành điện TP tự hào là trung tâm điều khiển từ xa này được mày mò, xây dựng từ chính đội ngũ kỹ sư trong nước.
Ban đầu với 13 thiết bị tự động được lắp đặt thí điểm trên lưới điện thuộc khu vực quận 7 và Khu công nghệ cao ở quận 9, các kỹ sư của EVN HCMC tự lập trình phần mềm điều khiển. "Với hệ thống này, khi có sự cố, lập tức hệ thống sẽ báo động chính xác vị trí, nguyên nhân.
Từ đó, nhân viên điện lực ngồi ở nhà cũng có thể cô lập khu vực xảy ra sự cố. Thông qua các thiết bị đóng - mở điện tự động đã lắp trên lưới điện, nhân viên sẽ thực hiện lệnh chuyển tải để khu vực bị mất điện nhỏ nhất" - ông Hưng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh, phó tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết khi đã làm chủ được công nghệ, EVN HCMC mạnh dạn đầu tư thiết bị tự động, hoàn thiện dần trung tâm điều khiển.
Đến năm 2016 đã có gần 500 thiết bị tự động được lắp đặt trên lưới, đến năm 2017 số thiết bị tự động được lắp đặt trên lưới là gần 1.200, giúp kiểm soát, vận hành khoảng 80% lưới điện trên toàn địa bàn TP. Ngành điện TP phấn đấu sẽ vận hành điều khiển tự động 100% lưới điện trong năm nay.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, với sự vận hành của trung tâm điều khiển từ xa kết hợp với việc sửa chữa điện live - line (sửa điện không cúp điện), ngành điện TP giảm dần thời gian, quy mô cúp điện.
Năm 2015, mỗi khách hàng bị mất điện 6,72 lần với tổng thời gian khoảng 720 phút/năm, nhưng đến năm 2018 số lần mất điện giảm còn khoảng 1,5 với tổng thời gian 124 phút. Trong năm nay, ngành điện TP phấn đấu giảm thời gian khách hàng bị mất điện còn 1 lần và thời gian bị mất điện dưới 60 phút.
Giảm tỉ lệ tổn thất điện năng ở top 4 ASEAN
Thường để đánh giá về sự phát triển của một đơn vị cung cấp điện, phân phối điện thì dựa vào hai yếu tố: tỉ lệ mất điện và tỉ lệ tổn thất điện năng của đơn vị đó.
Đối với ngành điện TP, ngoài việc giảm đáng kể số lần mất điện và thời gian mất điện cho khách hàng thì việc giảm tỉ lệ tổn thất điện năng cũng có những bước tiến đáng kể.
Theo ông Hưng, điều kiện tiên quyết kéo giảm tỉ lệ tổn thất điện năng thì phải xây dựng hệ thống lưới điện tốt. Muốn có lưới điện tốt thì đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch và có tính dự phòng. Mặt khác, bán kính cấp điện của đường dây trung thế phải không dài quá 8km, cung cấp không quá 6.000 khách hàng.
Còn đối với lưới hạ thế, bán kính cấp điện không quá 300m và số lượng cấp điện không quá 300 khách hàng.
Nói nôm na, việc "chia nhỏ" hệ thống lưới điện này giúp việc phân bổ khách hàng hợp lý, hệ thống điện có độ dự phòng cao (khoảng 50% - PV), hạn chế được tình trạng quá tải trên đường dây - một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tổn thất điện năng cao.
Một yếu tố quyết định giúp kéo giảm tỉ lệ tổn thất điện năng nữa là việc đầu tư nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV trên toàn địa bàn TP.
"Thời điểm bắt đầu nâng cấp điện áp, lưới điện trên địa bàn TP có gần 6.000km với khoảng 26.000 trạm biến thế. Điểm quan trọng trong việc nâng cấp điện áp này là phải làm nhanh, bởi tồn tại song song hai cấp điện áp thì một đường dây này bị sự cố, đường dây còn lại không thể hỗ trợ chuyển tải được" - ông Hưng nhớ lại.
Cái khó nữa trong việc nâng cấp điện áp là hệ thống điện của một số khách hàng lớn cũng phải đầu tư nâng cấp cho đồng bộ. Việc này đòi hỏi ngành điện vừa làm vừa vận động khách hàng thực hiện.
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trên, EVN HCMC đã hoàn thành chuyển đổi cấp điện áp từ 15kV lên 22kV trước 2 năm so với yêu cầu của Bộ Công thương giao (năm 2020).
Đây là một trong những yếu tố chính giúp kéo giảm tỉ lệ tổn thất điện năng từ 5,08% năm 2014 còn 3,27% năm 2018 - đạt top 4 đơn vị có tỉ lệ tổn thất điện năng thấp nhất trong các nước ASEAN, góp phần vào việc cung cấp điện ổn định trên địa bàn TP.
TP.HCM không thiếu điện trong mùa khô
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, TP.HCM đang vào giai đoạn nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện đang tăng. Cụ thể, sản lượng điện ngày cao nhất tính từ đầu tháng 3 đến nay gần 81 triệu kWh/ngày, tăng 5,26% so với thời điểm cùng kỳ 2018.
Ngành điện TP đã xây dựng nhiều kịch bản cung cấp điện trong mùa khô năm 2019. Tuy nhiên, nguồn điện vẫn đảm bảo đủ cung cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất... và không để xảy ra tình trạng quá tải dẫn đến sự cố hoặc phải cắt điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận