12/06/2015 06:00 GMT+7

Một con gà "cõng" 14 loại phí đi đâu?

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - TRÀ MY

TTO - "Người ta chở trứng đi mà mình chỉ đến nhìn xong đếm theo quả để... thu là không được", Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Người tiêu dùng sẽ chịu thiệt khi một con gà "cõng" 14 loại phí - Ảnh tư liệu: Tự Trung

Tình trạng phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn chồng chéo, đôi lúc trùng lắp làm gia tăng chi phí sản xuất và lưu thông.

Phí cao, người dân sẽ "lãnh đủ" khi mua gia cầm

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt câu hỏi về việc một con gà phải chịu tới 14 loại phí, "không biết đó là những loại phí gì?". 

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ trưởng nói rõ ra có đúng là có 14 loại phí kiểm dịch đối với gà thịt không. 

"Nếu đúng như vậy thì gây ra rất nhiều hệ lụy tới vấn đề chi phí sản xuất và lưu thông và giải pháp khắc phục", đại biểu Đỗ Văn Đương nêu. 

>> Đại biểu Đỗ Văn Đương

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết có nghe phản ánh và đã cử đoàn kiểm tra.

"Thu phí theo quả trứng, tôi không đồng ý. Tôi đã yêu cầu các đồng chí là kiểm dịch thú y chỉ thu tại nơi xuất phát một lần và chấm hết. Thứ hai, thu phải hợp đạo lý, người ta chở trứng đi mà mình chỉ đến nhìn xong đếm theo quả để thu là không được",  Bộ trưởng Phát nói. 

>> Bộ trưởng Cao Đức Phát

Sau khi nghe trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải hủy ngay quy định trên.

"Hủy ngay khoản đó đã, còn vấn đề gì sau đó mình sửa sau, vấn đề gì Bộ trưởng thấy không hợp lý thì hủy ngay", chủ tịch Quốc hội nói. 

>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Khi điều bất thường trở thành bình thường?

Lúa bị mua với giá thấp, hành tím, khoai lang, không tìm được nơi tiêu thụ… là thực trạng mà nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn và chờ câu trả lời từ phía Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong phiên chất vấn ngày 11-6.

Những quả dưa hấu không tìm được chủ, những củ hành tây bị bỏ lăn lóc trên ruộng,…Gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra tuột giá thê thảm khiến cho người dân lo từng ngày. "Thực trạng khó khăn của nông dân hiện nay là trồng gì cũng sợ, nuôi con gì cũng ngại vì không bán được hàng" - đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nói.

Còn, bộ trưởng Phát thì nói rằng: " thưa Quốc hội, thực tế không đến nỗi, tôi đã có liên hệ với một số giám đốc sở ở tỉnh, năm nay lúa được mùa, trái cây được mùa được giá. Tất nhiên giá lúa bây giờ đang thấp do gạo xuất khẩu không được...Dưa hấu giá thấp, bán không được là do khả năng thông quan kém, hành Sóc Trăng ứ là do không xuất khẩu được qua Indonesia... "

Câu chuyện nóng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp thì Bộ trưởng Phát cho rằng tình hình tiêu thụ nông sản không kém sáng sủa như các đại biểu lo ngại.

Người dân ở nhiều địa phương đã phải chung tay giải cứu những nông sản này để phần nào giúp người nông dân tiêu thụ được một phần sản phẩm của mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) khẩn nài Bộ trưởng Phát: “Nói gì cho bà con yên tâm sản xuất khi người nông dân trồng lúa rất tốt nhưng lại bán giá thấp, trồng khoai lang thì không nơi tiêu thụ, nuôi con cá, con tôm xuất khẩu được chưa hết mừng thì gặp phải chống bán phá giá?”

>> Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng thực tế tình hình tiêu thụ nông sản không có gì kém sáng sủa đến vậy. Bộ trưởng nêu: Trong 10 mặt hàng nông sản của chúng ta xuất khẩu năm nay, có 5 mặt hàng giá xuống và xuất khẩu xuống, đó là gạo, cao su, cà phê, tôm và cá tra. Nhưng có 5 mặt hàng lại lên, đó là hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ, sắn và rau quả.

>> Bộ trưởng Cao Đức Phát 

“Tất nhiên là giá bây giờ đang thấp, vì giá thị trường thế giới rất thấp. Tình hình chung của cả nước cũng vậy, không phải tất cả đều như dưa hấu trong tháng năm đều như hành tím. Cũng có mặt hàng được mùa, được giá như hồ tiêu".

Việc nông dân "được mùa mất giá" hay phải đổ hàng hóa bỏ đi là “điệp khúc buồn muôn thưở”. Nhà nông “đứng trên đống lửa” là điều không lạ, không mới, tuy nhiên cái lạ cái mới ở đây là các bộ trưởng thấy việc "bất thường " này đã thành " bình thường".

Không chỉ tiêu thụ dưa hấu, hành tây gặp khó

Trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ vào ngày 11-5, bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết chưa bao giờ xuất khẩu nông sản khó khăn như quý I năm nay, không chỉ là chuyện dưa hấu như truyền thông đưa lên đâu, mà với tất cả các mặt hàng.

“Tiêu thụ bằng cả tấm lòng” là từ mà chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đã dùng khi nhắc lại chuyện vừa rồi các mặt hàng dưa hấu, hành tím rớt giá, người dân đổ bỏ, khiến bà con trong nước xót thương phải chung tay giải cứu.

Người dân vận chuyển dưa thải bị loại về trong nước - Ảnh: QUANG THẾ

Còn chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nhiệm vụ của nhà nước là phải giúp nông dân sản xuất gắn với thị trường, chứ không thể cứ làm mà không biết bán cho ai.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt câu hỏi về đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã và đang tiến tới ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương.

>> Đại biểu Trương Minh Hoàng

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá nông thôn Việt Nam thời gian qua thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu liên kết bốn nhà và cũng thiếu định hướng tư vấn, quản lý của nhà nước nên phát triển cây trồng, sản xuất hàng hóa chạy theo phong trào và lợi nhuận trước mắt không tính đến chuyện lâu dài.

“Vì thế cung vượt quá cầu, một số lĩnh vực được mùa, rớt giá, lúc chặt điều trồng cao su, lúc chặt cao su trồng cà phê, lúc chặt cà phê trồng hạt tiêu, dẫn đến khó khăn và rối loạn, thua lỗ trong sản xuất”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương phát biểu.

>> Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

 

Hai bạn trẻ mua dưa hấu trong chiến dịch "giải cứu" dưa hấu vừa qua - Ảnh: Khoa Nguyễn

 

VÕ HƯƠNG - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên