16/06/2014 12:02 GMT+7

Một con chim, 6 tháng tù

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Có rất nhiều phiên tòa được mở ra để xử những vụ án (cả hình sự lẫn dân sự) tưởng như chỉ trong tiểu thuyết hoặc ở câu chuyện phiếm.

wbVGc9aM.jpgPhóng to
Mẹ của V. kể chuyện con mình bắt trộm chim và ở tù 6 tháng - Ảnh: V.Tr.

Những vụ án đó xuất phát từ con vịt, con chim, cái gốc cây, thậm chí còn có chuyện khó tin là thẩm phán xử ông chánh án vốn là sếp trực tiếp của mình.

Từ khi bị bắt để điều tra cho đến khi vào trại giam thụ án 6 tháng tù, Ngô Thanh V. và Nguyễn Thanh S. (cùng 24 tuổi, ngụ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đều làm cho các giám thị “mắt tròn mắt dẹt”. Chẳng ai tin nổi hai tay này đi tù với cái tội kỳ quặc như vậy: trộm chim!

Cũng vì vậy mà suốt thời gian thụ án, V. được các giám thị đặt cho cái tên mới là “Chim”. Đến khi V. ra tù, những phạm nhân cùng phân trại cũng chẳng ai nhớ tên thật của “thằng Chim” là gì. Còn S. bị bệnh suyễn nặng nên được gọi là “thằng Lao”.

Trộm chim về nuôi

Thẩm phán nói gì?

Thẩm phán Phạm Văn Nhịn, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử vụ trộm chim, cho biết vụ này đã khá lâu nên ông không còn nhớ chi tiết. Tuy nhiên ông khẳng định mức án 6 tháng tù giam mà hội đồng xét xử áp dụng đối với hai bị cáo V. và S. là có căn cứ vào những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của pháp luật. Mức án 6 tháng tù giam đối với hai bị cáo trong trường hợp này là thỏa đáng. Quyền của bị cáo là nếu không phục mức án mà hội đồng xét xử tuyên thì kháng cáo. Thực tế thì họ cũng đã kháng cáo.

Nỗi ám ảnh về một bản án quá nặng khiến V. vẫn còn hằn học, bức xúc dù đã ra tù được mấy tháng rồi. Nguyễn Thanh S. là đồng phạm với V. khi nghe tôi nhắc chuyện cũ đã to tiếng chửi đổng một tràng.

V. nhớ như in cái ngày định mệnh của mình. Trưa 3-8-2012, V. rủ S. cùng nhau đi mua gà tre về bán kiếm lời vì S. am hiểu loại gà này. Cả hai chở nhau trên xe gắn máy đi từ xã Hòa Hưng đến xã An Hữu thuộc huyện Cái Bè để tìm mua gà. Đến trước nhà ông Nguyễn Văn Khoa ở ấp 2, xã An Hữu thì cả hai nhìn thấy có treo một số lồng chim. V. nói với S.: “Nếu nhà mình cũng có mấy cái lồng chim như vậy nuôi chắc là đã lắm”. S. cũng đồng tình và thống nhất nếu không có ai trông coi thì chạy vào nhà bắt vài ba con về nuôi. Nói xong, V. đi vào nhà mở bốn cái lồng chim bắt được bốn con chim rồi bỏ vào túi quần, đi ra đường.

Không may cho V. là lúc đang lui cui giấu mấy con chim thì bà Trần Thị Kim Lài (vợ ông Khoa) từ vườn đi vào phát hiện. Bà Lài truy hô: “Trộm. Bớ người ta có mấy thằng ăn trộm chim”. V. và S. lên xe gắn máy bỏ chạy. Vợ chồng ông Khoa báo công an và các chốt xe ôm phòng chống tội phạm miêu tả nhận dạng để hỗ trợ bắt hai thằng ăn trộm chim. Mặc dù đã chặn xe của V. và S., nhưng không ai dám bắt vì sợ... bắt nhầm. Nhờ vậy mà cả hai chạy thoát được về nhà của S. Thế nhưng khi đến nhà thì V. lóng ngóng làm sẩy một con bay mất. S. bỏ ba con chim còn lại vô bao rồi nhờ anh ruột mình đem trả lại cho ông Khoa. Khi bị công an mời làm việc, cả hai đều thừa nhận thích nuôi chim và có bắt trộm bốn con chim của ông Khoa. Do bị mất một con nên chấp nhận bồi thường.

Không hiểu vì sao ở tù

Cả V. và S. đều nói rằng chưa bao giờ nuôi chim nên không biết các loài chim cũng như giá trị của chúng như thế nào. Còn ông Khoa trình báo công an là bốn con chim bị bắt trộm toàn chim quý gồm: hai con chích chòe than và hai con chích chòe lửa. Ông Khoa còn xuất trình cho công an xem một số giấy chứng nhận đoạt giải thưởng các cuộc thi chim mấy năm trước và khẳng định đó là chứng nhận của số chim bị V. và S. bắt trộm (!).

Hội đồng định giá tài sản huyện Cái Bè xác định tổng giá trị bốn con chim này là 15 triệu đồng. Riêng con chim bị sẩy bay mất được ông Khoa xác định là chích chòe lửa, có giá trị 5 triệu đồng. Do tổng giá trị tài sản của vụ trộm khá cao nên ngày 10-1-2013 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Bè khởi tố, bắt tạm giam V. và S. về hành vi trộm cắp tài sản.

V. kể tiếp: “Tui không hề biết mấy con chim đó là chích chòe, nó nhỏ xíu hà. Tui cũng không tin mấy con chim đó đoạt giải thưởng này nọ vì không ai gắn ký hiệu gì vào con chim để xác định điều đó. Còn con chim bay mất thì càng không có cơ sở xác định là chích chòe lửa mà có thể là vòng vọc, se sẻ, chìa vôi... Mặc dù vậy khi ông Khoa yêu cầu bồi thường 5 triệu đồng, tui và thằng S. phải đi vay nóng mỗi thằng 2,5 triệu đồng đem xuống công an nộp đúng hạn”.

Sau khi nộp tiền bồi thường xong, V. phải xin đi làm thợ hồ suốt ba tháng trời dành dụm tiền trả nợ vay vì được tại ngoại. Mẹ V. cho biết trong thời gian chưa ra tòa, gia đình của V. và S. nhiều lần đến nhà ông Khoa xin lỗi, năn nỉ ông bãi nại không đề nghị truy cứu, rồi sau đó xin ông nói một tiếng để giảm nhẹ hình phạt. Ông Khoa đã nhận tiền bồi thường và cũng đã hứa hẹn đủ thứ nên hai gia đình yên tâm là V. và S. có thể được tuyên án “treo” vì tội trộm chim không có gì nghiêm trọng.

Gần một năm sau, ngày 31-7-2013, TAND huyện Cái Bè triệu tập V. và S. để xét xử vụ án trộm chim. Khi đến tòa, V. và S. cứ nhìn ra cửa, nhìn xung quanh để tìm ông Khoa vì hi vọng ông sẽ nói với tòa những gì đã hứa, hi vọng sẽ không bị kết án tù. Thế nhưng đến giờ xét xử mà ông Khoa vẫn không thấy đâu.

Trước vành móng ngựa, V. và S. đều xin được giảm nhẹ hình phạt vì chỉ nghĩ trộm chim để nuôi cho vui nhà vui cửa chứ không rành về giá trị con chim, cũng không phải bắt trộm để bán lấy tiền tiêu xài. Dù không biết con chim bị sẩy có giá trị thế nào nhưng hai người cũng cố gắng lo tiền bồi thường đầy đủ cho ông Khoa. V. có con nhỏ mới hơn 1 tuổi; còn S. bị bệnh suyễn, vợ đang mang bầu sắp sinh nên cả hai xin được nhận án treo để gần gũi chăm sóc vợ con. Thế nhưng TAND huyện Cái Bè vẫn tuyên phạt cả hai cùng mức án 6 tháng tù giam, dù bản án có nêu rõ việc đã bồi thường và gia cảnh khó khăn của hai người. Bức xúc vì bị kết án nặng, V. và S. kháng cáo. Tuy nhiên TAND tỉnh Tiền Giang khi xử phúc thẩm vẫn tuyên y án. Mấy hôm sau V. và S. ôm túi đồ đi chấp hành án, vợ của họ khóc như mưa. Những người hàng xóm hay tin đều giật mình thảng thốt: “Bộ bắt trộm con chim cũng ở tù nữa hả?”.

Trong thời gian thụ án, vợ của V. ở nhà cất cái chòi lá bán tạp hóa kiếm thêm đồng lời thăm nuôi chồng. Còn hoàn cảnh của gia đình S. khó khăn hơn nhiều. Vợ S. sắp sinh con. Cha mẹ S. bán nước đóng chai, bán nem dạo ở gần cầu Mỹ Thuận kiếm sống. Vậy mà phải chắt mót từng đồng để mua thuốc trị bệnh suyễn gửi vào trại giam cho S. Khi S. chấp hành án xong về nhà thì con đã sinh được ba tháng. S. buồn bã: “Một phút sai lầm đã lấy đi của tui quá nhiều. Tui không được nhìn mặt con khi nó mới chào đời như những người cha khác; không được ẵm bồng, chăm sóc con mỗi ngày. Trong trại tui thường mất ngủ vì cố hình dung con mình mặt mũi thế nào, sức khỏe cha mẹ và vợ ra sao. Nhưng cũng chỉ là tưởng tượng thôi”.

V. kể rằng các giám thị trại giam cứ gặp anh là cười cười. Họ bảo chưa bao giờ thấy phạm nhân nào ở tù vì trộm chim cả. “Mấy anh giám thị nói nếu trộm heo, bò, gà, vịt... thì còn tính ký, căn cứ vào giá thị trường quy ra tiền để xác định thiệt hại mà xử lý. Còn một con chim nhỏ xíu, lại không biết tên nó là gì, không biết bao nhiêu tháng tuổi, không biết giá thị trường thế nào, không biết con bay mất là chim gì... mà bị bắt ở tù là chuyện lạ nhất thế giới. Nhưng tòa đã tuyên rồi, phải chấp nhận thôi. Giờ thấy chim bay trước mặt là tui phát sợ...” - V. thở dài.

_________________

Kỳ tới: Hai người đàn ông và một con vịt

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên