Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua chiều 27-11-2014. Trong số 412 đại biểu tham gia biểu quyết chỉ có 274 đại biểu tán thành (tỉ lệ 55,13%). Đây là luật có số đại biểu không tán thành nhiều nhất trong số các luật được thông qua kể từ đầu kỳ họp này - Ảnh: Việt Dũng |
Gần đây, nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà đã rất thẳng thắn hiến kế, thỉnh cầu với tân bộ trưởng cần đổi mới quyết liệt hơn, thực chất hơn với giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, rất ít người đề cập đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để hiến kế cho bộ trưởng cải thiện bức tranh GDNN nước nhà, phục vụ cho hàng chục triệu lao động của một đất nước với hơn 90 triệu dân.
Thưa bộ trưởng, nhiệm kỳ của Chính phủ chỉ có năm năm, đề nghị bộ trưởng hãy chọn ra một số việc có ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước |
Đào tạo nghề chất lượng và hiệu quả thấp
Người dân Việt Nam hẳn không quên rằng năng suất lao động nước mình đang xếp top cuối trong số các quốc gia ASEAN, và người dân cũng biết Việt Nam ta còn hơn 80% lao động ở độ tuổi chưa được trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật (theo báo cáo điều tra lao động việc làm của Bộ Kế hoạch - đầu tư), tức còn hàng chục triệu lao động trong độ tuổi chưa được đào tạo.
Bộ trưởng có biết không, khi mỗi năm có đến trên 250.000 học sinh tốt nghiệp hoặc bỏ học ở bậc THCS không vào học THPT, nhưng trong số này cũng chẳng đáng là bao vào học ở các cơ sở GDNN? Thật xót xa cho sự lãng phí nguồn nhân lực này!
Việt Nam là đất nước còn nghèo mặc dù Đảng và Chính phủ cùng người dân đã đầu tư rất lớn cho GD-ĐT nhưng bộ trưởng có biết không khi có hàng chục cơ sở dạy nghề với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng thiếu vắng người học, trường nghề bỏ hoang, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
Thảm hại hơn, nhiều địa phương có đến hàng chục trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học nhưng người học thiếu vắng, sự cạnh tranh nguồn tuyển diễn ra rất gay gắt. Trường nghề thì nhiều, nhưng doanh nghiệp cần lao động lành nghề lại “đốt đuốc” tìm không thấy.
GD-ĐT vốn là một hệ thống cố kết chặt chẽ với nhau như một cỗ máy hay một cơ thể con người gồm mạng lưới các cơ sở đào tạo, nhưng ở ta đang vận hành hệ thống này bởi hai cơ quan thuộc Chính phủ nên khó tránh khỏi sự khập khễnh.
Hệ thống GD-ĐT ví như một chiếc xe và không thể có hai người cùng cầm lái, khi người này đạp phanh bẻ lái, người kia thốc ga chạy thẳng. Quản lý hệ thống GDNN hiện nay ở nước ta trong tình trạng như vậy, “hai bộ não” điều khiển một hệ thống.
Bộ trưởng hẳn cũng không quên tại kỳ họp Quốc hội gần đây Luật GDNN được thông qua với chỉ có 55,13% số phiếu - tức thấp kỷ lục như là dấu hiệu đã báo trước luật này khó đi vào cuộc sống và đến nay nhiều văn bản dưới luật vẫn chưa được triển khai.
Di hại của chồng chéo quản lý
Suy cho cùng thì GDNN ở mọi quốc gia đều phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là: đảm bảo cơ hội học nghề tối đa cho người dân - đảm bảo chất lượng - đảm bảo hiệu quả nhưng xem ra thì hơn 10 năm qua mục tiêu trên chưa thể đạt được.
Lãng phí rất lớn về nguồn lực (do cùng làm công việc như nhau ở hai bộ), hệ thống không liên thông được, thiếu tính hội nhập, biên chế phình ra cả ở cấp T.Ư và cấp địa phương do mở thêm đầu mối quản lý đang đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Chính phủ.
Một vấn đề đặt ra là sự bất cập của cơ cấu trình độ nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay thì bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm hay bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ? Câu trả lời để quy trách nhiệm không hề dễ và trách nhiệm lại chẳng thuộc ai cả!
Có người còn cho rằng hệ thống dạy nghề đang phát triển ổn định. Đối với người ngoài cuộc thì có thể tạm tin, nhưng những người trong cuộc như chúng tôi thì hệ thống GDNN rất không ổn định do khó khăn tuyển sinh, nhiều trường nghề vắng người học, chất lượng đào tạo thấp, nguồn lực dàn trải, khó thu hút giáo viên có tay nghề cao trở thành thầy giáo, doanh nghiệp thờ ơ với các trường nghề. Điều này cũng tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
5 đề xuất của tôi 1. Bộ trưởng hãy sớm trình Thủ tướng cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để từ đó làm căn cứ quan trọng quy hoạch ngành đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời buổi hội nhập. Làm sao để điều hòa được ba dòng chảy: giáo dục phổ thông - GDNN và giáo dục đại học, khi đó sẽ góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ nhân lực, huy động nguồn lực từ XHH để phát triển GDNN. Trong quá trình này, sẽ có cơ sở GDNN phải giải thể và sáp nhập hình thành cơ sở GDNN hiện đại hơn. 2. Bộ trưởng hãy sớm tham mưu cho Đảng, Chính phủ và Thủ tướng để chuyển Tổng cục Dạy nghề từ Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD-ĐT để đảm bảo sự thống nhất trong quản lý điều hành theo tinh thần mỗi bộ chỉ nên thực hiện một chức năng chính là dạy người gắn với dạy nghề. Như vậy ở 63 địa phương sẽ rút đi 63 đầu mối quản lý, nguồn lực sẽ được tập trung theo một kênh để sử dụng hiệu quả hơn. Bộ máy sẽ vận hành được ngay và ít xáo trộn nhất. 3. Bộ trưởng nên có chính sách huy động nguồn lực cả công và tư để nâng cao chất lượng GDNN, thúc đẩy phân luồng học sinh sau THCS. Đẩy mạnh “doanh nghiệp hóa” công tác đào tạo nghề, chấm dứt hẳn việc xin - cho bao cấp cho đào tạo nghề. Nhà nước chỉ đầu tư phát triển đào tạo nghề ở những vùng đồng bào còn nhiều khó khăn hoặc đầu tư cho những nghề có nhu cầu cao, có ảnh hưởng quan trọng đến sức cạnh tranh quốc gia, còn lại để doanh nghiệp, người dân làm GDNN. Việc đào tạo nghề không chỉ hướng đến văn bằng nghề nghiệp mà cần hướng tới cả việc huy động doanh nghiệp đào tạo kỹ năng cho người lao động. Huy động sức mạnh của các trường chuyên nghiệp kết nối với các trường phổ thông làm tốt công tác đào tạo kỹ năng, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông (điều này ngành lao động không thể làm được đối với các trường phổ thông). Loại bỏ việc giáo dục hướng nghiệp hình thức chỉ để cộng điểm thi tốt nghiệp. 4. Bộ trưởng cần tham mưu với Chính phủ để có cơ chế mạnh thu hút nhân tài để trở thành giáo viên trong các cơ sở GDNN hoặc chuyên gia từ các doanh nghiệp, những người có tay nghề cao để trở thành giáo viên. Trước hết ưu tiên xây dựng chuẩn năng lực cho các giáo viên và huy động các trường đại học kỹ thuật công nghệ trong tay của bộ trưởng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo các chuẩn mực của khu vực và quốc tế. 5. Một khi đã thống nhất đầu mối quản lý GDNN, bộ trưởng có thể thực thi các chương trình quốc tế hóa công tác đào tạo nghề, trong đó ưu tiên phát triển năng lực ngoại ngữ (và bắt buộc học ngoại ngữ) đối với giáo viên các trường nghề. Hiện nay, đa số giáo viên của các trường nghề đều có năng lực ngoại ngữ rất hạn chế, nên đổi mới chương trình và phương pháp rất thách thức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận