Phóng to |
Chỉ cần Thùy Linh chạm tay vào chiếc thang tre là thang lại...bước theo cô |
Cô nữ sinh ấy chính là Trương Thị Thùy Linh, nhà ở ấp Trảng Lắm (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi) đang học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi (TP.HCM). Cách đây khoảng một năm trong một lần bắc thang hái me cạnh nhà, Linh phát hiện mình có khả năng khá đặc biệt: có thể “bảo” chiếc thang đi đâu thì nó theo đó.
Ngay sau đó Linh có “biểu diễn” một vài lần cho những người thân quen xem, nhưng theo lời ông Trương Văn Truống - cha của Linh, vì sợ nhiều người đồn đại méo mó sự việc nên có khuyên răn Linh không nên “biểu diễn” nữa.
Mãi đến gần đây, khi cùng một số bạn bè bắc thang hái trái cây trong vườn nhà, khả năng “dạy bảo” chiếc thang của Linh vẫn còn “hiệu lực”. Từ đó sự việc vỡ lở, nhiều người biết hơn và Linh cũng “biểu diễn” cho nhiều người xem hơn.
Có mặt tại nhà Linh, chúng tôi đề nghị Linh “biểu diễn” với nhiều chỗ khác nhau trong khu vườn, với địa hình có mức độ phức tạp khác nhau. Một chiếc thang tầm vông dựng trước mặt Linh và cô nữ sinh này giơ hai ngón tay trỏ chạm nhẹ vào hai thành chiếc thang.
Ngay lập tức Linh “cài số de” đi thụt lùi thì chiếc thang cũng bắt đầu nhấc chân và đi theo Linh. Linh đi đến đâu, chiếc thang nhúc nhắc tiến theo đó cho tới khi Linh rút hai tay rời khỏi chiếc thang thì thang ngã. Chúng tôi yêu cầu Linh dùng hai ngón tay út để “dạy bảo” chiếc thang thì chiếc thang vẫn “tiến bước” theo Linh bình thường.
Ngoài ra, Linh cũng có thể “bảo” chiếc thang đi theo mình bằng cách đặt nhẹ bàn tay lên nấc thang, tại vị trí vừa tầm tay. Chúng tôi cũng yêu cầu Linh lật ngửa bàn tay và đặt lên nhiều nấc thang ở các độ cao khác nhau thì chiếc thang vẫn “tiến bước” đều đều theo Linh.
Chúng tôi đề nghị Linh “biểu diễn” khả năng của mình bằng một chiếc thang khác dài hơn, nặng hơn từ nhà của một người láng giềng. Cô bé này cũng thực hiện những động tác như đã nêu trên và chiếc thang thứ hai này cũng nhấc chân đi đều đều như chiếc thang mà nhà Linh thường sử dụng.
Linh cho biết mình có thể “biểu diễn” bất kỳ lúc nào, hoàn toàn không phụ thuộc vào sức khỏe cũng như “cảm hứng”. Có lúc chiếc thang đi nhanh hơn tốc độ thụt lùi của Linh và cô cho biết trong trường hợp này phải đè tay nhè nhẹ để hãm bớt tốc độ di chuyển của thang.
Trao đổi với chúng tôi, ông Truống cho biết từ nhỏ đến nay Linh vẫn sống và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, không có những biểu hiện khác thường nào. Ông Truống cũng bày tỏ nỗi lo lắng sự việc được nhiều người đồn đại theo hướng mê tín dị đoan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đỗ Kiên Cường - phân viện phó Phân viện Vật lý y sinh học thuộc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng - nói rằng trên thế giới những hiện tượng con người có khả năng di chuyển đồ vật đi xung quanh (con người) không phải là những hiện tượng quá hiếm gặp. Song, với những hiện tượng này giới khoa học thế giới vẫn chưa thống nhất được cách nhìn nhận và đánh giá.
Trong khi đó, khi trả lời phỏng vấn báo chí chung quanh khả năng di chuyển chiếc thang của Linh, ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người - gọi khả năng của Linh là hiện tượng “viễn di vận động” (có những người có khả năng làm đồ vật di chuyển).
Trước hiện tượng khá lạ lẫm như trường hợp của Linh, để rộng đường dư luận, chúng tôi cũng đã “đặt hàng” một số nhà khoa học đưa ra cách lý giải về khả năng của Linh một cách chi tiết hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận