Các nhà báo, biên tập viên tham gia bàn tròn tại hội thảo ở Myanmar - Ảnh: V.Phương |
Trung Quốc phải biết rằng họ càng hung hăng thì các nước ASEAN sẽ càng nhìn vào họ để tìm cách can thiệp |
Biên tập viên Kumar Krishnan |
Diễn ra không lâu sau Hội nghị cấp cao ASEAN ở Myanmar, hội thảo Bàn tròn các biên tập viên lần thứ 3 do Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức ở Yangon ngày 25-11 đã bàn thảo nhiều về thách thức biển Đông trước thềm hội nhập.
Hội thảo, với nội dung chính “Thách thức cho một ASEAN đang trỗi dậy”, chủ yếu nói về các vấn đề kinh tế nhưng các đại biểu và chuyên gia có mặt lại nhắc đến nhiều về vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
Thực tế tranh chấp trên biển Đông luôn được coi là một trong những thách thức lớn đối với khu vực khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chỉ còn hơn một năm nữa là hình thành.
Bàn tròn các biên tập viên lần này không chỉ quy tụ các nhà báo kỳ cựu, các biên tập viên mà còn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong khu vực.
Biển Đông và vai trò của Malaysia
Tình hình biển Đông hiện có vẻ đã giảm nhiệt so với thời gian cách đây mấy tháng, nhưng các nguy cơ vẫn là sự quan ngại của nhiều chuyên gia trong khu vực.
Bộ trưởng Thông tin Myanmar U Ye Htut khẳng định bên lề hội thảo: “Duy trì ổn định trên biển Đông đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong việc phát triển kinh tế giữa Đông Á và Đông Nam Á thì biển Đông đóng một vai trò quan trọng”.
Ông U Ye Htut, cũng là người phát ngôn của tổng thống Myanmar, nói biển Đông nên là “sân chơi chứ không phải chiến trường”. Ông cho rằng điều tốt nhất là nên lập một cơ chế đối thoại để duy trì hòa bình chứ không tạo thêm căng thẳng.
Cần đề ra lộ trình cụ thể Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần đề ra một lộ trình cụ thể để sớm đạt được COC. Ông nói: “Mặc dù Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã có 12 năm nay nhưng tình hình trên biển vẫn rất phức tạp với những vụ việc đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực. Điều quan trọng nhất bây giờ là ASEAN và Trung Quốc phải đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả, nghiêm chỉnh các quy định trong DOC”. Tổng thư ký ASEAN nói thêm việc cấp thiết là ASEAN và Trung Quốc phải sớm đạt được COC và văn kiện này phải có hiệu lực, hiệu quả hơn không chỉ trong việc ngăn chặn mà cả xử lý những vụ việc tương tự như vừa qua. |
Vai trò của Malaysia - nước chủ tịch ASEAN năm 2015 - đối với vùng biển quan trọng này cũng là điều nhiều người quan tâm. Malaysia cũng là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông, nhưng không căng thẳng như các quốc gia khác.
Giới chuyên gia nhận định Kuala Lumpur thường có truyền thống giải quyết các vấn đề một cách thầm lặng để cân bằng các lợi ích của mình và để giữ mối quan hệ với Bắc Kinh.
Vì vậy trong năm tới, Malaysia sẽ vừa phải tìm cách duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Trung Quốc xưa nay, vừa phải nỗ lực thúc đẩy quá trình hình thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc của Malaysia sẽ tác động như thế nào đối với tình hình biển Đông trong trường hợp căng thẳng lại bùng phát?
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hội thảo, phó giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Malaysia (ISIS) Elina Noor cho rằng Kuala Lumpur có một cơ hội tốt trong việc thúc đẩy COC và giải quyết tranh chấp vì quan hệ hữu hảo lâu nay với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận trong trường hợp căng thẳng bùng phát, kỹ năng ngoại giao của Malaysia để giải quyết vấn đề sẽ là một thách thức. “Thế nhưng, cũng vì quan hệ tốt với Trung Quốc nên có thể Malaysia sẽ dễ dàng nói chuyện với Bắc Kinh hơn” - bà Noor nhận định.
Trao đổi riêng bên lề hội thảo, một nhà báo kỳ cựu (không nêu tên) của khu vực bình luận ông không hi vọng nhiều về khả năng COC hay vấn đề biển Đông có thể được giải quyết trong năm sau.
Ý tưởng trọng tài khu vực
Trong phiên thảo luận cuối cùng của giới truyền thông trong khu vực, ông Kumar Krishnan - biên tập viên kỳ cựu người Ấn Độ của mục quốc tế báo The Nation (Thái Lan) - đã nêu ra ý tưởng về một cơ chế trọng tài cho khu vực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kumar nói chi tiết hơn: “Cơ chế trọng tài khu vực cho phép các nước thành viên ASEAN xử lý những vấn đề mà các nước ASEAN đang phải đối mặt với nhau. Cơ chế này cũng sẽ được sử dụng để giải quyết các vấn đề giữa các nước ASEAN với những cường quốc bên ngoài khu vực như Trung Quốc chẳng hạn”.
Ông cho rằng với ý tưởng này, quan điểm của các nước ASEAN có tranh chấp sẽ được lắng nghe và đưa ra một thông điệp đối với Trung Quốc.
“Hiện nay Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với từng nước, nhưng các thành viên ASEAN không muốn như vậy. Do đó, cơ chế này sẽ đem lại một cách tiếp cận độc lập và ít thành kiến hơn” - ông Kumar giải thích.
Trước những quan ngại chung về việc căng thẳng trên biển Đông ảnh hưởng tới quá trình hình thành AEC, ông Kumar tỏ ra lạc quan: “Tôi nghĩ là không. Trung Quốc là một cường quốc nên đôi khi họ hay thể hiện sức mạnh. Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ làm gì để tổn hại đến lợi ích kinh tế. Họ cũng sẽ phải biết rằng họ càng hung hăng thì các nước ASEAN sẽ càng nhìn vào họ để tìm cách can thiệp. Bắc Kinh chắc chắn không muốn điều đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận