Phóng to |
Anh Đỗ Trác làm việc trong xưởng kéo sợi - Ảnh: M.Hoa |
* AnhĐỖ TRÁC(32 tuổi, tổ trưởng tổ kéo sợi Công ty CP bao bì Bạch Đằng, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM):
Cảm ơn cuộc đời!
Sau khi gây án ngày 26-7-1998, tôi bắt xe trốn vào TP.HCM. Được người quen giới thiệu nên không cần nộp hồ sơ giấy tờ tôi vẫn được vào làm tại một công ty sản xuất bao bì ở gần công viên Đầm Sen. Tôi làm việc rất hăng, chỉ qua một năm đã được bầu làm tổ trưởng. Cuối năm, tôi là một trong ba người đạt danh hiệu công nhân xuất sắc, được công ty thưởng một chỉ vàng.
Công ty ngừng hoạt động, ông chủ cũ thương, giới thiệu tôi sang làm ở một công ty bao bì khác. Năm 2008, tôi về làm cho Công ty Bạch Đằng dưới cái tên Trần Văn Đức, mượn của anh vợ. Cuối năm, khi xét thưởng và chốt danh sách đóng bảo hiểm xã hội không thấy tên tôi, bà giám đốc công ty hỏi thì tôi nói làm mất chứng minh nhân dân. Thời gian sau, bà liên tục kêu tôi bổ sung nhưng tôi chỉ tìm cách thoái thác. Bà đi dò hỏi nhiều người rồi thuyết phục tôi nói ra câu chuyện của mình. Rồi bà động viên tôi ra đầu thú.
Mấy tháng sau, tôi tìm đến cơ quan công an thú nhận tội lỗi của mình. Thông qua gia đình và cơ quan điều tra, anh Quyền - anh bộ đội bị đâm năm nào - nói muốn gặp tôi.
Hai vợ chồng tôi chạy xe từ Củ Chi về Cát Lái gặp anh Quyền trong tâm trạng rất căng thẳng. Tôi hại anh, vậy mà chưa biết mặt biết tên để tạ tội. Tôi cứ nghĩ nếu anh ấy có tức giận xông vào đánh thì tôi cũng đứng yên không kháng cự. Nhưng vừa tới nơi, nhìn thấy tôi, anh đứng dậy hỏi: “Trác đây phải không?”, rồi cười và khoác vai tôi cùng đi. Gánh nặng tôi mang bên mình mười mấy năm bỗng như nhẹ bớt. Anh Quyền vạch áo cho tôi xem vết sẹo ở bụng. Tôi sững người, suýt bật khóc, vì không biết rằng mình đã gây ra vết thương lớn như vậy cho anh Quyền.
Mười lăm năm trốn chạy là mười lăm năm tôi mất ăn mất ngủ, nhác thấy bóng công an là sợ. Một vài người biết chuyện đều khuyên tôi ra đầu thú nhưng cũng có người dọa ra đầu thú sẽ ở tù mọt gông, không khéo còn bị đánh chết trong tù. Tôi sợ lắm. Tôi làm việc nhiều hơn, xin tăng ca liên tục để vơi bớt đi nỗi lo lắng, sợ hãi của mình.
Cuối cùng rồi tôi cũng đủ can đảm quyết định ra đầu thú. Việc đầu tiên tôi làm là về quê làm chứng minh nhân dân. Tôi khoe với anh em đồng nghiệp: “Mình tên là Trác, không phải là Đức nữa nhé”. Cậu con trai của tôi cũng vừa kịp làm giấy khai sinh để vào lớp 1.
Ngày tòa xử, tôi rất sợ, ngồi sau xe máy cho bà giám đốc chở đi mà run cầm cập. Lúc tòa chuẩn bị tuyên án, hai chân tôi run rẩy như muốn khuỵu xuống. Khi nghe mức án tù treo, nước mắt vỡ òa, tôi chạy theo bác thẩm phán cảm ơn rối rít.
Ba mươi ba tuổi. Gần một nửa quãng thời gian đó là trốn chạy. Không giấy tờ tùy thân, không tên, không tuổi, không giấc ngủ nào tròn, giờ đây tôi mới cảm thấy mình được sống theo đúng nghĩa, không còn những giấc mơ ám ảnh. Tôi sẽ chăm chỉ làm việc nuôi gia đình, dạy con biết chăm chỉ học hành, làm những điều tốt...
* BàĐỖ THỊ NGUYỆT (giám đốc Công ty CP bao bì Bạch Đằng): Lúc nghe Trác thú tội, tôi bàng hoàng, nhưng tin rằng Trác đã hối cải. Bởi trong suốt nhiều năm làm ở đây, ngoài việc rất thông minh, nhiều kinh nghiệm thì Trác còn thể hiện là người rất chăm chỉ và có trách nhiệm, hay giúp đỡ người khác. Tôi đã khuyên Trác ra đầu thú. Vào ngày tòa xử, tôi sợ Trác căng thẳng, tâm lý dao động mà trốn không đến tòa tội sẽ nặng hơn, nên tôi lấy xe chở Trác đi để động viên tinh thần. * AnhLÊ VĂN QUYỀN (lược trích thư gửi tòa và trao đổi với PV): Lúc đó tôi đang là thiếu úy thuộc ban kỹ thuật, trung đoàn 196 hải quân. Ngày nghỉ tôi xin đơn vị ra ngoài chơi và đã bị một người sau này tôi mới biết tên là Đỗ Trác đâm tôi. Mười lăm năm ấy, mỗi lần nhìn thấy vết sẹo dài trên bụng là trong đầu tôi lại nhói lên một câu hỏi lớn không lời đáp. Tôi muốn gặp Trác chỉ để biết vì sao mình bị đâm? Có phải tôi đã làm gì sai? Gặp rồi, tôi thấy nhẹ lòng với ý nghĩ đó chỉ là một nhát đâm vô tình. Bản thân tôi thấy Đỗ Trác thành tâm, thật sự ăn năn hối cải. Gia đình có ý gửi cho tôi (một bao thư) số tiền thuốc men cấp cứu, điều trị cho tôi ngày trước. Tôi đã nói với bố Đỗ Trác: “Cháu không biết trong bì thư này là bao nhiêu tiền nhưng cháu cho lại con của Trác”. Trác có đền tôi bao nhiêu tiền cũng không lấy lại được sức khỏe và những nỗi đau mà tôi đã phải chịu đựng suốt hơn 15 năm qua và còn phải tiếp tục chịu đựng. Nhưng chuyện qua rồi, có trách giận gì cũng không thể thay đổi. Thôi thì đánh người chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại. Thấy Trác thật sự ăn năn hối hận, biết chăm chỉ chí thú làm ăn, tôi cũng mừng cho cậu ấy. |
Thượng táPHẠM NGỌC ÁNH(phó chánh án Tòa án quân sự khu vực 2 Quân chủng hải quân): Tôi mong bị cáo nào cũng tích cực chuộc lại lỗi lầm Ngày xảy ra vụ án là 26-7-1998, cách nay đã hơn 15 năm. Khi đó anh Lê Văn Quyền là bộ đội hải quân, còn Đỗ Trác là dân địa phương, chưa đến tuổi thành niên. Cả hai người không quen biết nhau, không thù oán, nợ nần gì nhau thế mà lại xảy ra một nhát dao đâm thấu bụng. Ngày hôm đó, khoảng 9g Đỗ Trác cùng ba người bạn đi hát karaoke ở một địa điểm thuộc phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Đến khoảng 12g Trác và bạn đi lang thang trên đường Hải Đảo, gặp và gây gổ với một nhóm bộ đội phòng không - không quân. Nhóm bộ đội bỏ chạy, Trác và hai người bạn quay lại quán karaoke ăn uống và hát tiếp. Đến khoảng 2g chiều, Trác nhìn sang quán bên kia đường thấy một anh bộ đội (sau này mới biết là anh Quyền). Trác liền lấy con dao bổ trái cây bước sang đâm một nhát vào bụng anh Quyền. Anh Quyền được đưa đi cấp cứu phải phẫu thuật khâu gan, bị thương tật tỉ lệ 40% vĩnh viễn. Trác bỏ trốn vào TP.HCM. Tại phiên tòa ngày 26-2-2014, Trác đã mạch lạc khai báo toàn bộ diễn biến vụ án một cách thành khẩn, sẵn sàng nhận sự trừng phạt của pháp luật. Tòa tuyên phạt Trác mức án 27 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 54 tháng. Sau phiên tòa, Trác chạy theo và rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Cháu cảm ơn bác, điều cháu lo lắng nhất thì đã được bác giúp gỡ rồi. Nếu bác bắt cháu phải ngồi tù cũng là lẽ đương nhiên, nhưng lúc đó không biết ở ngoài vợ con cháu xoay xở thế nào, thằng bé có được dạy dỗ đến nơi đến chốn hay không, cháu sợ nó hư hỏng như cháu ngày trước thì thật tội. Nhưng giờ cháu được ở ngoài đi làm nuôi vợ con rồi, cháu hứa với bác cháu sẽ sống tốt và sẽ chú ý dạy con cho tốt. Thú thật với bác, hơn 15 năm qua bây giờ lương tâm cháu mới thấy thanh thản”. Bước về phòng thẩm phán, tâm trạng của tôi thật khó tả. Người bị hại (anh Quyền) bị thương tích nặng, thủ phạm gây án xong lẩn trốn biệt tăm, gây tổn hại cả về thể xác lẫn tinh thần cho anh trong nhiều năm. Khi ra tòa lẽ ra anh phải đề nghị tòa xét xử nặng đối với Đỗ Trác và bắt bồi thường nhiều tiền cho anh. Nhưng anh đã không làm vậy. Hình ảnh một người lính hải quân vô cùng khoan dung độ lượng đã khiến tôi thán phục. Còn lời tự hứa của Trác nói với tôi khi ra khỏi phòng xử án làm cho tôi thấy lòng nhẹ nhõm. Trác đã nhận thức rõ được lỗi lầm, tự xin hứa sẽ sống có trách nhiệm với gia đình và tích cực lao động để chuộc lại lỗi lầm - đây là điều mà tôi luôn mong mỏi ở các bị cáo khi ngồi xét xử từng vụ án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận