Phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa cho năm học mới tại Công ty CP Sách và thiết bị trường học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Tuy vậy, các đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận sôi nổi về nội dung này để đảm bảo làm trúng, không gây lúng túng.
Tránh độc quyền và "mạnh ai nấy làm"
"Trên nền tảng một chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thống nhất dùng chung trong cả nước do Bộ GD-ĐT ban hành, sách giáo khoa (SGK) là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình GDPT...
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo luật. Theo đó, chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc; SGK là công cụ giảng dạy, triển khai chương trình GDPT" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội.
Thảo luận về quy định này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đã nêu tâm trạng xã hội: "Trong thời gian qua, vấn đề SGK đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm, từ việc quy định một chương trình, nhiều bộ SGK đến việc độc quyền in ấn, xuất bản, phát hành, tăng giá SGK".
Ông đề nghị "hết sức cân nhắc" trong tiếp thu, giải trình các quy định dự thảo luật về chương trình SGK, GDPT. Cụ thể như việc xuất bản sách, cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách, dự luật đang quy định là "theo quy định của pháp luật, nhưng quy định như thế nào thì không rõ". Đây có thể là một kẽ hở "dẫn đến những trường hợp loạn SGK, mỗi trường một kiểu mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo".
Ủng hộ dự thảo luật, đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) nói: "Về SGK phổ thông, tôi đồng tình theo hướng một chương trình GDPT thống nhất chung và SGK là tài liệu".
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng ý quan điểm xã hội hóa SGK, một chương trình, nhiều bộ sách nhưng đề nghị quy định rõ SGK phải sử dụng ổn định lâu dài, chứ không thể dùng một năm rồi bỏ.
Trao đổi lại về những nội dung này, ông Phan Thanh Bình cho biết Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK theo các nghị quyết của Đảng và Quốc hội. "Tôi xin báo cáo với các đồng chí có nhiều thay đổi và như thế các em có thể học theo một bộ SGK chuẩn của bộ, cũng có thể học bằng nhiều cách khác" - ông nói.
Ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - Ảnh: TTXVN
Triết lý giáo dục phải "nằm lòng và soi chiếu"
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không cần quy định một điều cụ thể về triết lý giáo dục bởi nó đã được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục, nhưng một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) đặt vấn đề: "Nếu như có yêu cầu đặt ra chúng ta suy ngược từ các quy định về mục tiêu, về tính chất, về nguyên lý, quan điểm phát triển giáo dục trong dự thảo luật để hội tụ về gốc của nó đó là triết lý giáo dục thì câu triết lý giáo dục đó là câu gì?
Nếu như có yêu cầu dẫn nguồn thì triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được dẫn từ nguồn nào? Và nếu như yêu cầu các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục và những ai quan tâm đến vấn đề triết lý giáo dục phát biểu câu triết lý giáo dục của Việt Nam chúng ta thì câu phát biểu ấy có giống nhau hay không?".
Tại kỳ họp trước, khi phát biểu về chủ đề này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) ví von "triết lý giáo dục như ngọn hải đăng soi đường cho nền giáo dục ấy". Nay ông Nhân tiếp tục bày tỏ: "Chưa bao giờ xã hội có dịp bàn sâu và toàn diện về sự nghiệp trồng người như vậy, nhưng đến nay triết lý thêm một lần nữa lỡ hẹn trong dòng chảy của giáo dục, xã hội và mọi người vẫn sẽ tiếp tục tất bật học hành.
Nhưng sự học đó chưa đồng nghĩa làm nên những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân đối với thịnh vượng của quốc gia, dân tộc vì những giá trị phổ quát nhất còn mang tính liệt kê, dàn trải, không phải là sự chắt lọc nên phẩm cách và triết lý giáo dục của quốc gia".
Đáp lời các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình giải thích: "Trong bản giải trình của Thường vụ Quốc hội ghi rất rõ là triết lý giáo dục của chúng ta luôn luôn thể hiện bốn tính chất đó là nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại. Bốn tính chất này xuyên suốt, khống chế toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta".
"Nếu chúng ta đọc kỹ hơn trong luật thì đã ghi rõ: nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Tôi nghĩ nếu cần gom lại thì chúng ta lấy điều này để hình dung" - ông Bình nói.
Phụ huynh chọn mua sách giáo khoa tại nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
* GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Hi vọng có bước chuyển tích cực
Thực hiện một chương trình, nhiều SGK là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế nhiều nước tiến bộ. Nhiều người vẫn hiểu nhầm SGK là chương trình nên lo ngại. Nhưng chương trình GDPT là văn bản quy phạm pháp luật, được thực hiện thống nhất trên toàn quốc, SGK chỉ là tài liệu để thầy, trò thực hiện yêu cầu của chương trình. Các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK đều phải bám sát chương trình và được thẩm định, cho phép mới phát hành.
Được biết Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, việc biên soạn SGK được xã hội hóa. Thời điểm này có 4-5 đơn vị tham gia biên soạn SGK, chỉ chờ thẩm định. Vì thế, việc triển khai "một chương trình, nhiều SGK" là khả thi.
Theo dự thảo Luật giáo dục, việc chọn SGK giao cho UBND cấp tỉnh quyết định, ở thời điểm này, quy định như vậy là phù hợp. Sở GD-ĐT các tỉnh thành có thể tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để chọn SGK phù hợp nhất. Đương nhiên không phải mỗi tỉnh thành sẽ chọn một bộ sách gồm SGK tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 12 của một nhà xuất bản nhất định, mà có thể tùy theo lớp, theo môn học, cấp học, chọn sách của những nhóm tác giả hay đơn vị khác nhau phù hợp với điều kiện, yêu cầu của địa phương.
Việc hướng dẫn chọn sách, sử dụng sách cho hoạt động dạy học kịp thời, cụ thể sẽ giúp các cơ sở giáo dục bớt lúng túng. Về lâu dài, khi việc này đã triển khai và có thực tiễn, có thể giao việc chọn sách về các nhà trường, do giáo viên trong các tổ bộ môn đề xuất. Ngoài SGK được tỉnh, thành phố chọn làm tài liệu chính thức, tùy theo điều kiện, các trường có thể đầu tư bổ sung SGK của những nhóm tác giả khác nhau trong thư viện, tủ sách dùng chung để giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo thêm.
Để giải quyết băn khoăn của các giáo viên, phụ huynh về việc "thi như thế nào trong bối cảnh có nhiều bộ sách" thì Bộ GD-ĐT cần tăng cường tuyên truyền để làm rõ quan điểm ra đề thi không căn cứ vào một bộ sách nào, mà căn cứ vào chuẩn đầu ra của chương trình. Theo đó, học sinh học sách nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của đề thi.
* GS Đỗ Đức Thái (chủ biên môn toán - Chương trình giáo dục phổ thông mới):
Cần đa dạng tài liệu dạy học
Khi chương trình nghiêng về cung cấp kiến thức thì nội dung cần quy định rõ bao gồm những gì và SGK có thể xem như pháp lệnh. Nhưng khi chương trình đặt mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của người học thì tài liệu học tập (SGK) chỉ giữ vai trò như một trong những phương tiện để thực hiện tiến trình dạy học nhằm đạt chuẩn đầu ra.
Mặt khác, chương trình GDPT đã được thiết kế mở, tạo điều kiện để người dạy và người học có thể sử dụng nhiều tài liệu học tập (SGK) khác nhau. Và tôi cho rằng để thực hiện chương trình GDPT mới theo hướng này thì việc có nhiều SGK do các tổ chức, cá nhân khác nhau biên soạn dựa trên chương trình chung là việc cần làm.
Bên cạnh đó, nguyên tắc cao nhất trong dạy học là tính vừa sức. Việc dạy học cần phải phân hóa các nhóm đối tượng khác nhau để có phương pháp, cách tổ chức dạy học phù hợp. Mà muốn thế thì cần đa dạng hóa các tài liệu dạy học để vừa sức với từng nhóm đối tượng. Do đó, cần có nhiều SGK biên soạn dựa trên chương trình chung đã được công bố.
Có nhiều bộ tài liệu dạy học sẽ tạo ra nguồn tài liệu đa dạng giúp kích thích sự sáng tạo của giáo viên và học sinh. Việc biên soạn SGK theo phương cách xã hội hóa còn phát huy được các nguồn lực xã hội hỗ trợ nền giáo dục.
Vì những lý do trên, tôi cho rằng chúng ta không nên tranh luận là nên có một bộ SGK hay nhiều SGK nữa. (VĨNH HÀ ghi)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận