Một chính sách đã lạc hậu

THÚY ANH THỰC HIỆN 11/06/2017 17:06 GMT+7

TTCT - Những bất cập nào của ngành y tế và bảo hiểm cần được tháo gỡ để người đóng bảo hiểm được chi trả hợp lý hợp tình, tránh trục lợi? Ý kiến của “người trong cuộc” gợi mở những hướng đi sắp tới...

Vì sao người mua bảo hiểm y tế khi được điều trị, cho thuốc vẫn cảm thấy không được công bằng so với người khác? -Hữu Khoa
Vì sao người mua bảo hiểm y tế khi được điều trị, cho thuốc vẫn cảm thấy không được công bằng so với người khác? -Hữu Khoa


“Chúng tôi, những bác sĩ ngồi trong phòng khám, tương tác với bệnh nhân, mọi tâm trí và hoạt động đều xoay quanh những điều chúng tôi được đào tạo, đó là mong ước tuyệt vời nhất.

Nhưng thực tế hiện nay những chính sách y tế liên quan đến bảo hiểm, với những quy định không phù hợp đã phá hỏng những mơ ước, làm cho chuyên môn của chúng tôi dần phai nhạt, người bệnh thì lại không được hưởng đúng những gì mà đáng ra họ phải được hưởng, còn y tế rất khó phát triển”.

Đó là tâm sự của bác sĩ Trần Văn Phúc, hiện công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Bác sĩ Phúc là một trong mười gương mặt thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014. Trao đổi với TTCT, ông nói những “ầm ĩ” vừa qua là các dấu hiệu phản ánh một chính sách y tế đã lạc hậu.

Tại sao ông có nhận định đó?

- Tôi không phải là nhà lãnh đạo hay nhà quản lý, cũng không phải người tham gia xây dựng chính sách y tế nên góc nhìn của tôi sẽ khác.

Cả bảo hiểm và y tế bên nào cũng nói rằng mình đã rất cố gắng, với mục tiêu đặt người bệnh lên trên hết, tại sao thời gian qua vẫn có rất nhiều vấn đề bất ổn? Câu chuyện mang tính chất “đối đầu” giữa bảo hiểm và bác sĩ vừa qua là ví dụ.

Người bệnh khi đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm nhận được chất lượng dịch vụ không bằng khám theo yêu cầu ở khu vực có đầu tư xã hội hóa, điều đó cho thông điệp gì? Bệnh nhân phải đóng thêm những khoản tiền ngoài danh mục không hề nhỏ.

Chính sách BHYT toàn dân nữa, tôi nhìn thấy đó là vấn đề rất khó đạt mục tiêu.

Xin nhắc lại một ví dụ cụ thể, thông tư số 14/1995/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH-BVGCP có hiệu lực từ năm 1995 (hết hiệu lực năm 2012).

Thông tư này quy định giá viện phí nói chung, như một ca siêu âm từ 10.000 - 20.000 đồng. Thử làm phép tính số học đơn giản, mỗi máy siêu âm làm vượt công suất là 40 bệnh nhân mỗi ngày, một năm có tối đa 242 ngày làm việc, chu kỳ máy siêu âm là 8 năm.

Thực hiện phép nhân, tổng số tiền thu được tối đa khoảng 800 triệu ở bệnh viện tuyến huyện, khoảng 1,5 tỉ đồng ở bệnh viện hạng 1 và tuyến trung ương.

Ở thời điểm năm 2012, một máy siêu âm cấu hình thấp đạt chuẩn, giá khoảng 800 triệu đồng. Chừng đó để thấy rằng nếu làm đúng quy định, tất cả các bệnh viện sẽ phải bù lỗ một khoản tiền rất lớn.

Vậy giải pháp đối phó là gì? Sẽ là việc đầu tư mua trang thiết bị máy móc kém chất lượng, hạ tầng phục vụ không đảm bảo, tăng số lượng khám bằng cách rút ngắn thời gian khám.

Sáng tạo hơn cả mà tôi biết mà ở đâu người ta cũng áp dụng là tách siêu âm bụng thành chỉ định siêu âm gan mật và hệ tiết niệu. Đây chính là cốt lõi của câu chuyện “nhân bản xét nghiệm” mà nhân viên y tế cảm thấy nhục nhã khi thực hiện, còn bảo hiểm thì vô cùng bức xúc.

Các thông tư khác điều chỉnh giá viện phí sau đó cũng nhanh chóng rơi vào lạc hậu. Trong cuộc sống, người ta sợ phải trả giá đắt cho bất cứ vấn đề gì. Nhưng y tế thì ngược lại, duy trì giá dịch vụ rẻ chỉ làm cho hoạt động y tế không phát triển, người bệnh gặp thêm nhiều rủi ro mà thôi.

Vấn đề đặt ra là phải tăng viện phí, rồi bảo hiểm vỡ quỹ... Liệu người dân có chịu được khi tăng viện phí hay không?

Đã đến lúc bảo hiểm và y tế ngồi lại với nhau, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe nhau và hướng về người bệnh, chắc chắn sẽ tìm ra lời giải tối ưu.

BS Trần Văn Phúc

- Theo góc nhìn cá nhân tôi, nguy cơ vỡ quỹ là có thật, đang hiển hiện trước mắt. Bởi vì: thứ nhất, số tiền bảo hiểm thu được thực tế không đủ chi, nguồn thu và cách thu chưa thực sự hợp lý;

thứ hai, lạm dụng để trục lợi quỹ bảo hiểm là hoàn toàn có thật, mà sự lạm dụng ở đây chủ yếu do chính sách y tế liên quan đến bảo hiểm, đã tạo cơ hội cho một số nhân viên y tế và người bệnh lạm dụng và trục lợi.

Bảo hiểm đã rất sát sao trong việc chống trục lợi, nhưng có tuyển thêm thật nhiều nhân viên đi nữa cũng không thể kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng này. Theo tôi biết, tăng viện phí là chủ trương mà bộ trưởng Bộ Y tế quyết tâm làm.

Thật tiếc là các cấp chính quyền, báo chí và cả người dân nữa, đều không hiểu ý nghĩa sâu xa của vấn đề này nên đã phản đối kịch liệt.

Nếu có chính sách huy động các nguồn ngân sách về quỹ bảo hiểm hợp lý, thì nó sẽ đủ “khỏe” để thanh toán bất cứ danh mục kỹ thuật nào với giá cao, người bệnh có thẻ bảo hiểm sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Chính sách ấy cũng kích thích người dân tham gia bảo hiểm, sớm đạt được mục tiêu BHYT toàn dân như mong đợi.

Nhưng thực tế hôm nay có vẻ như quỹ bảo hiểm đang quá “mong manh”, nên chính bảo hiểm phải tính chuyện bảo vệ quỹ. Đấy là lý do để dịch vụ y tế chỉ duy trì mức giá rẻ, để bảo hiểm thực hiện công việc xuất toán, trở thành nỗi ám ảnh đối với tất cả bệnh viện, nỗi sợ hãi với bất cứ nhân viên y tế nào.

Câu chuyện xuất toán đang là chủ đề bức xúc cho cả hai bên, nguyên nhân từ đâu và tác động như thế nào đến bác sĩ và bệnh nhân?

- Vấn đề xuất toán mà tôi muốn đề cập ở đây là những danh mục liên quan đến thông tư 43/2015/TT-BYT. Tại thời điểm xây dựng thông tư, danh mục có thể là đầy đủ. Nhưng y tế đang phát triển như vũ bão, có những lĩnh vực phát triển theo cấp số nhân.

Một thông tư quy định danh mục kỹ thuật mà bảo hiểm thanh toán áp dụng trong nhiều năm sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu. Rất nhiều kỹ thuật mà bác sĩ phải thực hiện thì mới chẩn đoán và điều trị được, nhưng lại không có trong thông tư này.

Hệ quả là khi bảo hiểm xuất toán, số tiền sẽ quá lớn, nhân viên y tế cùng bệnh viện phải chia sẻ trách nhiệm. Đó thực sự là một cơn ác mộng.

Tôi từng nhìn thấy nước mắt của bác sĩ nhỏ xuống vì xuất toán. Từng nhìn thấy giám đốc bệnh viện khóc vì xuất toán. Bảo hiểm làm không sai, nhưng rõ ràng không phù hợp với chuyên môn của chúng tôi, không đứng được về phía người bệnh nặng.

Để chống xuất toán, chỉ còn mỗi cách bệnh nhân bỏ tiền ra đóng cho những kỹ thuật ngoài danh mục. Bệnh nhân nghèo nhiều lắm, lấy đâu ra tiền để đóng. Bác sĩ chúng tôi không đành lòng, lại đi quyên góp mỗi người dăm chục một trăm để giúp họ có tiền bám trụ với bệnh viện.

Theo ông, giải pháp của vấn đề này là gì?

- Y tế là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, góp phần quyết định sự tồn vong của một thể chế. Thay đổi chính sách y tế, theo tôi, phải hết sức thận trọng, mọi sơ suất đều sẽ phải trả giá rất đắt.

Tôi cũng đã đi nhiều quốc gia, có tìm hiểu và nghiên cứu chính sách BHYT của nhiều nơi, có thể tôi chưa hiểu sâu nhưng ít nhiều cũng có cái nhìn căn bản.

Tôi cho rằng không thể bê mô hình của nước nào về thực hiện vì sẽ có rất nhiều điều không phù hợp hoàn cảnh chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà không có giải pháp. Theo tôi, đã đến lúc bảo hiểm và y tế ngồi lại với nhau, nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe nhau và hướng về người bệnh, chắc chắn sẽ tìm ra lời giải tối ưu. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận