TTCT - Những con người đang nỗ lực hết sức để chào đón và bảo vệ chim hoang dã đang ở trong một cuộc chiến không cân sức với những người coi chim chỉ là món hàng kiếm lợi… Chó đùa giỡn cùng đàn Choi choi lưng hung, Choắt mỏ cong bé ở bãi biển Cần Giờ (TP.HCM) vào hôm 23-4 (ngày tổ chức lễ tạm biệt chim di cư). Ảnh: H.T.Cuối tháng 4 vừa rồi, lễ tạm biệt chim di cư năm 2023 diễn ra tại Cần Giờ (TP.HCM) như một sự tiếp nối thú vị và văn minh sau khi lần đầu tiên lễ đón chim di cư được tổ chức tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) hồi tháng 11-2022. Nhưng những con người đang nỗ lực hết sức để chào đón và bảo vệ chim hoang dã này cũng đang ở trong một cuộc chiến không cân sức với những người coi chim chỉ là món hàng kiếm lợi…Hôm nay (17-5) cũng đánh dấu tròn 1 năm ra đời của một công cụ pháp lý quan trọng cho cuộc chiến bảo vệ chim hoang dã: chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17-5-2022 "Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam".Lá bùa hộ mệnhMinh Luận, một người đàn ông tuổi U60 sinh sống ở Đà Nẵng, có thú vui vác máy chụp hình đi chụp chim thiên nhiên và động vật hoang dã. Ông là thành viên của Chi hội Chim hoang dã VN (VBCS).Hồi cuối năm 2022, ông Luận đăng một clip kể lại câu chuyện ông thuyết phục một người nông dân đi giăng hàng trăm mét lưới bẫy chim trên cánh đồng thuộc xã Hòa Tiến, Đà Nẵng. Cuộc đối thoại ngắn gọn trên cánh đồng chỉ gồm vài lời ông Luận nói cho người nông dân ấy biết về chỉ thị 04, rằng việc giăng lưới bẫy chim là vi phạm pháp luật. Người nông dân ấy đã dẹp lưới, hứa không bao giờ bẫy chim nữa."Chỉ thị 04 như bùa hộ mạng cho những người yêu thiên nhiên như chúng tôi. Trước đây, tôi ra khuyên nhủ những người bẫy chim thì bị họ mắng là dân rỗi hơi, nhiều chuyện; nay thì tôi luôn cầm theo bản in chỉ thị 04 để đưa cho họ xem. Mặt khác, mình gọi điện cho chính quyền địa phương thì họ cũng phải ra đồng để xử lý, chứ không lơ là như xưa" - ông Luận nói.Chỉ thị này cũng là "cây gậy phòng thân" như nhận định chung của những người bảo vệ chim hoang dã. Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cũng là một người chiến đấu không mệt mỏi để bảo vệ chim. Phát hiện nơi nào giăng lưới bẫy chim, ông lập tức gởi định vị đến công an, kiểm lâm địa phương và theo dõi xem họ có xử lý rốt ráo không. Nếu họ chậm trễ, ông liên tục nhắc, hoặc gởi lên cấp cao hơn nữa, cho đến khi bẫy được dẹp.Clip anh Minh Luận đăng trong nhóm Facebook Chim Hoang Dã Việt NamCuộc chiến không cân sứcTuy nhiên, cuộc chiến của các cá nhân và tổ chức bảo vệ chim hoang dã, chim di cư xem ra vẫn như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió. Những người săn bắt chim hoang dã vẫn hoạt động hết sức rầm rộ. Trong một group có tên "Hội bẫy chim ba miền" có tới hàng trăm thành viên, người ta khoe khoang công khai "chiến tích" mỗi đêm đi bẫy vô số chim trời, phần để ăn, phần đem bán; với đủ loại chim bị bắt, từ sâm cầm đến cúm núm, le le…Đến mùa chim sinh sản vào cuối xuân thì rộ lên tình trạng đi bắt chim non, hốt trọn cả tổ đến bán cho giới chơi chim cảnh. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa rồi, họ rao bán cả tổ chim vành khuyên non từ Bắc chí Nam. Nguyên cái tổ chim với ba con vành khuyên chưa ra ràng được rao bán với giá 150 - 200 ngàn đồng."Lực lượng anh em chúng tôi rất mỏng, số vụ săn bắt, đặt bẫy mà chúng tôi phát hiện chả đáng là bao - ông Minh Luận chia sẻ - Nhưng trong quá trình đi làm việc này, tôi cho rằng có hai vấn đề lớn. Thứ nhất, đa phần người đi săn bắt, đặt bẫy đều không biết hành vi của mình là vi phạm chỉ thị 04, là không được phép. Thứ hai, chúng ta cần giáo dục cho trẻ nhỏ ngay trong trường học về lòng nhân ái, yêu thiên nhiên, rằng bảo vệ động vật hoang dã là giữ gìn chính môi trường sống của con người"."Thành quả" khoe khoang của những người bẫy chimNhưng không chỉ những người đi đặt bẫy không biết về chỉ thị 04. Những thành viên của VBCS ngao ngán nhắc tới hai cơ quan truyền thông lớn trực thuộc chính phủ là VTV và VOV - hai trong số hàng loạt cơ quan, bộ ngành mà chỉ thị 04 giao nhiệm vụ cấp bách bảo vệ chim hoang dã, di cư tại Việt Nam nhưng lại "hồn nhiên" đăng, phát những chương trình gián tiếp khuyến khích săn bắt chim hoang dã để làm cảnh và ăn thịt. Cuối tháng 3 vừa qua, chương trình Cà phê sáng của VTV3 đã có hẳn cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một "đại gia" được xem là người nuôi những con chim cảnh trị giá hàng tỉ đồng. "Đại gia" hồn nhiên khoe mua những con chim đột biến từ người dân ở Hà Giang bẫy được với giá hàng trăm triệu đồng. VOV thì "hồn nhiên" phát một clip nói về "Loại chim lạ được ví như gà nước, là đặc sản đắt đỏ ở miền Tây", nói về loài cúm núm sống trong thiên nhiên hoang dã bị người dân bẫy bán với giá cao, không khác gì cổ xúy ăn thịt chim hoang dã.Khi VBCS làm văn bản phản đối, VTV3 đã cho gỡ chương trình này, tuy nhiên trên nền tảng YouTube vẫn còn.VOV hồn nhiên quảng bá thịt chim hoang dã là đặc sản! Ảnh cắt từ clip"Chỉ thị 04 rất quan trọng trong việc bảo vệ chim di cư, chim hoang dã tại VN, nhưng các phương tiện truyền thông chính thống đưa rất mờ nhạt. Vì vậy, chúng tôi phải dựa vào mạng xã hội để truyền thông…" - ông Minh Luận trăn trở.Nhiều thành viên VBCS cho rằng cuộc chiến của họ ít nhiều thành công nhờ sự góp sức của mạng xã hội, khi nhiều người cùng lên án việc thả chim phóng sanh. Các nhà sư cũng góp sức khuyên răn các Phật tử chấm dứt tục phóng sanh chim, nhờ đó nạn bẫy chim phục vụ cho nhu cầu phóng sanh đã giảm rất nhiều thời gian qua.Chim choắt cong mỏ bé trên bãi biển Cần Giờ (TPHCM). Ảnh: Huy ThọƯơm mầm và hy vọngNhưng trên hết, phải là những nỗ lực nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã từ sớm, chẳng hạn cách những người vừa tổ chức lễ tiễn chim di cư dành cho học sinh đang hướng đến. Tôi đã chứng kiến cả trăm học sinh tham gia lễ tiễn chim di cư tổ chức tại Cần Giờ (TP.HCM) vào hôm 23-4. Cha mẹ các em đi cùng con, được các thành viên VBCS hướng dẫn ngắm những con chim biển đã bay hàng chục ngàn km sang Việt Nam ấm áp để tránh đông giá: kia là con Nhàn nhỏ (Little Tern) có tên khoa học là Sternula albifrons, kia nữa là con chim Choắt mỏ cong bé (Whimbrel) có tên khoa học là Numenius phaeopus, và kia là con Choi choi lưng hung (Greater sand plover) có tên khoa học là Charadrius leschenaultii… Cuối tháng 4, lũ chim bay trở lại nơi "chôn nhau cắt rốn" để chuẩn bị cho mùa sinh sản, đến tầm tháng 10, khi thời tiết chớm lạnh, chúng lại lũ lượt tìm về vùng đất ấm áp này.Nghi lễ đón và tiễn chim di cư mới được tiến hành ở hai miền đất nước trong năm qua. Những cô cậu bé dự lễ tiễn chim hôm nay, tuy mới có chừng trăm em, nhưng hy vọng những hoạt động như vậy sẽ lan tỏa rộng hơn trong các năm tới. Và cứ thế, tình yêu chim thiên nhiên, cũng là tình yêu với chính cuộc sống của mình, sẽ lớn dần… Tags: Cuộc chiến cứu chim hoang dãChim hoang dãVườn quốc giaĐộng vật hoang dãBảo tồn chimLễ tiễn chim di cưChim di cưSăn bắt chim
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?