04/05/2017 01:10 GMT+7

Một câu chuyện của lòng hiếu thảo

LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)
LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)

TTO - Gởi bài viết này đến chuyên mục Nghe thấy & viết, bạn đọc LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng) kết luận: lòng hiếu thảo của một người đàn ông không lành lặn và nghèo khó ấy đẹp đến rạng ngời!

Đi đâu, ông Nguyễn Hùng cũng chở mẹ theo cùng - Ảnh: L.H.Mận
Đi đâu, ông Nguyễn Hùng cũng chở mẹ theo cùng - Ảnh: L.H.Mận

1- Tôi bắt gặp hình ảnh của chú trong gần 5 năm qua trên nhiều con đường thuộc quận Hải Châu (Đà Nẵng), nhưng mãi đến gần đây mới có dịp bắt chuyện cùng chú. Điều khiến tôi khôn nguôi nghĩ về chú không phải là hoàn cảnh khó khăn, mà chính là lòng hiếu thảo. Lòng hiếu thảo của một người đàn ông không lành lặn và nghèo khó ấy đẹp đến rạng ngời!

Hôm đó, tôi đi theo xe chú suốt một đoạn đường dài. Hình ảnh một người đàn ông đi chân trần trên chiếc xe ba bánh, chở phía sau một người mẹ già yếu đi vòng quanh thành phố khiến nhiều người động lòng trắc ẩn, nên chuyện người này cho cái bánh, người kia cho ít thức ăn là chuyện thường tình.

Nhưng đi theo chú, tôi chợt nhận ra rằng chú không đơn thuần là chở mẹ đi xin; qua mỗi đoạn đường, có cảnh đẹp hay có những tòa nhà cao, chú đều đi chậm lại hoặc dừng hẳn để chỉ cho mẹ xem. Người mẹ già run rẩy lắc lư cả người thường gật gù với những địa điểm con vừa chỉ, chắc lòng mẹ vui lắm!

Khi chú dừng lại lấy nước lọc mang theo cho mẹ uống, tôi mới đến bắt chuyện. Thì ra, chú không được khỏe mạnh hoàn toàn, chú không nhớ rõ hết các thông tin về tuổi tác cũng như hoàn cảnh mình; những mẩu chuyện của chú chắp vá, rời rạc.

Nhưng điều chú thường nhắc lại là nhà có hai mẹ con, mẹ chú già, yếu, hay đau ốm, bà thích ăn sôcôla... Có vẻ như trong tâm tưởng của người con trai này, mẹ là nguồn sống, là động lực để chú vững vàng mỗi ngày.

2- Khi tôi hỏi chuyện chú và trong mường tượng về bài báo mình sắp viết, tôi nghĩ mình sẽ không viết nhiều về sự nghèo khó hay bệnh tật; vì hơn cả hai thứ mà chúng ta gọi là “hoàn cảnh” ấy, lòng hiếu thảo của chú đủ để những người như chúng ta nhìn vào, tự soi lấy bản thân mình mà suy ngẫm.

Đã bao giờ chúng ta đủ thời gian chở cha mẹ đi vòng vòng khắp phố để chỉ cho cha mẹ xem những điều mới mẻ, những công trình đẹp...?

Đã bao giờ chúng ta đủ thời gian để chỉ nghĩ tới những sở thích của cha mẹ, những niềm vui bé thật bé thôi của cha mẹ khi về già...?

Đã bao giờ chúng ta khi được hỏi về hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới những khó khăn của cha mẹ thôi và bỏ qua những khó khăn của mình, dù lúc ấy mình khó khăn thật sự...?

3- Sau câu chuyện của chú, tôi chợt nhận ra rằng lòng hiếu thảo, thật sự, không phải là khi chúng ta làm ra thật nhiều của cải vật chất và mua về cho cha mẹ những món đồ “sang chảnh” mà nhiều khi cha mẹ không cần dùng tới; cha mẹ lắm lúc chỉ cần con mình chở đi vòng vòng thăm bà con họ hàng mà thôi.

Lòng hiếu thảo thật sự không cần đợi tới khi cha mẹ mất đi rồi mới xót nhớ, mà là luôn nhớ về khi có ai đó hỏi về bản thân mình, nhớ tới bản thân là nhớ tới đấng sinh thành...

Như người đàn ông 43 tuổi ấy, chú Nguyễn Hùng, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, khi được hỏi sao thi thoảng chú không để cụ ở nhà mà lúc nào cũng chở cụ theo thế; chú bảo rằng mẹ chú 80 tuổi rồi, yếu rồi, để ở nhà không yên tâm, đi đâu cũng phải có mẹ theo cùng.

Với người con hiếu thảo ấy, được hôm nào người ta cho quà bánh thì vui hơn; còn không thì mỗi ngày đều cần mẫn nhặt chai bao trên đường đi, chất đầy xe, về bán kiếm thêm tiền mua gạo, mua rau - nhưng vui nhất và an lòng nhất là lúc nào cũng chăm được mẹ, lúc nào cũng có mẹ có con.

LÊ HỒNG MẬN (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên