30/07/2024 14:35 GMT+7

Một cậu bé 15 tuổi bị cắt bỏ tinh hoàn do đến bệnh viện trễ

Tỉ lệ cứu được những trường hợp bị xoắn tinh hoàn sớm rất ít, mà đa số trường hợp xoắn tinh hoàn đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị trễ, thường sau 24 giờ.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM khám cho một bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM khám cho một bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh viện này vừa tiếp nhận điều trị cho cậu bé P.N.M., 15 tuổi, ngụ Đồng Nai, bị xoắn tinh hoàn bên phải.

Trước đó 2 ngày, M. bị đau ở vùng bìu, nhưng do đây là vùng khá nhạy cảm nên em ngại không nói với cha mẹ, đến khi bìu ngày càng sưng to, đau không giảm em mới nói với cha mẹ và được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại đây em được chẩn đoán xoắn tinh hoàn và phẫu thuật cấp cứu ngay, nhưng do thời gian xoắn đã lâu, tinh hoàn hoại tử nên buộc bác sĩ phải cắt bỏ tinh hoàn.

Theo các bác sĩ, những trường hợp này nếu đến sớm, được xử trí cấp cứu liền, hầu hết 100% trường hợp sẽ giữ lại được tinh hoàn.

Bác sĩ Phan Nguyễn Ngọc Tú, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận điều trị cho gần 20 trường hợp xoắn tinh hoàn.

Thời gian gần đây, trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện điều trị thường gặp ở tuổi dậy thì

Đây là vùng khá nhạy cảm nên ở độ tuổi này khi khởi phát triệu chứng trẻ thường có tâm lý ngại ngùng, che giấu, không nói sớm cho cha mẹ biết để đưa đi khám. 

Cũng có một số trường hợp đã nói ba mẹ biết nhưng ba mẹ lại không chú ý nên cũng đến bệnh viện trong tình trạng trễ.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết tỉ lệ cứu được những trường hợp bị xoắn tinh hoàn sớm rất ít, mà đa số các trường hợp xoắn tinh hoàn đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị trễ sau 24 giờ.

Càng đến bệnh viện trễ, tỉ lệ giữ được tinh hoàn càng thấp. 

Theo một nghiên cứu, bệnh nhân xoắn tinh hoàn được phát hiện sớm và điều trị trong 6 giờ đầu thì tỉ lệ hồi phục chức năng tinh hoàn hầu như là 100%, còn nếu phát hiện trong khoảng từ 6-12 giờ thì tỉ lệ còn 50%; nếu đến trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu và đến sau 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn.

Những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xoắn tinh hoàn

Các bác sĩ lưu ý các bậc cha mẹ cần chú ý đến những dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị xoắn tinh hoàn như đau bìu một bên đột ngột và dữ dội, thường xuất hiện vào ban đêm, sưng đỏ bìu, buồn nôn và nôn, có thể kèm đau vùng bụng thấp.

Trẻ bị xoắn tinh hoàn có thể thức dậy vì đau bìu lúc nửa đêm hoặc sáng sớm. Một số trẻ có triệu chứng không điển hình như đau bụng hạ vị lệch trái hoặc phải trước, rồi sau đó mới xuất hiện triệu chứng đau bìu.

Vì vậy khi trẻ than phiền đau nửa bụng dưới, cha mẹ nên quan sát hoặc hỏi trẻ có đau bìu cùng bên hay không, tránh bỏ sót tình trạng xoắn tinh hoàn ở giai đoạn sớm.

Trẻ bị xoắn tinh hoàn nếu không được điều trị trong vòng 6 giờ tính từ lúc bắt đầu có triệu chứng thì chứng bệnh này có thể làm tổn thương (nhồi máu) vĩnh viễn tinh hoàn của trẻ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ tinh hoàn bị tổn thương nếu xoắn tinh hoàn không được điều trị kịp thời.

Với những trường hợp đã mất một bên tinh hoàn, phụ huynh lưu ý nên tránh cho trẻ chơi các môn thể thao có tính đối kháng như đá banh, tập võ để phòng nguy cơ chấn thương làm giập vỡ tinh hoàn còn lại.

Xoắn tinh hoàn, bỏ lỡ giờ vàng sẽ Xoắn tinh hoàn, bỏ lỡ giờ vàng sẽ 'mất đạn'

Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM)... tiếp nhận nhiều trường hợp bị xoắn tinh hoàn đến điều trị trễ, các bác sĩ đành phải cắt bỏ tinh hoàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên