TTCT - Khác những bộ phim mà thế giới thứ ba được dùng để tạo tiếng cười dễ dãi và câu khách, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (*) là một cái nhìn chân thành, tích cực và tôn trọng thế giới này. Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Blue Productions 1. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một bộ phim tài liệu hiếm hoi khai thác cuộc sống của những người chuyển giới ở Việt Nam dưới cái nhìn cảm thông, thấu hiểu. Bộ phim dài 86 phút, mô tả cuộc sống lang bạt của một đoàn lôtô rong ruổi khắp các tỉnh thành, với thành viên phần lớn là những người chuyển giới. Họ chuyên ca hát, biểu diễn về đêm, với trưởng đoàn lôtô là chị Bích Phụng, một người chuyển giới từ nam sang nữ đã trải qua nhiều thăng trầm, vật lộn mưu sinh với nghề biểu diễn và quay xổ số. Cũng như nhiều người chuyển giới khác, chị không được xã hội thừa nhận và không thể tìm cho mình một công việc ổn định. Trong thời điểm không ít phim giải trí Việt lạm dụng hình ảnh của người đồng tính và chuyển giới để câu khách và tạo tiếng cười rẻ tiền, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một cái nhìn chân thành, tích cực và tôn trọng những người thuộc thế giới thứ ba. Bộ phim phản ánh sâu sắc đời sống người chuyển giới đằng sau ánh đèn sân khấu. Họ sống cơ cực, nay đây mai đó, không ổn định, luôn ám ảnh bởi những dằn vặt xót xa cho nhân dạng và số phận của mình. Họ gắn bó với đoàn lôtô để có thể sống thật với bản dạng giới, mang trong mình nỗi mặc cảm rằng là một người chuyển giới sẽ khó tìm được tình yêu bền vững và khi chết thì sẽ chết trong cô độc. Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Blue Productions 2. Dưới hình thức là một bộ phim tài liệu, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã khá thành công trong việc ghi nhận và miêu tả đời sống của người chuyển giới qua lăng kính phim. Tuy nhiên, với sự chọn lựa thể loại tài liệu, sự chính xác của những khái niệm lẫn từ ngữ cần được quan tâm hơn. Với phần phụ đề tiếng Anh để giúp đưa bộ phim ra thế giới, những từ “homosexual”, “fag”, “faggot”, “queer” được luân phiên sử dụng để dịch giải những khái niệm về người chuyển giới mà nhân vật nói trong phim như “bóng gió”, “đồng tính luyến ái”, “pê đê”. Về mặt ngôn ngữ học, sử dụng những từ vựng này như từ đồng nghĩa là có sai sót và có thể gây hiểu lầm về khái niệm. Trong tiếng Anh, “homosexual” chỉ người đồng tính nói chung (không nói về người chuyển giới), “fag” và “faggot” là từ dùng để lăng mạ cả người đồng tính và chuyển giới, trong khi “queer” là một cụm từ nhằm chỉ chung tất cả những ai không định hình mình theo khuôn khổ xã hội dù là giới tính hay xu hướng tính dục. Bên cạnh đó, khái niệm “đồng tính luyến ái” được nhắc đến trong phim như là cách các nhân vật tự định hình mình, vô hình trung góp thêm vào sự nhầm lẫn về khái niệm “người đồng tính” (người yêu người cùng giới với mình) và “người chuyển giới” (người muốn thay đổi giới tính được sinh ra của mình) từ lâu có sẵn ở Việt Nam. Có thể hiểu vì sao các nhân vật trong phim nhập nhằng hai khái niệm này, điều này cũng phản ánh sự chưa hoàn toàn thấu hiểu của xã hội Việt Nam về thế giới thứ ba. Các nhà làm phim có thể qua bộ phim tạo điều kiện để người xem hiểu rõ, hiểu đúng hơn về thế giới này. Đáng tiếc, cơ hội này đã bị bỏ lỡ. Bên cạnh đó, định kiến rằng xu hướng tính dục hay bản dạng giới của thế giới thứ ba là một “chứng bệnh”, hay những người thuộc thế giới này không phải là “nam nữ thật sự” cần được thay đổi nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội bình đẳng cho người chuyển giới nói riêng và cả cộng đồng LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender - tạm dịch: đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) nói chung. Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - Ảnh: Blue Productions 3. Và điều cuối cùng là từ khán giả, ít ra là trong buổi chiếu chiều 14-12 ở TP.HCM. Mặc dù bộ phim khai thác nỗi buồn và sự xót xa trong đời sống lang bạt và không được công nhận của người chuyển giới, nhưng ở một vài lời tự sự cay đắng của nhân vật lại nghe một số khán giả cười rất to. Tiếng cười vang lên từ những câu thoại tưởng là đùa, thật ra là tiếng khóc xót thương thân phận. Khán giả đã không nhận ra được sự tinh tế đó. Có thể bởi không ít khán giả đã quen được “cho cười” trong những bộ phim giải trí sử dụng hình ảnh người đồng tính để câu khách. Để thấy Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng và những nỗ lực tương tự vẫn còn một chặng đường dài trong việc chuyển tải thông điệp hiểu biết và thấu cảm của mình. ____________ (*): Phim của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, đoạt giải Special Mention ở Liên hoan phim tài liệu Chopshots (Indonesia). Tags: Người chuyển giới
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Lời khai của nghi phạm đốt quán cà phê khiến 11 người chết DANH TRỌNG 19/12/2024 Nghi phạm Cao Văn Hùng khai do xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau với nhóm khách 7 người nên bực tức đi mua xăng về phóng hỏa đốt quán cà phê, khiến 11 người tử vong.
Vụ cháy quán cà phê làm 11 người chết ở Hà Nội: Khởi tố nghi phạm đổ xăng phóng hỏa HỒNG QUANG 19/12/2024 Công an Hà Nội đã khởi tố C.V.H. về tội giết người. H. bị tình nghi đốt quán cà phê làm 11 người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm 18-12.
Tôi từ chối lời tri ân sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu PHAN TRUNG NGHĨA 19/12/2024 Lời tòa soạn: Nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả tập khảo cứu Công tử Bạc Liêu sự thật và giai thoại, gửi cho Tuổi Trẻ những cảm xúc của ông sau khi xem phim Công tử Bạc Liêu.
Đổ xăng phóng hỏa làm 11 người chết, nghi can là ai? HỒNG QUANG 19/12/2024 Chính quyền xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội) cho biết Cao Văn Hùng không phải người địa phương mà có thời gian qua lại nơi này. Công an cho hay sau khi làm ngọn lửa bùng lên ở quán cà phê, Hùng đã bỏ đi.