Nông dân nghèo huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa làm nghề chặt mía thuê - Ảnh: LÂM THIÊN
Sẽ thực hiện theo chính sách khác
Theo quyết định 102 thực hiện từ 1-1-2010, người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn được hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm; người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn được hỗ trợ 100.000 đồng/người/năm.
Tuy nhiên, đến nay các chính sách nói trên không còn phù hợp. Ngày 6-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bãi bỏ quyết định 102.
Chủ trương của Chính phủ hiện nay là giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn...
Trao lồng và cá giống cho bà con vùng lũ ở xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: CHÍ TUỆ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Chiến - bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho biết việc hỗ trợ theo quyết định 102 chỉ là một phần nhỏ trong số các chính sách hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo hiện nay. Do đó, việc hỗ trợ sẽ tiếp tục được thực hiện theo các chính sách khác.
* PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM):
Cần hỗ trợ tạo công ăn việc làm
Về lâu dài, Nhà nước nên chọn phương pháp hỗ trợ khác chứ không nên như lâu nay là "cho con cá chứ không cho cái cần câu".
Chúng ta nên tạo điều kiện cho bà con vay vốn, tạo điều kiện chăn nuôi, tăng gia sản xuất…
Thay vì chỉ hỗ trợ tiền như trước đây, chúng ta có thể hỗ trợ 50% giống, thuốc trừ sâu… để bà con có điều kiện canh tác, sản xuất.
Thậm chí, phải có những chuyên gia thực hiện nghiên cứu đặc điểm từng vùng miền, thổ nhưỡng, tập quán…
Dựa trên những đặc điểm đó để đưa ra ngành nghề kinh tế phù hợp cho người dân tập trung lao động, sản xuất.
Tôi nghĩ Chính phủ cũng nên tổ chức rà soát thật kỹ và nên ngừng hỗ trợ đối với một số khu vực.
Còn lại một số địa phương đang quá khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt thì vẫn nên có chính sách hỗ trợ trước mắt để vượt qua khó khăn, rồi mới tính đến phương án phát triển.
THU DUNG ghi
* TS Đặng Kim Sơn (nguyên viện trưởng Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn):
Cho bao nhiêu cũng không đủ
Nhìn vào tổng thể thấy con số hỗ trợ trực tiếp, số người nghèo được hỗ trợ rất lớn, nhưng đánh giá hiệu quả của riêng chương trình này sẽ thấy chính sách hỗ trợ trực tiếp với từng người nghèo trong thời gian qua là nhỏ giọt, cào bằng trên diện rộng.
Có thể nói chính sách hỗ trợ này giống như muối bỏ biển và Chính phủ có cho bao nhiêu cũng không đủ.
Cơ chế tốt nhất để giảm nghèo là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá ở tất cả mọi nơi, tạo lập cơ chế thị trường cho mọi vùng, để mọi người đều có thể tiếp cận vốn, có cơ hội học hành, có quyền ra quyết định, và có động lực vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ nhiều khi tạo thái độ ỷ lại của người nghèo, thậm chí tạo tâm lý cho cả cán bộ, nhân dân một số vùng nghèo, muốn vùng mình tiếp tục nghèo, các hộ nghèo muốn tiếp tục ở diện hộ nghèo để được trợ cấp.
Vì vậy, các chính sách hỗ trợ trực tiếp không mấy hiệu quả, có lúc còn tạo cơ chế xin cho.
Mặt khác, đối với từng người nghèo thì mức hỗ trợ rất ít, nhưng với các cơ quan nhận chính sách đó để ban phát cho người nghèo thì khá nhiều.
Hơn nữa, định mức hỗ trợ 80.000 - 100.000 đồng/người/năm rất nhỏ so với thu nhập của người dân, ngay cả người nghèo, nên định hướng bỏ cho trực tiếp để chuyển sang tạo môi trường phát triển, tạo điều kiện cho người sản xuất giỏi, kích thích sản xuất sẽ tốt hơn.
Muốn giúp người nghèo nên sử dụng số tiền đó, với những giải pháp khác mang tính lan tỏa, vững bền, tạo động lực cho sản xuất sẽ tốt hơn. Nên tạo điều kiện, cơ hội, động lực hơn là cho không người nghèo.
Chẳng hạn, Chính phủ không cho không người nghèo mà cho vay, không cho trước mà cho sau với những người nào có mô hình sản xuất thành công, không cho một cách cào bằng mà nhắm vào những khâu then chốt.
Địa phương nào khó về thị trường thì Chính phủ hỗ trợ gỡ khó để phát triển thị trường hàng hóa, địa phương nào khó về kỹ thuật thì tập trung hỗ trợ cải thiện kỹ thuật.
BẢO NGỌC ghi
* Ông Nguyễn Quang Đồng (chuyên gia về chính sách công, Viện Chính sách và phát triển truyền thông):
Cần duy trì những chính sách an sinh xã hội
Việc chấm dứt những khoản hỗ trợ trực tiếp trong bối cảnh bình thường sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của đồng bào nghèo vùng dân tộc.
Điều cần phải tính đến là trong bối cảnh xảy ra mất mùa, thiên tai thì cần phải có những chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người nghèo.
Đồng thời, cần duy trì những chính sách an sinh xã hội với đồng bào nghèo, vùng dân tộc như duy trì khám chữa bệnh, giáo dục miễn phí.
Kinh nghiệm giảm nghèo tại một số địa phương cho thấy các quỹ tín dụng vi mô cộng đồng để phát triển kinh tế là một hình thức xóa đói giảm nghèo tốt nhất.
Thay vì chọn giải pháp hỗ trợ trực tiếp, hoàn toàn có thể hình thành các quỹ tài chính vi mô cộng đồng góp phần giảm nghèo.
Kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng hạ tầng đi đến đâu, đường giao thông đi đến đâu, chợ mọc lên ở đâu... kinh tế vùng đó sẽ khá lên.
BẢO NGỌC ghi
Nông dân nghèo huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đi làm thuê kiếm sống - Ảnh: LÂM THIÊN
3.200 - 4.000 tỉ đồng
Đó là số tiền ngân sách nhà nước đã chi để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn theo chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn. Trung bình, mỗi năm ngân sách trung ương rót từ 400 - 500 tỉ đồng cho các địa phương phân phát miễn phí cho người nghèo.
* Ông Nguyễn Lân Hùng (chuyên gia nông nghiệp):
Nhiều chính sách hỗ trợ không đến tay người nghèo
Việc Chính phủ dừng hỗ trợ trực tiếp người nghèo sẽ không tác động quá lớn, vì chính sách này đang thực hiện quá dàn trải.
Nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, hiện vật những năm qua có trường hợp không đến được tận tay người nghèo.
Có chính sách hỗ trợ chỉ phổ biến được đến xã, nên có tình trạng chỗ này chỗ kia khi thực hiện hỗ trợ trực tiếp người nghèo đã xảy ra sai sót.
Biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt dễ nảy sinh lòng tham của cán bộ, nên đã có chuyện trâu hỗ trợ cho người nghèo nằm trong nhà chủ tịch một xã ở Thanh Hóa.
Với nguồn lực vừa phải, chỉ nên đưa ra một biện pháp hỗ trợ gián tiếp nào đó để người nghèo vươn lên, như hỗ trợ họ đi học nghề trồng trọt, chăn nuôi gắn với thổ nhưỡng địa phương, hỗ trợ hạt giống, con giống cho họ sẽ hiệu quả hơn.
Nên giúp người nghèo vùng dân tộc cái cần câu cơm để đồng bào có thể tự vươn lên được.
BẢO NGỌC ghi
* TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế ĐBSCL):
Không bỏ người nghèo ra bên lề
Cần khẳng định việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không hộ nghèo, nặng tính trông chờ, ỷ lại sang cơ chế hỗ trợ chủ động, nâng cao năng lực, ý thức vươn lên thoát nghèo cho người dân là cần thiết.
Tuy nhiên, việc bỏ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo cần được nhận thức đúng và thực thi có trách nhiệm.
Ngoài nguồn lực Nhà nước, cần nhiều hơn các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm khu vực tư nhân, tạo thêm không gian phát triển, khuyến khích các nguồn quỹ chăm lo an sinh xã hội theo hướng nâng cao năng lực cho người nghèo thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Cần trao cần câu cho người nghèo hơn là cho con cá. Điều quan trọng hơn là giúp họ biết cách câu cá trong một cơ chế thị trường cạnh tranh, tránh trông chờ hỗ trợ như vừa qua.
Có như thế thì cơ chế hỗ trợ mới phát huy hiệu quả và người nghèo không bị bỏ rơi.
CHÍ QUỐC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận