Tôi có đôi bàn tay lạnh. Ai cũng công nhận điều ấy, nhất là trong những ngày đông lạnh giá, có mang bao tay, có xoa xoa liên hồi kỳ trận thì nó vẫn giá buốt như thường.
Có lẽ bởi lớp mỡ dưới da của đôi tay tôi không lấy gì làm dày dặn cho lắm. Chính nó cũng khiến cho tay tôi thô ráp hơn so với làn da mịn màng của vô số bạn bè đồng trang lứa. Tôi rất mặc cảm vì điều đó.
Lấy chồng, việc nọ chất việc kia, luôn tay luôn chân. Nhất là mấy việc nấu cơm, rửa bát, giặt giũ... càng khiến đôi bàn tay thô ráp, xù xì nhiều hơn nữa. Tôi mặc cảm cả với đức lang quân của mình. Có lẽ đó cũng là lý do gần như chẳng bao giờ tôi nắm tay anh, và cũng không cho anh nắm tay mình dù trong khung cảnh lãng mạn đến mấy.
Dần dần thành quen. Đôi tay ngày nào cũng thực thi đủ nhiệm vụ của nó. Mùa đông sang hè, mùa thu tới xuân, đủ bốn mùa không sót việc. Căn bếp gia đình chiều nào cũng đỏ lửa, mâm cơm ấm đón chồng con về, căn nhà gọn gàng sạch sẽ cũng từ đôi tay đó.
Nắn nót cầm bàn tay con nhỏ đưa từng chữ viết cũng là nó. Hình như chẳng lúc nào những ngón tay thô được ngơi. Chẳng bao giờ nó biết đến kem dưỡng ẩm, đến những chăm sóc vuốt ve, đến nhũ móng được chuốt chải như bao người. Tôi gọi bàn tay mình là đôi tay im lặng, được việc.
Rồi một ngày tôi tình cờ phát hiện ra chồng nhắn tin qua lại với người cũ. Những uất ức tổn thương bung ra, vỡ òa. Mặc anh thanh minh chỉ là những tin nhắn hỏi thăm, anh chưa làm gì có lỗi... nhưng nghĩ đến những vất vả để vun vén gia đình bao năm qua, trong khi chồng lại có thời gian thảnh thơi trò chuyện với người cũ, tôi tổn thương vô cùng.
Từ tổn thương đến câm lặng. Tôi không làm sao cất lời để nói với chồng một tiếng. Dù anh ăn năn hối lỗi chân thành. Dù anh thực lòng đổi thay sau cơn say nắng nhất thời ấy. Tôi vẫn không thể nào nguôi nỗi đau trong tim mình. Căn nhà nhỏ chỉ còn tiếng bi bô của con trẻ. Hai người lớn thì ra vào lặng lẽ. Một bàn tay tự nắm chặt tay mình.
Ngày tôi phát hiện bệnh, lặng im và đau khổ, tự mình tôi đi khắp rẻo đường Hà Nội khám chữa. Nơi này giới thiệu nơi khác. Đến khi Bệnh viện Bạch Mai giới thiệu sang Bệnh viện K, tôi đứng chết lặng.
Đôi bàn tay thõng ra, thừa thãi bất lực. Đến viện K, giống như đối diện lằn ranh sống - chết. Mà tôi thì còn quá trẻ. Nghĩ đến các con, nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi. Nhưng tôi vẫn lặng câm, một mình trong nỗi sợ hãi tột cùng.
Ngày tôi vừa bước lên taxi để đến viện K theo lời khuyên của các bác sĩ thì bất ngờ anh cũng bước lên ngay phía sau. Vẫn lặng im như cũ nhưng anh đưa tay nắm lấy tay tôi, rất chặt.
Ngồi trên xe, bàn tay ấy vẫn nắm tay tôi không rời. Không ai nói một lời, nhưng đôi bàn tay tôi lần đầu tiên ngơi công việc được nằm gọn trong tay chồng cả một quãng đường dài, được trân trọng, bảo vệ, chở che.
Đến Bệnh viện K, người cứng tim nhất cũng muốn rụng. Kẻ khóc người cười. Những khuôn mặt bệch ra, những cái đầu sau nhiều lần hóa trị trọc lốc... Tôi bảo: Thôi về! Sống chết thì số trời cũng định sẵn rồi... Nhưng bàn tay anh nắm gọn tay tôi, bóp nhẹ.
Anh dẫn tôi qua những hành lang, những phòng khám, những ồn ào chen chúc của bệnh nhân, những khuôn mặt mệt mỏi lẫn căng thẳng của bác sĩ. Để rồi khi cầm kết quả cuối cùng trên tay, đọc tới lui một hồi, anh vẫn chạy vào phòng: "Bác sĩ ơi, thật là vợ em không sao chứ ạ?".
Ra tới ngoài cổng viện, hàng xà cừ bắt đầu rụng lá. Mây cao hơn và trời thủ đô bỗng yên ả đến lạ lùng. Anh lại đan tay vào những ngón tay xù xì của vợ, giọng vui vẻ lạ lùng: "Yên tâm rồi, giờ thì chúng mình sẽ lại dắt tay nhau đi tới cuối cuộc đời em nhé".
Trái tim tôi mềm ra, òa vỡ. Giây phút ấy tôi hiểu ra mình thực sự không thể bước đi đơn lẻ một mình trong hành trình sống này.
Tôi cần một bờ vai vững chãi, tôi cần một bàn tay nắm chặt tay mình. Cái nắm tay đúng lúc đã làm ấm lại trái tim tổn thương, ấm lại căn nhà đang có nguy cơ nguội lạnh theo tháng năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận