24/11/2023 18:54 GMT+7

Một ban quản lý dự án ở TP.HCM 239 người phải 'gánh' tới 162 dự án

Ban Giao thông đang quản lý 162 dự án giao thông. Vì vậy, TP.HCM đang nghiên cứu mô hình triển khai để giảm tải, đảm bảo tiến độ các dự án.

Toàn cảnh công trình nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÂU TUẤN

Toàn cảnh công trình nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÂU TUẤN

Công trình giao thông chậm trễ, thủ trưởng sở ban ngành phải chịu trách nhiệm

Liên quan tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm năm 2023, chủ tịch UBND TP.HCM vừa giao sở ngành, đơn vị liên quan chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc...

Thủ trưởng các sở ngành và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP đối với việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ, làm chậm tiến độ dự án và chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND TP phê bình các chủ đầu tư không lập bảng tiến độ chi tiết triển khai các dự án công trình trọng điểm gửi TP và các sở ngành theo dõi. 

Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông)... khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công báo cáo UBND TP, các sở ngành để theo dõi, chỉ đạo...

239 người "gánh" 162 dự án giao thông

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với sở ngành liên quan đánh giá, đề xuất phương án, mô hình quản lý dự án phù hợp trong thời gian tới. Việc này nhằm triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách theo nghị quyết số 98; tham mưu, đề xuất thành phố trước ngày 15-12.

Trước đó, Sở Nội vụ đã lấy ý kiến các sở ngành về đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của Ban Giao thông để kiện toàn hoặc có phương án sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thời gian tới, để ưu tiên tập trung nhiều dự án có quy mô lớn.

Tại công văn góp ý gửi Sở Nội vụ thành phố, Sở Giao thông vận tải thành phố cho hay Ban Giao thông đang làm chủ đầu tư 162 dự án và giám sát 8 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tổng số nhân lực 239 người, trung bình chưa đến hai người quản lý một dự án.

Ban có 10 ban điều hành để tổ chức quản lý hơn 162 dự án. Nhưng các ban điều hành lại không có tư cách pháp nhân, không đủ thẩm quyền... để phối hợp với các đơn vị liên quan (đặc biệt là chính quyền địa phương) để giải quyết công việc. Điều này dẫn đến quá tải cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo ban.

Với mô hình, khối lượng công việc nhiều như hiện nay đã dẫn đến quá trình triển khai các dự án còn tồn tại một số hạn chế. Chẳng hạn, việc tham mưu, chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao, có lúc gián đoạn làm giảm hiệu quả đầu tư. 

Ban được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đến nay đã gần hai năm, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương.

Một số công trình phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu có năng lực tài chính yếu kém, phải tạm dừng thi công để giải quyết các thủ tục pháp lý, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư dự án. 

Chẳng hạn như dự án nâng cấp, cải tạo đường Đồng Văn Cống, đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài (hương lộ 80 cũ). Ngoài ra còn có các dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa như đoạn 2, đoạn 3 và đoạn 4 (quận Bình Thạnh)

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM,  tới đây nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn sẽ được triển khai như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 2, 5 dự án BOT trên đường hiện hữu... 

Với việc tăng về cả quy mô và số lượng dự án, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án như hiện nay sẽ vượt quá năng lực. Việc này dẫn đến khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng dự án, khó đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Vì vậy, việc thành lập thêm ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải trực thuộc UBND TP là cần thiết. Đây là phương án nhằm giảm tải, chia sẻ công việc với Ban Giao thông.

Mô hình ban quản lý dự án giao thông của Bộ Giao thông vận tải

Theo Sở Giao thông vận tải TP, hiện Bộ Giao thông vận tải cũng có 10 ban quản lý dự án trực thuộc; 4 ban quản lý thuộc Cục Đường bộ Việt Nam.

Để phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km cao tốc vào năm 2030, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, điều phối linh hoạt khối lượng công việc giữa các ban quản lý để triển khai đồng loạt các dự án trải dài từ Bắc đến Nam.

Đến nay, các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản cơ bản đáp ứng yêu cầu Chính phủ.

Dự án chậm tiến độ: Vì sao Dự án chậm tiến độ: Vì sao 'có tiền mà không xài'?

Cùng một quy định nhưng mỗi nơi, mỗi cơ quan hiểu một cách khác nhau đang gây ra những vướng mắc, bất cập trong thi hành chính sách, tạo nên những rào cản khiến việc triển khai nhiều dự án chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên