Trang Trần (trái) trong một cảnh phim. Xung quanh sự việc người mẫu Trang Trần bị công an tạm giữ, nhiều bạn đọc cho rằng đây cũng là một “ví dụ sinh động” về chuyện “Thói hung hãn lên ngôi?”... |
Thiếu sự chân thành
Hãy tạm gác chuyện Trang Trần là người nổi tiếng thì với những hành động thách thức, chửi cả tổ tông người khác giữa người bình thường với nhau thì chúng ta có chấp nhận được không?
Một số người, tập thể hiện nay hay dựa vào sức ảnh hưởng, sự nổi tiếng của mình mà cho rằng họ hơn người, cho rằng mọi người nên cư xử với họ “đúng mực” dù ở tình huống nào.
Họ quên rằng sự nổi tiếng có được là nhờ vào sự công nhận, ủng hộ, yêu thương của công chúng với tài năng và những việc họ đã cống hiến. Lòng mến mộ đó được nuôi dưỡng hay không còn dựa vào cách cư xử, sự bền bỉ và nhiệt tâm không ngừng chứ không phải thái độ đứng cao hơn người bình thường một bậc.
“Người của công chúng” ở nước khác nếu có hành vi khiếm nhã với người khác thì bản thân người đó và cả một bộ sậu quản lý đến xin lỗi. Vi phạm chưa biết nặng hay nhẹ nhưng sự chân thành, xem mình như mọi người trong mọi trường hợp đã là một dấu cộng cho cách ứng xử của người nổi tiếng.
Và một nguyên nhân nữa khiến cho hành vi hung hãn này lên ngôi là do ứng xử của người xung quanh khi chứng kiến. Trong đoạn clip Trang Trần xuống xe bênh vực tài xế taxi của mình với những lời lẽ khiếm nhã, hai người đi cùng cô ta ngoài giải thích, bênh vực cũng buông ra những lời rất khó nghe.
Một cô gái còn bảo những người xung quanh quay phim và chụp lại đi, ngày mai cô sẽ cho lên báo, lên trang nhất (!?), tôi không hiểu kiểu hành xử đó là gì.
Say xỉn rồi làm gì cũng được?
Đã là nghệ sĩ (đi diễn, đóng phim...) thì phải giữ cho mình hình ảnh tươm tất trên sân khấu cũng như trong đời sống, đặc biệt hơn khi đó lại là một cô gái trẻ thì càng chú ý đến cung cách sống của mình.
Nếu chuyện cô ấy vui tiệc tùng đến mức say xỉn đã khiến nhiều người thất vọng thì chuyện cô ấy liên tục “phun châu nhả ngọc” (được “ngụy biện” là do rượu) lại càng khiến tôi vô cùng khó chịu. Say xỉn là có quyền đứng trên pháp luật?
Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi những trường hợp va chạm nên việc lời qua tiếng lại cũng là điều dễ hiểu, nhưng là một người “làm văn hóa” như Trang Trần thì không thể tùy tiện như vậy.
Tệ hơn, những câu mắng chửi tục tĩu mà cô người mẫu dùng là “liên tục” chứ không phải chỉ một vài lần “tức tối mất kiểm soát”. Chính điều đó khiến nhiều người, trong đó có tôi, nhìn cô người mẫu ấy bằng đôi mắt khác, rất khác.
Cũng có người tán đồng ca ngợi hành động của cô gái ấy vì cho rằng dám nói ra điều “khó nói” với lực lượng cảnh sát, nhưng nếu đó là em gái, chị gái, cháu gái, con gái hay người yêu của họ đang liên tục phát ra những âm thanh khó nghe trong tình trạng say xỉn như vậy thì họ nghĩ sao?
Mẹ tôi, một phụ nữ nông thôn, ít được học hành, nhưng mẹ đã dạy tôi rằng: “Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, là con gái thì lại càng giữ nết na trong hành vi và lời nói của mình, không những tốt cho mọi người (vì đỡ phải nghe những lời thô tục) mà còn tốt cho phẩm hạnh của con.
Vì vậy, cùng ngồi xem video clip “văng tục chửi thề”, khua chân múa tay hung hãn của cô gái trạc tuổi con mình, mẹ tôi chỉ khẽ lắc đầu thở dài...
Không nên bao biện
Chỉ cần đọc một loạt những lời bình luận của công chúng trên mạng thì đủ thấy hầu hết đều không đồng tình với cách hành xử của Trang Trần. Tôi cũng vậy, tôi không cần biết cô nổi tiếng như thế nào nhưng dùng những lời lẽ quá thô tục để chửi là điều không thể chấp nhận được, ngay cả với một người bình thường.
Tôi không thể hình dung được một người của công chúng mà lại chửi tục đến dẻo cả miệng, thóa mạ, đấm đá công an như thế, và dĩ nhiên đó là hành vi khó có thể đồng tình.
Một số bạn bè đưa hình ảnh cô người mẫu này đi làm từ thiện để bao biện cho hành động của cô, rồi thì vì cô nóng, thẳng tính và bộc trực nhưng tôi thấy không ổn vì mỗi sự việc có một “giá trị” khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận