Phim Kaibutsu (tựa tiếng Anh: Monster) của đạo diễn - biên kịch Hirokazu Kore-eda công chiếu vào ngày thứ hai trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2023 (từ ngày 16 đến 27-5).
Tác phẩm nhận về nhiều đánh giá tích cực từ giới quan sát điện ảnh. Phim không chỉ là một trong những ứng viên sáng giá của Cành cọ vàng năm nay mà còn đưa đến cái nhìn chân thật về ngôn ngữ điện ảnh mang tên Hirokazu Kore-eda.
Monster khai phá nội tâm phức tạp của trẻ em và người lớn
"Lớn lên thật khó!" - đó là lời nhấn mạnh của đạo diễn Lukas Dhont’s. Ông đã thông qua phim Close để mô tả đời sống nội tâm rất phức tạp của trẻ em. Nó mạnh mẽ đến mức người lớn bình thường không thể tiếp cận.
Với đề tài tương tự, Kore-eda tìm thấy cả hài kịch và bi kịch đen tối trong sự rối loạn chức năng của các gia đình. Ông thách thức người xem về nạn bắt nạt, kỳ thị đồng tính, sự thiếu sót của chính quyền và các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội.
Tất cả những vấn nạn trên đã hình thành một con quái vật từ chính sự sai trái trong thế giới mà chúng ta đang sống.
Theo South China Morning Post, Monster là một bộ phim không hề dễ dàng diễn đạt ý nghĩa. Con quái vật không xuất hiện ngay từ đầu phim theo cách thống nhất mà phải trải qua một quá trình bóc tách những hiểu lầm, thậm chí rời rạc để trả lời ai mới là quái vật thật sự.
Monster cũng “trình diễn" cách kể chuyện đặc biệt của Kore-eda, cùng một vấn đề nhưng lại được kể dưới góc nhìn của ba nhân vật khác nhau.
Nội dung Monster xoay quanh bà mẹ đơn thân Saori (Sakura Ando đóng) nghi ngờ cậu con trai Minato (Soya Kurokawa đóng) bị thầy giáo Hori (Eita Nagayami đóng) và các bạn bắt nạt ở trường học.
Dưới góc nhìn của thầy Hori, câu chuyện lại xoay chuyển thành cậu bé Minato mới là người đi bắt nạt các bạn học khác.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của bà mẹ đơn thân Saori, vị thầy giáo đáng kính Hori lại là một người không ra gì và là khách quen của một quán rượu nhếch nhác.
Tờ Variety nhận xét rằng hết phim này đến phim khác, từ Nobody Knows đến Shoplifters, đạo diễn bậc thầy người Nhật Hirokazu Kore-eda đã chứng tỏ mình là một trong những đạo diễn luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất ở con người, đặc biệt là trẻ em.
Kore-eda - bảo vật điện ảnh Nhật Bản
Khán giả gọi đạo diễn, nhà biên kịch Hirokazu Kore-eda là bảo vật của điện ảnh Nhật Bản, bởi ông đã làm nên một số kiệt tác điện ảnh, nhận nhiều đề cử và giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá như Cannes, Venice…
Trước Kore-eda, đạo diễn Nhật Bản Akira Kurosawa từng có tác phẩm Rashomon (1950) khiến Hollywood nghiêng mình trước một đạo diễn châu Á tài năng và bứt phá.
Từ ảnh hưởng của phim, thuật ngữ "hiệu ứng Rashomon" ra đời nhằm chỉ tình huống: một sự việc được thuật lại mâu thuẫn nhau, từ những người có góc nhìn khác nhau.
Vận dụng nghệ thuật tự sự này, các tác phẩm điện ảnh của Kore-eda như một ảo ảnh của sự thật được khúc xạ qua tâm lý con người. Và chính Kore-eda là một trong những đạo diễn thành công với phong cách tự sự Rashomon.
Phần lớn các bộ phim được hình thành dưới bàn tay của Kore-eda đều phản ánh chân thật mọi vấn nạn diễn ra hằng ngày trong đời sống, xã hội loài người đầy đau đớn, chật vật được hiện lên rõ nét trong thế giới điện ảnh của ông.
Tuy vậy, những thước phim của đạo diễn Kore-eda vẫn còn đâu đó sự ấm áp của tình người giữa dòng chảy đầy khắc nghiệt.
Tại Cannes 2022, Kore-eda đã giúp Song Kang Ho trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất với bộ phim Broker (Người môi giới).
Ngoài ra, phim còn nhận được đề cử giải Cành cọ vàng, thắng giải Ecumenical Jury Award (giải thưởng tôn vinh những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao).
Năm 2018, Kore-eda chinh phục thành công Cành cọ vàng với Shoplifters. Trước đó, ông nhiều lần lọt vào danh sách đề cử Cành cọ vàng với Our little sister (2015), Nobody knows (2004) và giành giải Jury Prize (giải thưởng của ban giám khảo) với phim Like father, like son (2013).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận