Khán giả của Monsoon rất máu lửa, họ hát theo nghệ sĩ, hú hét, vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt - Ảnh: Monsoon
Tôi thích Monsoon vì âm nhạc mang tính thể nghiệm và rất giàu cảm xúc.
Khán giả Trần Phi Tuấn
Diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Monsoon 2019 có giá vé từ 1,3 - 1,5 triệu đồng cho ba đêm nhạc với sự tham gia của nghệ sĩ quốc tế phải nói là rất ưu đãi.
Đáng đồng tiền bát gạo
Sau hai ngày trải nghiệm tại Monsoon dưới cơn mưa phùn, khán giả Nguyễn Hữu Hảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng quyết định bay ra Hà Nội xem Monsoon "thật đáng đồng tiền bát gạo". "Cơn mưa không ảnh hưởng gì lắm vì mọi người vẫn "cháy" cùng Monsoon thôi. Hơn 10 người chúng tôi quyết định đi Monsoon vì đã biết về festival từ trước rồi" - Hảo nói.
Trong đêm thứ hai Monsoon (2-11), khán giả Trần Phi Tuấn (đang làm việc tại Toong, chuỗi Coworking Space) nhảy say mê trên bãi cỏ khi nghe ca sĩ Totemo (Israel) hát. "Tôi là người có nhiều cảm xúc dồn nén nên âm nhạc và nhảy múa là thứ giúp tôi giải tỏa năng lượng và cân bằng trong cuộc sống" - Tuấn chia sẻ.
Đến Monsoon mới thấy nguồn năng lượng trẻ lớn như thế nào. Lớp khán giả trẻ ở đây khác hẳn lớp khán giả lớn tuổi hay đi nhà hát, bởi họ đầy nhiệt huyết và sở hữu "gu" nhạc phong phú do được tiếp cận với Internet từ sớm. Không chỉ thuộc bài bát của các nghệ sĩ Việt Nam, họ còn thuộc bài của những ca sĩ, ban nhạc "xa lạ" như Phum Viphutrit (Thái Lan), Hyukoh (Hàn Quốc), Kodaline (Ireland) - những ban nhạc biểu diễn tại Monsoon lần này...
Đến Monsoon người ta sẽ nhìn thấy rõ hơn thế hệ nghệ sĩ mới cũng như thế hệ khán giả mới của Việt Nam. Năm nay ngoài sân khấu chính, ở Monsoon còn có một sân nhỏ dành cho các ban nhạc giao lưu với nhau. Ở đây, những ban nhạc học sinh, sinh viên chơi say mê.
Trịnh Thy San - cây guitar của ban nhạc Jazz Glory đến từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - cười vui khi nhiều người thắc mắc họ là ai mà chơi nhạc tốt như vậy: "Bọn em học nhạc từ bé rồi".
Năm nay nhạc sĩ Quốc Trung cố ý không công bố rõ thời gian biểu diễn của nghệ sĩ để khán giả đến festival chỉ để nghe một nghệ sĩ ưa thích phải thay đổi thói quen. Và khán giả của Monsoon bắt đầu hiểu "luật chơi" của festival này.
Ban nhạc Lu.Tre.Chau hội tụ những nghệ sĩ gạo cội: nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung (keyboard), trưởng nhóm/ ca sĩ Trần Thái Châu, Yvol Ênuôi (trống) và Trương Nam Phong (guitar) - Ảnh: Monsoon
Đường dài nào cho Monsoon?
Monsoon cũng cho thấy một xu hướng không thể cưỡng lại được đó là âm nhạc điện tử, mở ra cho người nghệ sĩ không gian sáng tạo vô giới hạn. Hầu hết nghệ sĩ, ban nhạc nước ngoài chơi tại Monsoon đều sử dụng thiết bị làm nhạc điện tử, thậm chí ca sĩ vừa hát vừa chơi nhạc điện tử như Vinh Khuất (người Đức gốc Việt), Totemo, Xinh Xô (nghệ sĩ Việt đang hoạt động tại Mỹ)...
Dù nhiều khán giả trẻ có thể chưa hẳn đã "cảm" nhạc điện tử của Xinh Xô, Robert Rich (Mỹ), nhưng ít nhất họ sẽ có khái niệm về những thể loại âm nhạc mới của thế giới.
Festival âm nhạc này đã đem đến công nghệ âm thanh, ánh sáng mà theo những bạn trẻ như Trịnh Nam Sa (ban nhạc Gà Con ở Hải Phòng) hay Trịnh Thy San là "đỉnh nhất Việt Nam". Festival này cũng cho thấy công nghệ tổ chức chuyên nghiệp, chỉn chu, an toàn, là cơ hội để người sáng tác và người nghe nhạc được nhìn ra thế giới.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: "Các nghệ sĩ nước ngoài trước khi đi tour tập nguyên một năm với đầy đủ phương tiện kỹ thuật. Còn ở Việt Nam, nghệ sĩ chỉ có vài ngày tập luyện với nhau thì sẽ không bao giờ đạt được tiêu chuẩn cần phải có. Vì thế khán giả ít khi được thăng hoa cùng âm nhạc". Vì lý do đó, cha đẻ của Monsoon đã nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng âm thanh, ánh sáng cho Monsoon với mong muốn cho các nghệ sĩ trẻ được diễn trên một sân khấu tiêu chuẩn, tạo nguồn cảm hứng để họ vươn lên tầm quốc tế.
Monsoon hiện đã được UBND TP Hà Nội cấp phép biểu diễn trong vòng 4 năm tới, là đảm bảo cho nhà tổ chức yên tâm đặt lịch ca sĩ nước ngoài. Những người sản xuất Monsoon 2019 đã đổ hàng triệu USD cho festival này. Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết anh muốn Monsoon trở thành hoạt động thường niên kết nối cộng đồng và để âm nhạc lan truyền những giá trị tốt đẹp.
Theo lý thuyết nhân học văn hóa, trong các xã hội truyền thống, lễ hội là một dạng nghi thức tập thể giúp người dân giải tỏa áp lực cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, lễ hội âm nhạc kiểu như Monsoon chính là một dạng nghi thức tập thể kiểu mới giúp cư dân giải tỏa căng thẳng trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều áp lực.
Các chuyên gia đến từ Đan Mạch, Hàn Quốc tham dự hội thảo "Chuyên nghiệp hóa trong tổ chức các sự kiện nghệ thuật tại Việt Nam" (thuộc khuôn khổ Monsoon) đều cho biết đất nước họ hỗ trợ tài chính để phát triển các festival âm nhạc như một hoạt động cộng đồng, đồng thời coi lễ hội là kênh hỗ trợ phát triển du lịch, kinh tế. Ngoài ra họ cũng xác định festival âm nhạc là một trong những nơi nuôi dưỡng, phát triển tài năng âm nhạc.
Với Monsoon, người ta mới chỉ thấy khán giả có lãi, còn ban tổ chức sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu trong tương lai họ không huy động thêm được các nguồn lực.
Không ngại "món lạ"
Dễ nhận thấy một đặc điểm của khán giả Việt là chỉ thích nghe những nghệ sĩ quen thuộc, những bài hát quen thuộc. Nhưng Monsoon đi ngược lại với xu thế đó. Ngoài việc cân bằng với thị hiếu của khán giả nội địa, Monsoon quyết liệt giới thiệu nhân tố mới, không ngại giới thiệu những "món lạ".
Khán giả Dương Phương Nga (Công ty HeadHunter, Hà Nội) cho biết: "Tôi tin vào lựa chọn của anh Quốc Trung, anh ấy luôn mang đến cho khán giả những ban nhạc, những nghệ sĩ mới. Sau lần tham gia Monsoon tôi đã trở thành fan của Ngọt, Lost Frequencies (Bỉ), dù trước đó tôi chưa từng biết họ. Tôi rất thích không khí festival, nên dù bạn không đi cùng, tôi vẫn có thể đi một mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận