26/04/2017 12:09 GMT+7

​Monsanto hủy diệt môi trường - Kỳ 5: Khi chiến tranh đi qua

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Năm 2013, tòa án Hàn Quốc đã buộc Monsanto và Dow Chemical phải bồi thường cho 39 cựu binh nạn nhân chất độc da cam. Còn các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam vẫn đang nhọc nhằn trong hành trình đi kiện.

Báo L’Humanité ngày 14-12-2016 viết bài về chặng đường đi kiện của bà Trần Tố Nga -  Ảnh: L’Humanité
Báo L’Humanité ngày 14-12-2016 viết bài về chặng đường đi kiện của bà Trần Tố Nga - Ảnh: L’Humanité

Theo tài liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 30-1-2004, các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã đưa đơn kiện đòi bồi thường ra tòa sơ thẩm ở Mỹ (khu Đông New York).

Hành trình đi kiện

Nguyên đơn chính liên quan đến 11 gia đình và 27 nạn nhân Việt Nam cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đại diện cho đông đảo nạn nhân. Như vậy đây là vụ kiện dân sự tập thể (class action). Bị đơn gồm 36 công ty, trong đó có Monsanto.

12 tội liên quan đến bị đơn theo luật Mỹ gồm: tội ác chiến tranh, diệt chủng, tội chống nhân loại, tra tấn, hành hung, cố ý gây tổn thương tinh thần, gây tổn thương tinh thần do tắc trách, tắc trách, gây chết oan uổng, trách nhiệm sản phẩm, gây phiền toái công cộng, làm giàu bất chính.

Bất chấp công lý và đạo lý, tòa án Mỹ đã phán quyết dựa vào hai cơ sở chính: một là chưa có bằng chứng khoa học “đầy đủ” cho thấy chất diệt cỏ gây bệnh tật, hai là nếu chất diệt cỏ có độc thì đó là do tình cờ chứ không phải “cố ý”.

Ngoài vụ kiện ở Mỹ còn có vụ kiện tại Pháp của Việt kiều Pháp Trần Tố Nga (nạn nhân chất độc da cam) đối với 26 công ty hóa chất Mỹ. Vụ kiện đã được tòa án thành phố Évry (vùng Paris của Pháp) thụ lý. 19/26 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, buộc phải xuất hiện tại tòa với tư cách bị đơn.

Sau khi xem xét những đòi hỏi vô lý của các công ty hóa chất Mỹ qua tám phiên tòa trong gần hai năm (từ tháng 4-2015 đến tháng 2-2017), chánh án quyết định phiên tranh tụng đầu tiên vào ngày 22-6-2017.

“Câu giờ”

Trong bài “Chất độc da cam, Monsanto bị tố cáo” đăng trên báo Le Monde Diplomatique tháng 2-2017, ông Francis Gendreau, nguyên chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt từ năm 2002-2007, viết về bà Trần Tố Nga: “Vào cuối đời, người phụ nữ sông Mékong đã bắt đầu cuộc chiến thứ ba - đấu tranh vì công lý sau hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ”.

Ông nhận xét qua các phiên tòa, các công ty Mỹ đã áp dụng chiến thuật cổ điển là đòi đủ thứ giấy tờ để kéo dài thời gian. Phải đến phiên tòa ngày 15-12-2016, hồ sơ vụ kiện mới được xem xét phần nội dung về trách nhiệm của các công ty Mỹ.

Ông ghi nhận chất độc da cam không chỉ gây tác hại ở Việt Nam mà còn được sử dụng tại Campuchia và Lào, dọc khu phi quân sự hai miền Triều Tiên. Chất độc da cam đã được thử nghiệm tại Gagetown (Canada) và gần Pranburi (Thái Lan).

Ngoài ra, chất độc da cam còn được lưu kho trong các căn cứ quân sự Mỹ ở Mỹ (đảo Johnston) và ở Hàn Quốc (căn cứ Carroll), Nhật.

Cho dù Mỹ chối bỏ nhưng bằng chứng chất độc da cam hiện diện tại căn cứ không quân Mỹ Kadena ở Okinawa đã được xác nhận. Căn cứ này đã được dùng làm nơi huấn luyện cho nhân viên sử dụng thuốc diệt cỏ (chủ yếu là phun rải), tẩy rửa và bảo trì các máy bay đã sử dụng tại Việt Nam.

Theo ông Francis Gendreau, các công ty Mỹ còn sản xuất chất độc da cam ở Pháp. Trong nhà máy hóa chất của Công ty Progil (hiện mang tên Vencorex) ở Pont-de-Claix có một xưởng chuyên sản xuất 2,4-D và 2,4,5-T (hai thành phần của chất độc da cam).

Các chất diệt cỏ này được chuyển trực tiếp đến Sài Gòn, sau đó được trung chuyển qua Rotterdam (Hà Lan) khi phong trào phản chiến bùng nổ. Thông tin nêu trên do tổ chức công đoàn Mặt trận Công nhân dân chủ ở Pháp cung cấp năm 2004.

Né trách nhiệm

Trong bài viết với đầu đề “Chất da cam: Nhìn lại mối liên quan của Monsanto” đăng trên trang web của Monsanto (phiên bản tiếng Pháp), Monsanto thừa nhận chất da cam là một trong những di chứng của chiến tranh Việt Nam.

Monsanto cho biết vào thời điểm chiến tranh Việt Nam bắt đầu lan rộng, Chính phủ Mỹ đã áp dụng Luật sản xuất quốc phòng (Defense Production Act) để ký hợp đồng với bảy nhà sản xuất hóa chất nhằm cung cấp chất da cam và nhiều chất diệt cỏ khác sử dụng tại Việt Nam.

Các công ty sản xuất gồm Diamond Shamrock, Dow Chemical, Hercules, T-H Agricultural & Nutrition, Thompson Chemicals, Uniroyal và Monsanto.

Tổng cộng có 15 chất diệt cỏ được sử dụng vì mục đích quân sự, trong đó chất da cam được sử dụng nhiều nhất.

Monsanto đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ đã chỉ định thành phần hóa học của chất da cam cũng như phương thức sử dụng gồm thời gian, địa điểm, cách thức, liều lượng. Monsanto đã sản xuất chất da cam từ năm 1965-1969. Chất diệt cỏ này gồm hai hỗn hợp đều nhau 2,4-D và 2,4,5-T.

Monsanto xác nhận sau chiến tranh Việt Nam, giới khoa học cũng như công luận quan ngại về chất dioxin 2,3,7,8-TCDD là chất phát sinh trong quá trình sản xuất 2,4,5-T.

Cuối cùng Monsanto cho rằng các nhà sản xuất đáp ứng thị trường công thì chỉ làm theo Chính phủ Mỹ và hậu quả thiệt hại xảy ra trong chiến tranh Việt Nam, kể cả việc sử dụng chất da cam, phải do các chính phủ có liên quan giải quyết.

Diễn biến vụ kiện chất độc da cam ở Mỹ

Tòa sơ thẩm: Ngày 18-3-2004, tòa tổ chức phiên điều trần đầu tiên. Đến ngày 10-3-2005, thẩm phán Jack Weinstein ra phán quyết dày 233 trang bác bỏ vụ kiện vì cho rằng việc sử dụng chất hóa học da cam dù độc hại nhưng không áp dụng với khái niệm chất độc, do đó không vi phạm luật quốc tế.

Tòa phúc thẩm: Ngày 8-4-2005, nguyên đơn Việt Nam đã trình yêu cầu kháng cáo lên tòa án phúc thẩm số 2 ở Manhattan (New York).

Đến ngày 22-2-2008, tòa ra phán quyết bác kháng cáo với lập luận: “Nguyên đơn không thể chứng minh chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là vi phạm điều cấm sử dụng chất độc trong chiến tranh, chất da cam được sử dụng để bảo vệ binh sĩ Mỹ khỏi bị phục kích chứ không phải vũ khí chống con người”.

Tòa án tối cao: Ngày 6-10-2008, nguyên đơn Việt Nam nộp đơn lên tòa án tối cao Mỹ. Ngày 2-3-2009, tòa thông báo từ chối xem xét lại vụ kiện chất độc da cam của Việt Nam vì thẩm phán John Paul Stevens được giao nhiệm vụ xét xử đã tuyên bố thoái thác vì lý do cá nhân nhưng không nêu rõ thoái thác vì lý do gì.

_____________________________________

Kỳ tới: Monsanto đang làm gì ở Việt Nam?

Xem các kỳ trước:

>> 

>> 

>> 

>> Kỳ 4: 

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên