TTCT - Xe tải lớn và xe container thường bị xem là hung thần trên đường không chỉ vì những tai nạn kinh hoàng nó gây ra mà còn vì thái độ của người cầm lái. Một tài xế từng cầm lái xe container giải thích về những áp lực đã hình thành nên thói quen không hay của những hung thần xa lộ... Quốc lộ 1 đoạn từ đường số 12 đến đường số 14 (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thường xảy ra tai nạn giao thông -Quang Định Là người có thâm niên hơn 10 năm, từ lái xe riêng cho “sếp”, lái xe du lịch, xe tải rồi đến xe container và bây giờ là xe khách đường dài, anh Lê Đăng Khoa (34 tuổi, Vĩnh Long) thở dài: “Lái xe container là căng thẳng nhất, mệt mỏi nhất và cũng thật sự nhiều rủi ro”. “Lái xe container được trả mức thù lao cao nhất, nhưng áp lực đối với lái xe rất lớn, không phải ai cũng chịu đựng được những áp lực này. Nhiều người không chịu nổi áp lực phải chuyển nghề hoặc lái những xe khác. Lái xe container khó, nhưng không khó bằng những áp lực vô hình: từ xe cũ nát đến tiến độ nhận giao hàng, đường sá, đối phó phương tiện công cộng khác và cuối cùng là giấc ngủ. Giấc ngủ của lái xe là giấc ngủ ngắt quãng, chỉ vài chục phút trong lúc xếp hàng hoặc lúc chờ đợi nên tôi thường xuyên thèm ngủ, chỉ mong có được một giấc ngủ sâu” - anh Khoa nói. Nhiều áp lực quá, vậy theo anh áp lực lớn nhất là gì? - Đó là xe cũ. Tôi từng đi một chiếc xe cũ được sản xuất từ năm 1993. Khi đó tôi mới lái xe container được một năm thì ký hợp đồng lái chiếc xe này. Chủ xe nói trả cho 20 triệu đồng/tháng (mức cao hơn mức trung bình của những lái xe khác) nên tôi nhận lời dù chủ xe cũng nói đó là chiếc xe container đã cũ. Tôi nghĩ nó cũ nhưng không thể tưởng tượng được nó cũ đến mức đó. Mình nhận lời rồi, nhận xe xong và đi trên đường mới thấy rằng đối với những chiếc xe này, không chỉ lái giỏi, xử lý giỏi những tình huống ở trên đường mà còn phải hiểu chiếc xe và xử lý cả những bộ phận đều đã rệu rã trên xe. Chiếc xe container già cỗi mà tôi lái đó, hôm ấy lên cầu, phía sau chở hàng đi thì nó dở chứng. Bị cả cái container nặng ở phía sau kéo lại, vậy nên cả chiếc đầu xe bị nhấc lên khỏi làn đường và ném sang bên kia. Lúc ấy rất may là không có chiếc xe nào chạy bên cạnh nên không có tai nạn đáng tiếc xảy ra. Sau lần ấy, tôi ngừng luôn không dám lái loại xe này nữa. Sau đó, sau khi kiểm tra các thắng, thấy một chỗ thắng đã hư, nhưng báo chủ xe thì chủ xe bảo ráng đi đi. Người ta nói ráng đi nghĩa là người ta coi thường mạng sống của nhiều người đi đường khác, người ta cũng không cần quan tâm đến người lái mà chỉ cần làm sao chiếc xe đó làm ra tiền. Tôi nghĩ làm thuê cũng phải biết giữ cho mình và giữ cho người chứ đâu thể vì vài chục triệu mà bất chấp tất cả! Chủ xe tận dụng mọi cơ hội cắt giảm chi phí liên quan. Ví như lái xe container phải có phụ xe, nhưng chủ xe không thuê mà trả thêm 3 triệu đồng để tài xế tự thuê phụ xe. 3 triệu đồng một tháng lương để dầm mưa dãi nắng, thức đêm thức hôm, xếp hàng chờ đợi thì có ai chịu đi làm. Nếu mình tự thuê phải “bao” họ ăn uống, như vậy mỗi tháng bị mất thêm 3 triệu tiền ăn, thu nhập của mình giảm đi. Nhiều người tiếc, nên không thuê phụ nữa mà mình tự làm. Tự làm thì cực lắm, nhất là những lúc xếp hàng ở cảng để lấy hàng, xe bị sự cố giữa đường hoặc ở những lúc cần phải có người hỗ trợ thì phải loay hoay một mình. Một mình càng khó khăn hơn, nếu xảy ra sự cố ngoài đường dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Người ta nói tài xế xe container không biết nhường trên đường? - Cơ sở hạ tầng của mình chưa đủ tốt, hoặc ít nhất là việc tổ chức ở nhiều nơi chưa chuẩn. Ví dụ tại một số cảng ở TP.HCM, việc xếp hàng vào cảng lấy hàng rất khó khăn mệt mỏi. Mỗi tài vào lấy hàng thì phải xếp hàng đưa giấy tờ chứng minh mình vào lấy hàng cho ai đó, do vậy, mỗi tài đến cửa đều phải nhảy xuống làm thủ tục thủ công... Ban ngày thì cảng đông, xếp hàng dài trước cổng, có người đi làm đêm cho đỡ đông, nhưng có khi tới thì đội xếp hàng vẫn còn ngủ. Vậy mình phải đi kiếm người ta. Tắc đường vào cảng là nỗi kinh hãi của những tài xế lái xe container, nhưng tắc đường ngoài quốc lộ còn hãi hùng hơn nhiều. Nếu không chen lên thì miếng cơm của mình bị hụt. Bản thân mình muốn xếp hàng theo đúng quy tắc, làm việc theo đúng quy định, nhưng nếu mình cứ chờ sự nề nếp sẽ bị đẩy xuống cuối hàng và không biết chừng nào mới lấy được hàng, mới đi được. Do vậy cũng phải bon chen với những người khác, ai nhích lên bao nhiêu, mình cũng nhích lên bấy nhiêu. Tắc đường mà không chen lên, chiếc xe sẽ chạy hết nhiều dầu hơn bình thường, mà dầu thì được khoán nên nồi cơm của mình sẽ bị vơi đi mấy chén. Không chen lên, chiếc xe chạy trễ, không đủ chuyến cho mỗi tháng, nồi cơm của mình mỗi tháng cũng hụt đi. Con cái mình sẽ đi học bằng gì... Vậy nên, nói hoài về chữ văn hóa giao thông nhưng nếu cái bụng đói thì khó có thể tự kiên nhẫn được. Còn trên đường, mỗi khi dừng đèn đỏ, các phương tiện khác như xe hơi, xe máy đều chen lên đứng cùng với xe container. Cabin của container rất cao, thường có vài điểm mù tài xế không thể nhìn thấy. Ví dụ như ngay phía dưới cửa phụ và đầu xe bên phải là điểm mà tài xế không thể nhìn thấy. Khi chờ đèn đỏ xe máy cũng chạy vô đó đứng, đèn xanh rồi mà họ còn loay hoay ở đó, xe container rẽ phải có thể gây ra tai nạn. Nguy cơ va chạm trên đường với các phương tiện khác cũng cao hơn, nguy hiểm hơn. Vậy nên lái một thời gian, đổi được bằng, tôi chuyển ngay. Rồi có ai gắn bó lâu dài với xe container không? - Cũng có, nhiều người năm sáu chục tuổi rồi vẫn lái xe container, do họ ký được hợp đồng với công ty và có xe mới để chạy thì có thể làm bền với nghề. Hoặc cũng có thể do áp lực chi tiêu mà không thể thay đổi được. 20 triệu đồng/tháng đâu có ít, nếu nghỉ không thể kiếm đâu ra tiền trang trải cho gia đình nên phải ráng mà làm. Vất vả rồi cũng phải quen. Quen áp lực, chen lấn cũng phải quen. Khi quen với cực khổ rồi thì mọi thứ trở thành bình thường. Không có lựa chọn thì buộc phải làm để đảm bảo miếng cơm manh áo cho gia đình. Chuyển sang lái xe khách đường dài, áp lực của người tài xế có giảm đi không? - Giảm nhiều chứ, tôi nhận mức lương bằng 1/3 so với lái xe container. Tôi làm với công ty du lịch. Một tuần tôi chỉ còn phải lái xe đưa khách du lịch đi tỉnh khoảng 2-3 chuyến, thường đi vào cuối tuần. Những ngày không phải lái xe vẫn lên công ty làm việc. Hết giờ hành chính về đón con, phụ vợ chăm sóc nhà cửa. Vợ làm công nhân nên thu nhập hai vợ chồng không cao. Nhưng bù lại tôi có thời gian chăm con. Tôi nghĩ xài ít đi một chút cũng không có sao, cuối cùng cũng chỉ là ăn cho no bụng mà mình vui và hạnh phúc là tốt rồi. Từ ngày chuyển việc, bớt hẳn áp lực, tôi bớt hẳn bức xúc và cáu bẳn. Tôi đã có những giấc ngủ tròn mà tôi hằng mong khi lái xe container.■ Với nhiều người, ra đường tốt nhất nên né xe container. Ảnh: Quang Định Vì sao nhiều tài xế xe container khi vào ngã tư, ngã ba thường bất chấp xe khác, cứ giữ tốc độ mà đi thản nhiên? Khi chở hàng nặng trên đường tài xế xe container ngại thắng bởi đềpa lại rất khó khăn, do đó vào khúc cua hẹp hoặc ngã ba cần giảm tốc độ họ thường không thắng mà giữ tốc độ cho xe tiến lên. Nếu những tài xế xe khác cũng giành đường với xe container sẽ dễ gây ra tình huống nguy hiểm. Riết rồi thấy xe container người ta tránh đi cho rồi, bởi va chạm thì xe nhỏ sẽ bị thiệt hại nhiều hơn mà toàn thiệt hại lớn. Cánh tài xế đều hiểu việc cố giành đường vì ngại thắng dẫn đến nhiều nguy cơ và gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Hoặc, lúc xe cần rẽ trái tài xế không quan sát hết được mà phương tiện khác không cảnh báo dễ dẫn đến va chạm và lấn đường với phương tiện cùng chiều lưu thông. Ngoài ra, cũng có nhiều nguy cơ do chính đặc điểm đặc thù của xe container đó chính là khoảng cách giữa các xe. Thông thường các xe chạy cách nhau ít nhất 5m nhưng có khi tài xế xe container giữ khoảng cách với xe trước chỉ 2m. Nếu có sự cố xảy ra xe trước thắng lại, xe sau không kịp thắng cũng dẫn đến tai nạn. Vậy nên anh em tài xế vẫn nói với nhau dù người ta gọi xe container là hung thần xa lộ nhưng thực tế cái xe đó nó không phải hung thần. Hung thần hay không tùy thuộc vào thái độ và đạo đức của người chạy xe, có tâm thì không thể trở thành hung thần đường phố. Nên anh em lái xe vẫn bảo nhau ráng kiểm tra xe và cẩn trọng khi chạy xe, coi sự an toàn của các phương tiện khác cũng như người nhà mình để không là hung thần trên đường. Đạo đức ấy thì phải học và luyện tập chứ không thể tự nhiên mà có được, nhất là đối với những người trẻ. Tags: Tài xế containerVăn hóa đi lạiHung thần xa lộ
Hành trình xuyên rừng tìm kiếm chiếc máy bay Yak-130 bị rơi TRUNG TÂN 09/11/2024 Xác chiếc máy bay Yak-130 được tìm thấy sau 2 ngày gặp nạn nhờ các nguồn tin báo và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng Đắk Lắk.
Vì sao bão Yinxing rất mạnh trên Biển Đông nhưng lại suy yếu nhanh khi vào gần Việt Nam? CHÍ TUỆ 09/11/2024 Không khí lạnh, độ ẩm thấp và nhiệt độ mặt nước biển không cao khiến bão số 7 (Yinxing) có nhiều khả năng suy yếu nhanh khi đi vào gần đất liền Việt Nam.
Xử lý tài sản vụ án ngành y tế, máy móc 'không có tội' nhưng bị niêm phong rất lãng phí TIẾN LONG 09/11/2024 Tài sản là máy móc, trang thiết bị trong vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai 'không có tội' nhưng khi xảy ra vụ án, hệ thống máy để đấy, không hoạt động rất lãng phí.
Khai hội Việt Nam xanh, bắt đầu hai ngày tràn ngập hoạt động thú vị NGỌC HIỂN 09/11/2024 Ngày hội Việt Nam Xanh chính thức khai hội tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP.HCM).