TTCT - Cần hạn chế bắn pháo hoa hoặc sử dụng loại pháo hoa ít tiếng ồn để giảm ô nhiễm không khí, giảm căng thẳng cho vật nuôi và động vật hoang dã. Cần thêm pháo hoa xanh theo nghĩa đen. Ảnh: IQAir Tương tự , một hoạt động chào mừng, kỷ niệm long trọng khác của con người là bắn pháo hoa cũng ảnh hưởng đến môi trường, từ chất lượng không khí đến đời sống động vật hoang dã.Ngày 1-7, cộng tác viên tờ New York Times Margaret Renkl lên bài kêu gọi: Hãy mừng ngày 4 tháng 7 (tức Quốc khánh Mỹ) mà không cần tới pháo bông. Dù Renkl đưa ra nhiều lý lẽ có chứng cứ rõ ràng, ai cũng hiểu không vì một bài báo mà các chương trình thắp sáng bầu trời rực rỡ đã lên kế hoạch từ trước phải hoãn lại.Sau các màn trình diễn ánh sáng lộng lẫy của pháo hoa đêm quốc khánh, đã có những báo cáo đầu tiên về ảnh hưởng của nó, không có gì làm bất ngờ. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian ngắn từ nửa đêm ngày 4 sang rạng sáng 5-7, Detroit (bang Michigan) đã tạm chiếm ngôi đầu trên bảng xếp hạng thành phố có không khí ô nhiễm nhất thế giới theo dữ liệu của IQAir."Sau vô số màn bắn pháo hoa ... bầu trời trở nên mờ mịt, không khí đầy khói và thành phố chúng ta hiện là nơi ô nhiễm nhất cả nước" - Detroit Metro Times tường thuật. Tờ báo địa phương nói thêm "chất lượng không khí sẽ cải thiện trong vài ngày tới", tức sau khi các hoạt động lễ lạt kết thúc.Đây không phải chuyện của riêng Detroit hay nước Mỹ, nơi doanh số bán pháo hoa đạt 2,3 tỉ USD hồi năm ngoái. Từ lâu và khắp nơi, đã có lời kêu gọi tìm cách thức mới để kỷ niệm lễ lạt thay cho pháo hoa. Việc đơn giản và có thể làm ngay là hạn chế bắn pháo hoa hoặc sử dụng loại pháo hoa ít tiếng ồn để giảm ô nhiễm không khí, giảm căng thẳng cho vật nuôi và động vật hoang dã.Ác mộng của muông thúTrong bài viết "Pháo hoa thế đủ rồi", Renkl cho biết suốt 15 năm qua, 4-7 là ngày kinh hoàng với con chó Clark nhà bà, dù nó to cao, nặng tới 31kg và được lai với giống chó hound-shepherd thường được nuôi để giúp việc ở nông trại hay làm chó cảnh sát. Cứ đến "đêm hội" là Renkl phải đưa Clark trốn trong nhà vệ sinh không cửa sổ để tránh xa tiếng nổ. Có nơi trú ẩn, Clark vẫn rất thảm hại, miệng nó chảy dãi và toàn thân run rẩy. Những gia đình có chó khác cũng có trải nghiệm tương tự Renkl. Chó của họ sợ tiếng nổ lớn khi pháo hoa được bắn lên, bỏ chạy bạt mạng rồi bị lạc rất xa nhà, thậm chí lao vào xe hơi.Người chủ có thể quan sát những biểu hiện khủng hoảng của thú nuôi nhưng đa số mọi người không ai biết những âm thanh đùng đoàng do bắn pháo hoa tác động thế nào đến động vật hoang dã. Trang earth.org gọi các sự kiện bắn pháo hoa là "màn trình diễn kinh dị" với muông thú.Một nghiên cứu sử dụng thiết bị theo dõi GPS thực hiện ở Đức, Đan Mạch và Hà Lan cho thấy pháo hoa đã dọa sợ đàn ngỗng di cư trong đêm giao thừa. Những con ngỗng hốt hoảng bay khỏi nơi chúng ngủ trong đêm và không bao giờ quay trở lại.Ảnh: SlateTương tự, nghiên cứu của Viện đa dạng sinh học (Đại học Amsterdam) cho thấy trong đêm giao thừa có pháo hoa, số chim đang trú đông giật mình phải táo tác bay lên tăng trung bình gấp 1.000 lần so với những đêm khác (cao điểm là gấp từ 10.000 đến 100.000 lần). Cụ thể, tại các khu vực nghiên cứu quanh radar thời tiết ở Den Helder và Herwijnen, gần 400.000 con chim táo tác bay ngay sau bắt đầu bắn pháo hoa.Những loài chim lớn, sống ở những khu vực trống trải như ngỗng, vịt và mòng biển đã bay hàng giờ sau đó ở độ cao bất thường (khoảng 500m), khiến chúng tốn nhiều năng lượng. Bay giữa mùa đông có nguy cơ khiến chúng gặp thời tiết xấu hoặc mất phương hướng, do hoảng loạn bởi tiếng nổ lớn và ánh sáng chói. "Lý tưởng nhất là đảm bảo các loài chim càng ít bị quấy rầy càng tốt trong những tháng mùa đông" - nhóm nghiên cứu khuyến cáo và kêu gọi hạn chế việc bắn pháo hoa trên trang naturetoday.com.So với con người, các loài động vật nhạy cảm hơn với tiếng ồn tần số cao. Những âm thanh này dễ khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy, bỏ con non hoặc gián đoạn hành vi sinh sản và kiếm ăn của động vật hoang dã.Hiệp hội Hoàng gia chống ngược đãi động vật (RSPCA) ở Anh lưu ý rằng những tiếng động lớn từ các sự kiện bắn pháo hoa "là bất ngờ và nằm ngoài tầm kiểm soát của động vật" và kêu gọi con người đừng vì niềm vui riêng mình mà gây hại cho thiên nhiên.Tác nhân ô nhiễmPháo hoa cũng gây ô nhiễm đất và hệ sinh thái do thành phần hóa học của chúng. Thành phần cơ bản tất cả pháo hoa đều có bột đen hay còn gọi là thuốc súng. Khi bột đen - hỗn hợp gồm 75% kali nitrat, 15% than củi và 10% lưu huỳnh - được đặt bên trong vỏ và đốt cháy bằng dây ngòi dẫn cháy, một phản ứng hóa học xuất hiện, tạo ra một vụ nổ to, tỏa nhiệt nóng trong không khí.Từ xưa người ta đã biết trộn các nguyên tố khoáng với bột đen để tạo màu. Chẳng hạn, thêm strontium (Sr) một kim loại kiềm thổ sẽ tạo ra màu đỏ, thêm sodium sẽ tạo ra màu vàng và barium tạo ra màu xanh lá cây. Các màu khác, như màu cam, đòi hỏi phải kết hợp strontium và natri, màu tím cần kết hợp strontium và đồng.Các hóa chất bổ sung, như carbon, lưu huỳnh, nhôm và mangan, được thêm vào hỗn hợp có chức năng như chất ổn định, chất oxy hóa và tạo màu. Kỹ thuật viên cũng có thể thêm các hợp chất bổ sung như kali clorat để làm chậm tiếng nổ, hoặc bismuth (Bi), để tạo ra tiếng tanh tách rôm rả.Toàn bộ quá trình phức tạp để tạo ra pháo hoa xứng đáng với hiệu ứng thị giác phi thường chúng mang lại, nhưng đốt một lượng lớn pháo hoa cũng khiến nồng độ các chất ô nhiễm khí, bụi và các chất độc hại tăng nhanh trong thời gian ngắn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người và sự an toàn của động vật.Perchlorate - một hợp chất hóa học, hoạt động như chất oxy hóa tạo điều kiện cho lực đẩy lên không của pháo hoa - có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Sau khi được bắn ra, các vật liệu rơi xuống đất có lẫn perchlorate. Hóa chất này sẽ tồn tại trong môi trường trong thời gian dài, gây ô nhiễm đất, nước và được hệ thực vật xung quanh hấp thu và ảnh hưởng đến sự phát triển của cá.Người dân xem bắn pháo hoa ngày 4-7 bên sông Hudson ở New York ngày 4-7-2024 - Ảnh: REUTERSCác nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Cơ quan Công viên quốc gia đã nghiên cứu nồng độ perchlorate liên quan đến pháo hoa trong đất, tầng nước mặt và nước ngầm tại đài tưởng niệm quốc gia núi Rushmore ở Mỹ. Họ phát hiện perchlorate có trong đất nơi diễn ra bắn pháo hoa và nơi các mảnh vụn đọng lại. Nồng độ của chất này cũng tăng lên trên nước mặt và trong nước ngầm do các hoạt động bắn pháo hoa trước đây.Ngoài bụi bặm, bắn pháo hoa còn làm tăng nồng độ các khí độc hại như carbon monoxide (khí cản trở khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể của sinh vật sống) và oxit nitric (độc hại với người hít phải hay hấp thụ qua da). Các nhà nghiên cứu thấy rằng khi bắn pháo hoa ở trung tâm thành phố Minneapolis, bang Minnesota, nồng độ carbon monoxide trong không khí tăng 32%, carbon dioxide tăng 17% và oxit nitric dao động một chút rồi "tăng gấp đôi sau một đêm".Nếu không thể có "pháo hoa xanh"Phải nói ngay rằng cho tới hiện nay, chưa thể có pháo hoa "xanh", không hại môi trường. Các nhà sản xuất chỉ có thể cố gắng giảm càng nhiều càng tốt nồng độ các chất ô nhiễm không khí như kể trên thải ra môi trường sau mỗi lần "chíu chíu bụp bụp".Theo tạp chí Science Focus, đã có cái gọi là pháo hoa thân thiện môi trường - dùng nhiên liệu đốt sạch, dựa trên nitơ. Chúng không chứa perchlorate, và chỉ cần một lượng nhỏ muối kim loại để tạo ra ngọn lửa có màu sắc rực rỡ, đồng thời ít khói hơn.Nhiều thành phố trên thế giới như Ottawa, Canada đã thay pháo hoa truyền thống bằng các màn bắn pháo hoa ít tiếng ồn và ở độ cao thấp để bảo vệ động vật hoang dã mà vẫn đạt được hiệu ứng rực rỡ và hoành tráng.Màn trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái Huyền thoại Long môn cực kỳ hấp vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn ở Singapore - Ảnh: Marina Bay SandsNhưng đó mới là ô nhiễm tiếng ồn, còn phát thải thì sao? Trong một bài báo công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology tháng 3-2021, các nhà nghiên cứu từ Trung Quốc cho biết dù các sản phẩm này có mức độ phát thải PM2.5 thấp hơn pháo hoa thông thường, chúng vẫn làm giảm chất lượng không khí đáng kể.Cụ thể, khi xem xét 160.000 viên pháo hoa thân thiện môi trường được bắn nhân Quốc khánh Trung Quốc ở Thâm Quyến năm 2019, nhóm nghiên cứu nhận thấy chúng để lại chùm khói nhỏ và chóng tan hơn pháo hoa thường, mức độ phát thải PM2.5 cũng thấp hơn từ 16-65%. Tuy nhiên, mật độ PM2.5 cao nhất của pháo hoa thân thiện môi trường vẫn vượt quá chuẩn an toàn (15µg/m3 trong vòng 24 tiếng) theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.Nói chung nỗ lực tìm pháo hoa xanh cho tới giờ phải nói là rất khó. Năm 2020, Georg Alef, chuyên gia công nghệ pháo hoa từ nhà sản xuất Weco (Đức), từng nói thẳng với Đài DW: "Khó có thể đưa tất cả các thành phần thân thiện môi trường vào sản phẩm… và nếu muốn phát thải bằng 0, cách duy nhất là dẹp hẳn chuyện pháo bông".Lựa chọn này có vẻ ổn hơn đi tìm pháo hoa xanh. Mỗi năm, khoảng 50.000 tấn pháo hoa, trị giá khoảng 128 triệu USD, được mang ra đốt trong lễ hội Ánh sáng Diwali ở Ấn Độ, theo NPR. Trong vòng một tuần, khi người người, nhà nhà đốt pháo hoa, không khí các thành phố như đặc quánh với lớp khói mù độc hại. Bụi mịn kết hợp với các chất rắn và lỏng cực nhỏ có trong không khí che khuất tầm nhìn và ảnh hưởng đến hô hấp, sức khỏe tim, phổi của người dân. Lượng bụi mịn trong không khí tăng tới 35 lần vào những ngày lễ có pháo hoa so với ngày thường ở Ấn Độ. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Bắn pháo hoaÔ nhiễm không khíĐa dạng sinh họcViệt Nam xanhBảo vệ động vật hoang dã
Giám đốc Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Sáng 25-11, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.