06/02/2013 07:25 GMT+7

Mong ước đêm giao thừa

 NHÓM PV - CTV
 NHÓM PV - CTV

TT - Khoảnh khắc giao thừa là thời khắc của những ước nguyện tốt lành cho năm mới. Giao thừa năm nay cũng sẽ có nhiều lời cầu mong những đổi thay tích cực để cuộc sống từng người dân an lành và sung túc hơn.

MdfHHUHr.jpgPhóng to

Một người đàn ông vui sướng khi ngắm nhìn lại cành đào mà mình vừa mua trên phố chuẩn bị đón tết - Ảnh: Nguyễn Khánh

* Ông Huỳnh Thành Lập (ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM):

Mong khiếu nại của người dân giảm đi

Đây là ước mơ lớn nhất của những ai đang giữ trọng trách là một đại biểu dân cử. Mong cho việc giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân sẽ được các cơ quan có chức năng giải quyết một cách nhanh chóng, triệt để, tích cực, không để tồn đọng năm này qua năm khác. Đặc biệt là các vụ khiếu nại kéo dài sẽ sớm được giải quyết có tình có lý, không còn tình trạng tránh né, vô cảm trước nỗi khổ của người dân và làm giảm sút vai trò giám sát của các cơ quan dân cử.

Mong ước này không chỉ là tình cảm, sự chia sẻ với người dân mà còn là mong ước về sự thượng tôn pháp luật, khi nghĩa vụ giải quyết đúng hạn 100% những khiếu nại của người dân đã được Quốc hội đưa vào nghị quyết.

* Đạo diễn Tường Phương:

Nâng tính giáo dục, thẩm mỹ

Uớc mong đầu tiên của tôi là về sự thay đổi của nền giáo dục nước nhà. Là một người làm phim, đồng thời là một nhà giáo, tôi ước chúng ta sẽ có cách tiếp cận, quan điểm tiếp cận và triết lý giáo dục mới, phù hợp với sự phát triển của nền giáo dục hiện đại thế giới để có thể đào tạo những lớp công dân mới vừa nhân ái vừa tôn trọng thực học và có tài năng lẫn nhân cách. Điều ước thứ hai dành cho nỗi ưu tư của tôi về văn hóa trong xã hội. Từ những điều đơn giản nhất trong văn hóa giao tiếp như cảm ơn, xin lỗi đến tình yêu và sự trân trọng văn hóa truyền thống, các giá trị cội nguồn và sự nâng tầm thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật của công chúng. Tôi ước mong sao những nhà tổ chức chương trình, những người làm nghệ thuật luôn chú trọng đến tính giáo dục, tính thẩm mỹ và đặc biệt là tính nhân văn trong từng chương trình để người thưởng thức có thể nhận được nhiều giá trị chứ không chỉ là những hời hợt hào nhoáng bề ngoài.

* Ông Nguyễn Viết Đô (70 tuổi, ở P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng):

Du khách đến nhiều hơn

Mới đó mà đã mấy chục năm tôi đạp xích lô dọc con đường ven sông Hàn kiếm sống, nuôi con. Ngày cuối năm ngồi ngẫm lại thấy mình già rồi, sức khỏe đã yếu dần, mỗi cuốc xích lô giờ cũng nặng nhọc hơn trước. Tôi chỉ mong thành phố ngày càng bình yên, an ninh đảm bảo, trộm cướp ít đi, môi trường sạch đẹp hơn để khách du lịch đến thành phố đông đúc thì những người đạp xích lô mới có cơ hội làm ăn. Ước sao sang năm mới, sức khỏe tôi vẫn tốt để bánh xe xích lô lăn đều đặn mỗi ngày trên phố, kiếm được đồng tiền nuôi gia đình, tích cóp được ít dành khi tuổi già ốm đau.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

*

Bé Huỳnh Định (6 tuổi, quê TP.Rạch Giá, Kiên Giang) bị bệnh bạch cầu cấp, đang được bà ngoại chăm sóc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM)

Con muốn hết bệnh

Tháng nào con với bà ngoại cũng lên đây nằm, buồn lắm. Con muốn hết bệnh để về nhà đi chơi tết và được lì xì. Con cũng muốn đi học để biết chữ, biết viết tên con và tên anh hai. Con cũng cầu cho ngoại với mẹ khỏe thiệt khỏe. Ba con thì lâu lắm rồi không thấy về với mẹ con con, con cũng nhớ ba, mong ba về với con nữa.

* Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Rắn bắt chuột

Tôi mong ước năm 2013 Quý Tỵ, tức là năm con rắn, đất nước chúng ta sẽ trên dưới một lòng, đoàn kết, mạnh mẽ, có sách lược đúng đắn để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình ở biển Đông. Rắn là con vật khắc tinh với chuột, mà chuột bọ là hình ảnh của bọn tham nhũng, tôi mong rằng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ hành động quyết liệt, có hiệu quả, để năm con rắn này chúng ta tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến đấu với nạn tham nhũng. Rắn sẽ bắt hết lũ chuột phá hoại đất nước.

* Bác sĩ Ngô Thành Ý (chuyên khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhân dân 115):

Giảm tai nạn từ rượu bia

Năm nay là năm thứ tư tôi được phân công trực giao thừa. Chúng tôi luôn ước sao có một đêm giao thừa và một năm bình yên, không có nhiều bệnh nhân ốm đau, tai nạn. Năm mới sắp đến, điều mong mỏi lớn nhất của tôi là làm sao cho người bệnh mau chóng bình phục để được về sum họp với gia đình. Trong dịp tết, cũng mong mọi người hạn chế uống rượu bia, và đã uống rượu bia thì không nên lái xe vì sẽ không an toàn.

* Đại úy Nguyễn Xuân Linh (cán bộ đội cảnh sát trật tự 113, Công an quận 6, TP.HCM):

An toàn cho người dân

35 năm nay, từ khi làm cán bộ đội cảnh sát trật tự cơ động Công an quận 6, giao thừa nào tôi cũng cùng đồng đội trực ở đơn vị, xử lý tai nạn hoặc các vụ gây rối ngoài đường. Năm nay tôi chuyển công tác qua đội cảnh sát trật tự 113, tập trung mũi nhọn trấn áp tội phạm để người dân đón tết an lành. Nhiệm vụ mới phức tạp hơn, tôi chẳng ước mong nào hơn ngoài sự an toàn vui vầy cho người dân, như vậy nhiệm vụ của chúng tôi cũng trọn vẹn.

* Trần Đại Long (Nhân viên tín dụng, Ngân hàng Đông Á, chi nhánh Tiền Giang)

Thưởng tết năm tới sẽ vui hơn

Mong ước này có lẽ chưa năm nào thực tế hơn như dịp tết này khi nhiều cơ quan giảm thưởng tết, thậm chí cắt thưởng Tết, làm đời sống người lao động khó khăn hơn, đón tết đạm bạc hơn. Mong ước này, nhìn xa hơn là mong cho suốt một năm sắp tới, bởi thưởng tết chính là thước đo cho suốt một năm làm ăn.

Có làm một người lao động xa quê, càng thấm thía hơn ý nghĩa của những khoản tiền tết – khoản tiền chắt chiu từ lao động cả năm, khoản tiền với bao dự định, khấp khởi của không chỉ riêng mỗi người lao động. Trong những người tần ngần hay đã quyết tâm “xuân này con không về” ấy có cả những bạn bè tôi, họ ở lại vì thu nhập cả năm không cao, thưởng tết lại eo hẹp. Vì thế mong sao thưởng tết những năm sau sẽ đủ mang niềm vui tết trọn vẹn đến mọi người.

* Nguyễn Thành Luân (công nhân thu gom rác P.10, Q.Gò Vấp)

Mong công việc ổn định

Đêm giao thừa, ai cũng mặc quần áo đẹp để chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao năm mới, còn tôi vẫn phải đi từng nhà để thu rác, có khi phải hơn 21g mới xong. Cũng thấy buồn lắm, vì mình đón giao thừa với xung quanh toàn rác với rác. Nhưng nhà tôi khó khăn, phải chịu thôi chứ biết sao! Tôi chỉ mong sao ba mẹ, anh chị em sang năm mới được nhiều sức khỏe. Bản thân tôi cũng mong, năm mới mọi thứ đều mới mẻ, công việc làm được ổn định để dành chút vốn cưới vợ.

* Lê Phước Lâm (sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM)

Ở quê, ba mẹ được mạnh khỏe

Bạn bè nhiều người đã về quê ăn Tết, còn tôi vì không có điều kiện nên phải ở lại làm tiếp tân khách sạn kiếm chút tiền. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ và em gái lắm! Nghĩ cũng thấy tủi, mẹ tôi cứ gọi điện hỏi thăm hoài. Năm nay tôi không về được, chị gái thì phải mùng 3 tết mới về. Lúc sáng mẹ tôi từ Quảng Trị gọi vào nói năm nay nhà mình cúng tất niên mà không có đứa mô về hết, không ai gói bánh chưng cho mẹ cúng ông bà. Nghe giọng mẹ trong điện thoại mà nước mắt cứ tự nhiên trào ra. Năm mới cũng chỉ mong một điều duy nhất, ở quê ba mẹ được mạnh khoẻ, mong em mình sang năm thi đậu đại học.

* Thiếu tá Nguyễn Xuân Giáp (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 31, Sư đoàn bộ binh 309, Quân Đoàn 4 - Đồng Nai):

Các con sẽ hiểu cho bố

Thời khắc chuyển giao năm mới, dù không bên cạnh vợ và hai con nhưng tình đồng chí đồng đội trong đơn vị cũng giúp chúng tôi thấy ấm lòng. Nhớ lắm chứ! Con người mà, ai chẳng có phút yếu lòng, hai con lại còn quá nhỏ. Nhưng là người lính phải chấp nhận hy sinh việc riêng để làm tròn nhiệm vụ. Tôi chỉ mong các con hiểu và thông cảm cho tôi vì là bố mà không ở bên các con được trong giờ phút giao thừa của năm, khi các con rất cần bố sum vầy với gia đình.

* Ngư dân Phạm Lớn (P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên):

Mong có đội tàu bám biển dài ngày

Sáng 25 tháng chạp (ngày 5-2) tàu tôi trở về sau chuyến đánh bắt gần một tháng ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và trúng được hơn 40 con cá ngừ đại dương, chia nhau mỗi anh em cũng được khoảng 10 triệu đồng tiêu tết.

Trong đêm giao thừa, tôi sẽ cầu mong năm mới đất nước an bình, giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân chúng tôi tiếp tục bám biển làm ăn và giữ biển cho muôn đời sau. Tôi cũng mong muốn Nhà nước đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hiện đại hóa tàu cá đánh bắt khơi xa, để nước mình sớm có một đội tàu xa bờ có công suất lớn, đủ sức bám biển dài ngày, tăng giá trị kinh tế cho từng chuyến đánh bắt.

* Ông Nguyễn Phát Lập (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang):

Trồng, nuôi cái gì cũng có lãi

Ở huyện tôi lúa mới trổ đòng, hiện nay giá lúa chỉ 4.300 đồng/kg, cầm chắc lỗ nặng. Tôi cũng có nuôi cá tra xuất khẩu, giá cá tụt thê thảm mà chẳng thấy doanh nghiệp mua đành bán cho thương lái tiêu thụ ở chợ nội địa chỉ 20.000 đồng/kg.

Gần đây các chi phí sản xuất đều tăng cao, giá lúa dưới 5.000 đồng/kg thì khó có lãi. Năm rồi có chủ trương mua tạm trữ giá từ 5.000 đồng/kg nhưng chỉ nghe nói thôi, chứ chẳng thấy doanh nghiệp mua, người trồng lúa phải bán lúa tươi thông qua thương lái. Con cá tra cũng vậy, từ năm 2008 tới nay qua nhiều vụ thua lỗ, người nuôi dần hết sạch vốn liếng, lần lượt bỏ nghề.

Giao thừa tới đây như bao năm qua, nông dân chúng tôi mong ước và nguyện cầu sao cho giá lúa từ 5.000 đồng/kg, cá tra dễ tiêu thụ, bán có lãi.

* Ngư dân Phạm Lớn (P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên):

Mong có đội tàu bám biển dài ngày

Sáng 25 tháng chạp (ngày 5-2) tàu tôi trở về sau chuyến đánh bắt gần một tháng ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và trúng được hơn 40 con cá ngừ đại dương, chia nhau mỗi anh em cũng được khoảng 10 triệu đồng tiêu tết.

Trong đêm giao thừa, tôi sẽ cầu mong năm mới đất nước an bình, giữ vững chủ quyền biển đảo, để ngư dân chúng tôi tiếp tục bám biển làm ăn và giữ biển cho muôn đời sau. Tôi cũng mong muốn Nhà nước đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hiện đại hóa tàu cá đánh bắt khơi xa, để nước mình sớm có một đội tàu xa bờ có công suất lớn, đủ sức bám biển dài ngày, tăng giá trị kinh tế cho từng chuyến đánh bắt.

* Ông Nguyễn Phát Lập (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang):

Trồng, nuôi cái gì cũng có lãi

Ở huyện tôi lúa mới trổ đòng, hiện nay giá lúa chỉ 4.300 đồng/kg, cầm chắc lỗ nặng. Tôi cũng có nuôi cá tra xuất khẩu, giá cá tụt thê thảm mà chẳng thấy doanh nghiệp mua đành bán cho thương lái tiêu thụ ở chợ nội địa chỉ 20.000 đồng/kg.

Gần đây các chi phí sản xuất đều tăng cao, giá lúa dưới 5.000 đồng/kg thì khó có lãi. Năm rồi có chủ trương mua tạm trữ giá từ 5.000 đồng/kg nhưng chỉ nghe nói thôi, chứ chẳng thấy doanh nghiệp mua, người trồng lúa phải bán lúa tươi thông qua thương lái. Con cá tra cũng vậy, từ năm 2008 tới nay qua nhiều vụ thua lỗ, người nuôi dần hết sạch vốn liếng, lần lượt bỏ nghề.

Giao thừa tới đây như bao năm qua, nông dân chúng tôi mong ước và nguyện cầu sao cho giá lúa từ 5.000 đồng/kg, cá tra dễ tiêu thụ, bán có lãi.

NHÓM PV - CTV

 NHÓM PV - CTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên