Phóng to |
Hình thức nhiều phim ngắn kết hợp thành một phim dài còn khá lạ lẫm và mới mẻ với đa số khán giả Việt. Thế nên, với hơn 90 phút cho bảy câu chuyện (Thơ, Thực và mộng, Trăng huyết, Thuyền, Thức, Tặng phẩm, Thời gian), sự tò mò là yếu tố đáng kể giữ chân được đa số người có mặt trong buổi ra mắt phim.
Lấy cảm hứng từ những truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc như Trăng huyết, Sắc, Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ, Gói Cẩm Lệ, Hai bên núi ảnh... Ngọc Viễn Đông kể những câu chuyện dường như riêng lẻ nhưng tổng thể như một câu chuyện về nhiều phần đời khác nhau trong đời một người đàn bà.
Đó cũng là những thân phận đàn bà chênh vênh trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Là thuở ấu thơ, là tri kỷ tâm giao thực mộng, là ranh giới mong manh của bản năng, là hạnh ngộ sắc - không, là tỉnh thức cô đơn sau giấc ngủ tưởng chừng viên mãn, là tặng phẩm cho - nhận và ám ảnh thời gian...
Bảy món trong một bữa ăn như Ngọc Viễn Đông có món ngon, món vừa và có món thì thực khách ăn mà nhăn mặt bằng những... tràng cười. Thuyền là một món như thế, tham vọng kể một câu chuyện mang triết lý Phật giáo của sắc không, thấy mà không thấy nhưng Thuyền chỉ làm được việc minh họa vụng về và khiên cưỡng với những câu thoại ngô nghê và một nhan sắc (tên là Sắc - Trương Ngọc Ánh thủ vai) đi lại rất... vô hồn.
Không hẳn “vừa miệng” mọi người, Trăng huyết là một món lạ với đôi trai gái lẻ loi (Ngô Thanh Vân và nam diễn viên người Đức gốc Thái Kris Duangphung thủ vai) trên hoang đảo vừa đẹp đẽ đầy cám dỗ bản năng, vừa xa cách đến khó hiểu để rồi mở ra cái kết bất ngờ.
Nửa sau của phim, nghĩa là chùm ba phim cuối, Ngọc Viễn Đông giữ được sự mơ màng mộng tưởng khá tốt bởi giữ nhịp cho cảm giác này là ba diễn viên gạo cội: Như Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Ngọc và Kiều Chinh. Nếu như đằng sau câu chuyện của một người đàn bà giữa hai người đàn ông (người có mặt và người chỉ được nhắc đến) trong Tặng phẩm, Như Quỳnh với gương mặt điện ảnh trời phú đã luôn khiến khán giả phải âu lo như đọc được những thông điệp vô hình đầy bất an, thì Kiều Chinh lại chia sẻ với khán giả những tiếc nuối của hào quang đã mất theo thời gian. Có lẽ bởi câu chuyện ấy dường như là của chính Kiều Chinh, một diễn viên nổi tiếng, tài sắc nay đã ở cuối con dốc cuộc đời.
Và tác giả của tất cả những câu chuyện trên - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc - đã tự mình vào một vai trong phần Thức. Phần thoại của Thức có lẽ là phần thú vị nhất nếu so với thoại ở các phim khác, nhưng nếu gán cho Thức thông điệp rằng người đàn bà thành đạt biết bắn chết mộng tưởng của mình về hạnh phúc (bắn mũi tên cháy chiếc áo cưới) mà không biết nắm mũi tên tình yêu thì dường như lại hơi gượng ép.
Chọn thời điểm ra mắt vào Ngày quốc tế phụ nữ 8-3, Ngọc Viễn Đông xứng đáng là một tác phẩm ngợi ca cái đẹp của phụ nữ dù rằng như nhiều ý kiến của người xem sau buổi chiếu: cái đẹp này là cái đẹp của postcard (bưu thiếp), của video clip...
Điểm cộng cho Ngọc Viễn Đông là ở ngôn ngữ điện ảnh đầy duy mỹ. Hình ảnh người phụ nữ từ nhỏ đến lớn, trưởng thành và ngay cả khi đã xế bóng trong Ngọc Viễn Đông luôn hiện ra đẹp đẽ trong những bối cảnh đẹp đến bất ngờ cùng những khuôn hình vừa sạch sẽ, vừa chỉn chu, vừa đầy tính mỹ thuật.
Những cảm xúc chưa được tròn đầy, xem xong phim khán giả thấy hụt hẫng như phải cố nhặt những mảnh rời rạc để gắng chắp lại thành một bức vẽ, nhưng cố gắng ấy lại chính là ám ảnh để lại những dư âm không dễ nhanh phai...
Đạo diễn Cường Ngô: Phụ nữ Việt rất đẹp Đúng là khi chia sẻ cảm xúc có vẻ như khá riêng tư thông qua các bộ phim thì sự đón nhận của khán giả sẽ rất khó đoán trước. Tôi chỉ muốn nói rằng Ngọc Viễn Đông với tôi giống như những bài thơ, nó hơi lơ đãng nhưng cũng thấm đẫm tinh thần Phật giáo. Ngôn ngữ điện ảnh tôi thể hiện cũng là ngôn ngữ thơ. Khi làm việc với kịch bản, tôi đã biết chính xác ai sẽ là nhân vật của mình trong mỗi phim (các diễn viên đều không nhận thù lao - PV). Trong mắt tôi, Việt Nam, phụ nữ Việt rất đẹp, nơi nào cũng đẹp. Nhưng khi tôi chọn vào trong phim thì cái đẹp ấy được nhìn qua lăng kính của tôi, mà ước mơ của tôi luôn là được nhìn cái đẹp một cách hoàn mỹ. Bảy câu chuyện, Thơ là câu chuyện gần gũi nhất, như là ký ức của chính tôi vậy, còn những câu chuyện khác tôi đã phải làm việc rất kỹ với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng như với từng diễn viên để cảm nhận được câu chuyện... C.K. ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận