Sáng 23-8, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi gặp các chuyên gia, cộng tác viên gắn bó thân thiết với báo tại Hà Nội.
Phát biểu mở đầu, nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà, trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, cho hay buổi gặp mặt là dịp Tuổi Trẻ kỷ niệm 49 năm thành lập (2-9-1975 - 2-9-2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập báo vào năm 2025.
Buổi gặp mặt được tổ chức tại Hà Nội năm 2024 cũng là năm kỷ niệm tròn 30 năm thành lập văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội.
Nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà nêu rõ sự đồng hành của các vị chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, những cộng tác viên thân thiết luôn là tài sản vô giá, niềm tự hào của Tuổi Trẻ trong hành trình trưởng thành, phát triển, khẳng định thương hiệu của mình.
Phát biểu chào mừng, nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đã bày tỏ lời cảm ơn, tri ân các vị chuyên gia đã đóng góp cho báo từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là 30 năm có mặt ở thủ đô.
Các chuyên gia, cộng tác viên đã chia sẻ những thông tin, câu chuyện rất hữu ích để Tuổi Trẻ có thể truyền tải đến bạn đọc cả nước.
Nhân cuộc gặp mặt dịp kỷ niệm 49 năm thành lập báo và chuẩn bị cho 50 năm thành lập báo vào 2-9-2025, nhà báo Xuân Trung nhấn mạnh Tuổi Trẻ mong muốn được nghe ý kiến góp ý, chia sẻ, trao đổi của các chuyên gia để cột mốc nửa thế kỷ hình thành, phát triển của báo sẽ bước sang trang mới.
"Chúng tôi mong muốn được nghe ý kiến của các chuyên gia để Tuổi Trẻ bước sang trang mới như thế nào, cần làm gì, thay đổi, phát triển ra sao để phù hợp với thời kỳ mới, thời đại mới, công chúng mới", nhà báo Lê Xuân Trung bày tỏ.
Một tờ báo lớn của đất nước
Tại buổi gặp mặt, đại biểu Tạ Văn Hạ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - chia sẻ có gần 20 năm làm ở Trung ương Đoàn, trong đó có 3 năm "biệt phái" vào TP.HCM nên luôn theo dõi, gắn bó với Tuổi Trẻ.
Qua theo dõi sự hình thành và phát triển thời gian dài của Tuổi Trẻ, ông thấy báo đã có cống hiến và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Trong sự phát triển của báo đã có những mốc thăng trầm, từ một tờ báo giấy chỉ có vài ngàn bản/ngày nhưng có những giai đoạn lên đến hơn 500.000 bản/ngày và thực sự Tuổi Trẻ không còn chỉ nằm trong phạm vi TP.HCM, mà đã vươn mình, lan tỏa ra cả nước.
"Ấn tượng nhất của tôi là vào những năm 2005, khi ngồi ở đâu, từ người lao động, lái xe ôm, trên các bàn nước, cà phê... thì mọi người đều có tờ Tuổi Trẻ trong tay. Đó là một thời kỳ rất hoàng kim", ông Hạ nhắc lại.
Ông đánh giá trong các thay đổi của mỗi giai đoạn, Tuổi Trẻ đã chuyển đổi rất nhanh, thích ứng rất nhanh, để thích hợp với một tờ báo lớn của đất nước.
Tuy nhiên ông chỉ rõ dù đã có những bước phát triển nhưng phía trước còn đặt ra nhiều vấn đề, khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Điều đó đòi hỏi Tuổi Trẻ phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, bắt kịp được đòi hỏi, xu thế của thời đại.
"Với sứ mệnh là một tờ báo gắn với tuổi trẻ, gắn với thanh niên, ở TP.HCM lớn như thế thì chắc chắn Tuổi Trẻ có dư địa, cơ hội và tiềm năng phát triển và phát triển hơn nữa. Tôi tin tưởng, kỳ vọng vào sự phát triển của báo", ông Hạ nhấn mạnh.
'Tờ báo tử tế'
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói ông đã gắn bó với Tuổi Trẻ từ rất lâu, khi còn là giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu, Khoa học của Văn phòng Quốc hội phụ trách báo chí.
"Tôi thích nhất Tuổi Trẻ từ đó đến giờ. Để đánh giá có mấy từ thế này, đó là một tờ báo tử tế, rất tử tế đã trở thành thương hiệu. Có lẽ ít có một tờ báo nào trong làng báo mà tử tế như vậy.
Tử tế một cách không khoan nhượng, điều đó đã trở thành thương hiệu. Đây là tờ báo có nghề, là tờ báo của Đoàn, của thanh niên, đã mang tầm quốc gia. Không chỉ đưa tin nhanh, chính xác mà còn ở độ nét của thông tin", ông Dũng chia sẻ.
Ông nhấn mạnh tờ báo đã đổi mới theo kịp những chuyển đổi của xã hội, công nghệ như Tuổi Trẻ Online rất hấp dẫn.
Về đóng góp của Tuổi Trẻ, ông nêu rõ thấy đây là một tờ báo có sự đóng góp cho đất nước, không chỉ cho bạn đọc mà cho sự phát triển của đất nước… Đồng thời là một tờ báo dám nói, cả những vấn đề nhạy cảm.
Nêu ý kiến "tư vấn" cho báo, ông Sĩ Dũng mong muốn Tuổi Trẻ kiên định giữ lấy sự tử tế, kiên định giữ lấy sự chuyên nghiệp của mình. Một tờ báo chính trực, không lá cải, không chộp giật, bền vững, có sự đóng góp...
Trước thách thức của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo, báo chí cũng gặp thách thức lớn nhất, theo ông Dũng điều đó đặt ra cho Tuổi Trẻ phải kiên quyết chuyển đổi số một cách mạnh mẽ...
Báo Tuổi Trẻ vươn vai Phù Đổng
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến luôn ấn tượng Tuổi Trẻ là tờ báo năng động, dám nghĩ, dám làm, xung kích trên mọi mặt trận, công nghệ thông tin, sáng tạo...
Ông mong muốn Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục mang hơi thở, sức sống của tuổi trẻ và đầy ắp “tiếng dân”. "Những hình ảnh người lao động, bác xe ôm... đọc báo Tuổi Trẻ, đó chính là món quà quý giá nhất với báo", ông Tiến chia sẻ.
Ông ngẫu hứng tặng Tuổi Trẻ các câu thơ: "Báo Tuổi Trẻ vươn vai Phù Đổng. Sánh cùng làng báo bay xa. Báo Tuổi Trẻ được nhân dân tin cậy. Cây bút, trái tim nặng nước non nhà".
Ấn tượng với một chữ "dám"
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng đánh giá Tuổi Trẻ được đọc nhiều nhất và gần 50 năm qua, đây vẫn là tờ báo đặc biệt được người dân đọc nhiều nhất và quy tụ lại một chữ “dám”, là dám nghĩ, dám làm, dám viết, dám đương đầu.
Cùng với đó, Tuổi Trẻ không dừng lại ở vấn đề TP.HCM,mà luôn luôn đặt ở tầm vĩ mô của cả nước, nghĩ ở tầm vĩ mô của cả nước. Đồng thời với các sự kiện trong nước và ngoài nước, báo không chỉ nêu sự kiện, đưa tin sự kiện, bám sát sự kiện mà còn nêu vấn đề.
Đặc biệt, ông cũng ấn tượng với các bài viết về thanh niên, nhất là những bài viết liên quan chương trình Tiếp sức đến trường do báo tổ chức
“Nghĩ trên tầm đất nước, trên tầm quốc gia, báo Tuổi Trẻ đã làm được những điều mang tầm vĩ mô", ông Nguyên nói và bày tỏ xin gửi lời cảm ơn báo.
Thời gian tới, ông Nguyên mong muốn Tuổi Trẻ sẽ luôn đi đầu trong công cuộc "bảo vệ tiếng Việt"...
Trong tim tôi đã có Tuổi Trẻ
Đến dự buổi gặp mặt, luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội), đeo chiếc cà vạt đỏ là món quà của Tuổi Trẻ tặng cách đây chục năm. "Trong tim tôi đã có Tuổi Trẻ", ông Hướng nhấn mạnh.
Ông nhắc lại việc từng có 4 năm hành nghề luật sư ở TP.HCM và luôn trân trọng hình ảnh các bác xe ôm luôn mua ba tờ báo, trong đó Tuổi Trẻ là tờ đầu tiên, sau đó người ta lưu lại. Đó là những hình ảnh hết sức đời thường.
"Tâm, tầm của tờ báo đã có trong lòng của chúng tôi, nên mong thời gian tới báo sẽ tiếp tục duy trì được điều quý giá đó", ông Hướng mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận