07/09/2019 08:52 GMT+7

Mộng Trung Hoa gặp 'sóng lớn', trong 1 phát biểu, ông Tập 58 lần nói 'đấu tranh'

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập Cận Bình không suôn sẻ trong bối cảnh nước này đang gặp phải nhiều thách thức đến từ bên ngoài lẫn bên trong. Trong 1 phát biểu, ông Tập 58 lần nói từ 'đấu tranh' (douzheng).

Mộng Trung Hoa gặp sóng lớn, trong 1 phát biểu, ông Tập 58 lần nói đấu tranh - Ảnh 1.

Một chiến sĩ hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đứng trước panô in hình Chủ tịch Tập Cận Bình tại căn cứ hải quân đảo Stonecutters ở Hong Kong - Ảnh: Reuters

Chỉ chưa tới một tháng nữa, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đánh dấu cột mốc bước vào thời đại mới của chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường số 1 thế giới trong vòng 30 năm tới vào năm 2049. Tuy nhiên, giấc mơ Trung Hoa của ông Tập không phải là suôn sẻ trong bối cảnh nước này đang gặp phải nhiều thách thức đến từ bên ngoài lẫn bên trong.

Nguy cơ chưa từng có

Trong buổi nói chuyện tại Trường Đảng trung ương với các cán bộ trẻ và trung niên hôm 3-9, ông Tập đã đề cập tới các mối nguy cơ tập trung mà Trung Quốc đang phải đương đầu.

Ông nhấn mạnh: "Vào lúc này và cả trong tương lai, sự phát triển của Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mà nguy cơ và thách thức đang tiếp tục gia tăng và trở nên tập trung. Các cuộc đấu tranh lớn mà chúng ta phải đối mặt sẽ không hề giảm đi".

Trong bài phát biểu này, ông Tập đã lặp lại từ "đấu tranh" (douzheng) tới 58 lần, nhấn mạnh ở hai khía cạnh chính. Một là, nội hàm của lĩnh vực tranh đấu khá rộng, trải dài từ đấu tranh trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ngoại giao, xây dựng quốc phòng và môi trường văn minh, vấn đề Hong Kong, Đài Loan đến công tác xây dựng đảng.

Hai là, cán bộ phải luôn có tinh thần và bản lĩnh đấu tranh. Ông Tập nhấn mạnh cán bộ lãnh đạo phải là "những chiến sĩ mạnh dạn đấu tranh và giỏi đấu tranh". Ngoài ra, công tác huấn luyện tư tưởng chính trị cho cán bộ để đáp ứng các mục tiêu do đảng đề ra cũng được đề cập trong bài phát biểu.

Ông Tập cảnh báo về bản lĩnh đấu tranh của cán bộ để đối phó với sự phức tạp và tính chất lâu dài của các nguy cơ mà trước đây chưa từng có. Ông nói: "Cán bộ đảng phải biết nhận diện các nguy cơ và biết rõ chúng ở đâu".

Hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bài phát biểu trước Lưỡng hội Trung Quốc cũng đề cập từ "nguy cơ" tới 24 lần và hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 xuống từ 6-6,5%.

Thực tế nền kinh tế Trung Quốc đang chứng minh mối lo của ông Tập và ông Lý là có cơ sở. Hôm 3-9, các tổ chức Oxford Economics, Bloomberg Economics và Bank of America Merrill Lynch cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 là dưới 6%, do các nguy cơ từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, vấn đề bất ổn ở Hong Kong kéo dài trong hơn ba tháng qua đang đặt ra nhiều thách thức cho mô hình "một quốc gia, hai chế độ" của Trung Quốc, ảnh hưởng đến mục tiêu thống nhất Đài Loan của ông Tập trước năm 2049.

Coi trọng mặt trận tư tưởng

Nội dung bài phát biểu của ông Tập không phải là mới trong lịch sử chính trị hiện đại Trung Quốc. Ông Mao Trạch Đông từng nhiều lần sử dụng khái niệm "tranh đấu" trong các phong trào chống hữu khuynh (1957-1958), cũng như Đại cách mạng văn hóa (1966-1976) để siết lại tư tưởng trong đảng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống coi mặt trận tư tưởng là lĩnh vực quan trọng để huấn luyện cán bộ, xuất phát từ quan điểm cho rằng một khi cán bộ quán triệt được những khó khăn, thách thức đang gặp phải thì họ sẽ dễ dàng thống nhất với quan điểm giải quyết từ cấp trên. Ngoài ra, đây cũng là cách để họ ngăn chặn các tư tưởng chống đối hay bất mãn ngay trong nội bộ.

Bằng cách sử dụng lại những khái niệm mà các nhà cách mạng tiền bối trước đây sử dụng, ông Tập muốn thể hiện hai mục tiêu quan trọng. Một là, ông muốn gắn kết mình với truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập muốn dựa vào tính chính danh truyền thống trong đảng khi tập hợp lực lượng.

Hai là, ông vẫn đang kiểm soát tình hình, nắm rõ vấn đề và đang muốn thống nhất đoàn kết trong đảng, "giương cao ngọn cờ" đưa Trung Quốc vượt qua các khó khăn đang gặp phải. Nếu được vậy, ông Tập đang muốn ghi dấu ấn vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một Trung Quốc đoàn kết là điều ông Tập cần nhất lúc này.

Phát biểu công khai đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc về Hong Kong Phát biểu công khai đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc về Hong Kong

TTO - Trả lời câu hỏi của báo giới về những bất ổn đang diễn ra tại Hong Kong, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng người Trung Quốc có thể tự giải quyết các vấn đề của mình.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên