Ảnh: Gia Tiến
Chỉ khi trải qua những cái tết thiếu thốn chúng ta mới cảm nhận được cái ấm cúng của nó và trân quý những giá trị của hiện tại
Cái tết của tuổi thơ thuộc thế hệ đời cuối 8x và đầu 9x như chúng tôi không thiếu thốn và khó khăn như thời "ông bà anh" qua lời kể của các cụ, nhưng cũng không đủ đầy như bây giờ.
Vào những năm đầu của quá trình đổi đất nước, mọi vùng quê nghèo đều có hệ thống giao thông lạc hâu, do đó việc đi lại gặp rất nhiều. Người có tiền muốn đi sắp tết cũng không được thuận tiện và cũng không sắm được nhiều như bây giờ.
Thời đó, mọi hàng hóa đều khan hiếm và không phong phú như hiện nay. Quê tôi thuộc vùng sâu vùng xa ở miền trung, cho nên đối với việc đi lại sắm tết lúc ấy dường như rất khó khăn.
Đối với anh em chúng tôi, thứ quý giá nhất thời ấy không phải là bánh kẹo hay món ăn gì sa hoa mà đơn giản là "nước ngọt có ga". Tôi còn nhớ như in câu nói của đứa em trai tôi lúc ấy: "Em ước gì ngày nào cũng là ngày tết, để mình được uống nước ngọt thoải mái".
Có lần khi sang nhà hàng xóm chúc tết về, đứa em trai tôi lại cứ xuýt xoa: "Sao nhà chú Hà sang ghê, đãi toàn nước ngọt, em uống no luôn". Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi, sao ngày xưa anh em chúng tôi thèm nước ngọt đến vậy, mặc dù thức uống này không hề tốt cho sức khỏe của chúng tôi chút nào.
Tôi không thể nào quên tết Đinh Sửu năm 1997, trong đêm 30 cả ba anh em chúng tôi bị má đánh đòn một trận nhớ đời. Lý do chẳng có gì to tát cả, chỉ là anh em tôi đã uống hết một trong bốn chai nước ngọt má mua để đãi khách trong những ngày tết. Mặc dù trước đó má có dặn dò "nước ngọt má mua để đãi khách trong ngày tết đó, mấy đứa đừng lấy uống nghe chưa!".
Được dặn dò kỹ lưỡng là thế, dạ dạ vâng vâng là thế, nhưng khi má vừa bước ra khỏi nhà, anh em chúng tôi lại không thể cưỡng lại ma lực của những chai nước ngọt ấy. Khi đó, chúng tôi như bị thôi miên và không hề nghĩ đến hậu quả của việc nốc sạch chai nước ngọt là nhận lấy phần thưởng năm mới là trận đòn của má.
Đến bây giờ, mỗi khi tôi nhắc lại kỷ niệm đáng nhớ khi xưa, ba anh em chúng tôi và má lại nhìn nhau cười. Má tôi còn nói: "sao ngày đó anh em bay thèm nước ngọt quá vậy, biết là nếu uống hết sẽ bị đánh mà vẫn cứ uống, tao cũng sợ tụi bay luôn?".
Không phải riêng gì anh em chúng tôi, hầu hết những đứa trẻ ở thôn quê thời đó đều rất thích uống nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga. Vào thời gian đó, khi đến bất cứ nhà nào chúc tết, những đứa trẻ chúng tôi chả mong được lì xì hay ăn bánh kẹo gì cả, thay vào đó chúng tôi chỉ chăm chăm vào những ly nước ngọt chủ nhà thiết đãi mà thôi.
Với tôi, những ai đã trải qua những năm tháng thiếu thốn ấy, sẽ không thể nào quên cái cảm giác sảng khoái, lâng lâng khi từ từ nốc hết từng ly nước ngọt.
Giờ đây, khi cái tết đã đủ đầy hơn, mọi đồ ăn thức uống đều phong phú hơn xưa. Tuy nhiên, với tôi cái tết đủ đầy nhất, trọn vẹn nhất lại chính là sự thiếu thốn vật chất thời ấy.
Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh) và chưa đăng nơi khác. Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected].Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận