Cảnh sát tuần tra cho du khách và người dân vui chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: "Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thời gian gần đây có nhiều vấn đề phát sinh mà UBND TP cùng với Công an TP cần phải tăng cường những giải pháp để chấn chỉnh".
Những vụ ra tay manh động, táo tợn
Sự lộng hành và manh động của tội phạm ở thành phố đông dân nhất nước, lớn nhất nước luôn là nỗi lo của người dân. Liên tục nhiều vụ việc xảy ra gần đây làm người dân bất an.
Khoảng 0h30 sáng 26-5, chị N.T.N.H. (20 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) chạy xe máy đi qua xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn. Bất ngờ có một nhóm thanh niên 6 người đi xe máy chặn chị lại, dùng dao đe dọa và cướp xe. Không chỉ mất xe, chị H. còn bị hoảng loạn.
Không chỉ manh động ngoài đường vùng ven. Trước đó, khoảng 1h sáng 17-5, anh N.Đ.K. (23 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đi chơi về, đeo túi xách đợi người nhà mở cửa trên đường Phạm Văn Bạch (P.12). Tức thì một nhóm thanh niên xuất hiện, cầm gậy đánh vào đầu anh K.và cướp túi xách.
Cả những người tuổi cao sức yếu tội phạm cũng chẳng "nể nang". Khoảng 13h ngày 22-5, ông H.Q.K. (61 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đang quét sân trước cửa nhà trên đường Điện Biên Phủ (P.15, Q.Bình Thạnh) thì một thanh niên chạy xe máy từ ngoài đường chạy thẳng vào nhà, giật sợi dây chuyền của ông đang đeo trên cổ.
Lúc đó, ông giằng co làm tên cướp ngã xuống và tri hô "cướp, cướp". Tên cướp dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt ông K. khiến ông chới với. Hai tên khác từ ngoài xông tới, đạp ông K. ngã xuống đường giải vây cho đồng bọn.
Lộng hành tới mức tội phạm còn cả gan giả danh công an để cướp. Khoảng 19h ngày 23-5, anh H.P.L. (18 tuổi, ngụ Q.3) đi uống cà phê ở P.Tân Hưng (Q.7), sau đó sang công viên Tân Hưng cạnh đó chơi. Đến 2h sáng, có 4 thanh niên đi trên hai xe máy tự xưng là cảnh sát hình sự, yêu cầu L. cho kiểm tra xe nhưng L. đề nghị cho xem thẻ công an. Thấy L. "cứng đầu", nhóm thanh niên vung tay đánh, sau đó khống chế L. cướp xe máy, ví tiền, điện thoại di động...
Đó là những vụ việc đơn lẻ, chưa nói đến những băng nhóm hoạt động có tính tổ chức, phạm tội liên tục, cướp giật trên đường phố, gây tai nạn cho người đi đường... Cùng với tai nạn giao thông, cướp giật đường phố là nỗi ám ảnh thật sự ở TP.HCM, cho người dân và cả du khách.
Trung tâm giám sát camera an ninh nơi công cộng tại trụ sở Công an Q.5, TP.HCM - Ảnh: SƠN BÌNH
Dân tự bảo vệ bằng... gắn camera
Nhiều người dân bày tỏ: mong mỏi nhất là có được cuộc sống bình yên, an toàn.
Ông Đinh Văn Huệ (90 tuổi), bí thư Đảng ủy KP7, P.15. Q.10, cho hay trước đây địa bàn KP7 nổi tiếng với cư xá Bắc Hải có nhiều quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ... thu hút nhiều người dân vãng lai nên khá phức tạp về trật tự, nhất là nạn cướp giật, trộm cắp, đánh nhau gây rối... Hai năm nay, người dân KP7 hưởng ứng cuộc vận động gắn 36 camera an ninh (với số tiền hơn 180 triệu đồng), từ đó tình hình an ninh trật tự được cải thiện rõ rệt.
Trong tháng 5 vừa qua, nhờ trích xuất hình ảnh camera, công an đã truy tìm được đối tượng trộm cắp xe máy để trong sân của một công ty trên đường Thành Thái và bắt được nhóm đánh hội đồng một nạn nhân gây thương tích trên đường Tô Hiến Thành. "Từ khi có camera an ninh, người dân yên tâm nhiều" - ông Huệ nói.
Ông Huệ cũng cho hay đang nghiên cứu mô hình gắn camera kết hợp hệ thống loa phát thanh công cộng như Q.Bình Thạnh. Từ hình ảnh camera, công an phường phát hiện các hành vi tụ tập gây rối, lấn chiếm lòng lề đường, hành vi khả nghi của tội phạm, phát lên hệ thống loa để nhắc nhở người có hành vi chưa đúng chấn chỉnh ngay hoặc kêu gọi người dân cảnh giác. Điều đó cũng giúp những đối tượng có ý định trộm cắp, cướp giật phải chùn tay.
Tương tự, bí thư Đảng ủy KP6, P.15, Q.10 Nguyễn Quốc Hưng (78 tuổi) cũng cho biết trước đây khu phố có tình trạng người đi tập thể dục buổi sáng sớm bị cướp giật điện thoại, vòng vàng, hoặc trộm đột nhập nhà... Do đó người dân đã đồng lòng đóng góp 218 triệu đồng gắn 32 "mắt thần" phủ gần khắp địa bàn khu phố. "Nhìn chung người dân rất hài lòng khi số tiền mình bỏ ra đã góp phần mang lại một phần bình yên" - ông nói.
Còn ông Trương Hoài Phong, bí thư P.15, cho hay từ năm 2016 đến nay, phường đã triển khai vận động đến từng khu phố (phường có 8 khu phố) để lắp camera tại các tuyến đường lớn, khu vực trọng điểm, khu vực cần chuyển hóa tệ nạn. Đã có 4 khu phố hoàn chỉnh lắp camera là KP 4, 6, 7 và 8. Nhờ đó, khoảng 80% số vụ trộm cắp được phá án thành công so với hơn 40% trước đó.
Nguồn: số liệu thống kê của Công an TP - Nguồn: Sở Lao động, thương binh và xã hội TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần tập trung trấn áp mạnh
Để giải quyết được vấn đề tội phạm, kéo giảm bền vững và đảm bảo an ninh trật tự, cần sự nỗ lực đồng bộ của Nhà nước, tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và người dân.
Tuy nhiên, muốn kéo giảm tội phạm tức thời, lực lượng công an hoàn toàn có thể làm được và làm tốt. Với lực lượng hùng hậu, hệ thống từ Bộ Công an tới Công an TP, các quận, huyện, xã, phường, thêm cả lực lượng hỗ trợ như bảo vệ dân phố, có thể nói nước ta là một trong những quốc gia có số lượng công an cao. Tính theo tỉ lệ dân cư/số lượng công an thì việc tấn công, trấn áp tội phạm có khả năng làm được, làm tốt. Vấn đề là lực lượng công an có thực sự tập trung vào việc cần làm, làm một cách có trách nhiệm cao nhất hay chưa.
Lực lượng công an nói chung, trong đó Công an TP.HCM là chủ chốt, cần tập trung vào việc phục vụ công cuộc phát triển của TP.HCM, của đất nước, tập trung vào phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm chứ không nên kêu gọi, hô hào khẩu hiệu một cách sáo rỗng. Khi lực lượng công an hết mình thực hiện nhiệm vụ thì dù có chuyện gì xảy ra người dân cũng luôn ghi nhận và trân trọng chứ không tới mức ngao ngán, nghĩ tới việc ra đường là sợ trộm cướp hoành hành.
GIA MINH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận