Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, tại TP.HCM có công ty du lịch phải chịu cảnh đóng cửa - Ảnh: Q.Định
Nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại do giãn cách xã hội và đề nghị TP cần làm quyết liệt hơn nữa để dập dịch, rút ngắn tối đa thời gian giãn cách xã hội.
Cân nhắc cách ly khu vực nhỏ hơn
Phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) - cho biết trong thời gian giãn cách 14 ngày, doanh nghiệp của ông và nhiều doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, hàng quán đóng cửa, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn...
Do đó, ông Hiến đề xuất, nếu điều kiện cho phép, TP nên khoanh vùng giãn cách, phong tỏa và cách ly từng khu vực nhỏ, cho phù hợp với mục tiêu kép.
Ông Hiến lấy ví dụ nếu một công ty có ca mắc COVID-19, cần cách ly công ty đó và rà soát công nhân ở trọ, tiếp xúc để khoanh vùng theo khu phố, phường có liên quan.
Hiện nay, doanh nghiệp của ông Hiến áp dụng biện pháp là mỗi ngày khai báo y tế 2 lần đối với công nhân nhà xưởng tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP.HCM) lẫn các nhân viên kinh doanh, tài xế, nhân viên thị trường trên cả nước.
Trong đó, người lao động phải khai địa chỉ, tiếp xúc với ai, ở đâu trong mỗi ngày để khi có tình huống bất trắc chỉ trong vòng 2 phút có thể truy vết, khoanh vùng. Vì vậy, cần phát huy cách phòng dịch để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế.
Tương tự, ông Trần Việt Anh - tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - cũng mong muốn áp dụng theo từng khu vực nhỏ hơn.
Theo ông Việt Anh, vừa qua do giãn cách toàn TP, nhất là khi Đồng Nai hạn chế đi lại rất ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bởi các tàu hàng quốc tế e ngại, sợ khó khăn khi vào Việt Nam, nguy cơ ảnh hưởng đến xuất khẩu rất cao.
Do đó, cần giãn cách theo điểm, theo "điểm nóng" có nhiều F2, F3, F4. Với những khu vực an toàn, những khu công nghiệp đã kiểm tra công nhân âm tính, không nên giãn cách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất.
Với trường hợp kéo dài giãn cách, vị chủ doanh nghiệp này cũng cho rằng cần cho số người trong phòng làm việc phù hợp, bởi có những dây chuyền phải có số lượng nhất định.
"Nếu giãn cách theo khu vực, chúng tôi có thể gửi văn bản cho đối tác nước ngoài chứng minh mình không thuộc vùng giãn cách" - ông Việt Anh nói.
Cần thành phố chung tay, giúp sức
Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Linh Cát - điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Catsashop - cho hay hơn 10 cửa hàng của doanh nghiệp này ở TP.HCM đều phải đóng cửa. Gánh nặng lớn nhất hiện là tiền mặt bằng và lương nhân viên.
Do đó, bà Cát cho rằng các doanh nghiệp vẫn sẽ chấp hành phòng dịch nếu TP tiếp tục giãn cách, tuy nhiên TP cũng nên có tiếng nói kêu gọi các chủ mặt bằng chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp TP bằng cách giảm chi phí mặt bằng trong thời gian các doanh nghiệp đang tạm đóng cửa để phòng dịch.
Tương tự, ông Hoàng Văn Thiều - chủ chuỗi cà phê sân vườn tại TP - cho biết doanh nghiệp này đã có khoản dự phòng để bù lỗ trong thời gian đóng cửa vì giãn cách, song nếu kéo dài giãn cách quá lâu, doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn, nặng nhất là tiền thuê mặt bằng trong khi ít chủ cho thuê mặt bằng chia sẻ. "Khuyến khích bán mang đi, đặt online nhưng thực tế doanh thu mỗi ngày không đủ nuôi nhân viên nên càng giãn cách sẽ càng khó khăn" - ông Thiều nói.
Tiểu thương mong sớm dập được dịch
Bà Trần Thị Thu Thùy - chủ sạp D11-12 chợ An Đông (quận 5) - cho biết với quy mô 2.300 sạp, rất nhiều tiểu thương đang khá háo hức chờ ngày được trở lại hoạt động.
Tuy vậy, theo bà Thùy, nếu chợ đóng cửa tiếp vì dịch còn phức tạp cũng chấp nhận. Tuy nhiên, cần phải có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch và tách rõ các đối tượng để có chính sách đóng hoặc mở cửa phù hợp.
Đặc biệt, có thể linh động thời gian giãn cách, đóng hoặc mở chợ tùy vào tình hình dịch bệnh của mỗi khu vực, không nên cứng nhắc và rập khuôn.
Trong khi đó, ông Lí Đại Lâm - chủ sạp cà ri Anh Hai, chợ Bến Thành (quận 1) - cho biết hiện chợ vẫn đang mở cửa bình thường nhưng nếu chợ bị đóng cửa thì tiểu thương cũng chấp nhận.
Theo ông Lâm, các chợ truyền thống kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP nên vẫn hoạt động. Với lượng người tập trung đông dễ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, do đó nên thực hiện giãn cách bớt bằng cách chia ngày bán (người bán người nghỉ theo ngày), thậm chí ngày, giờ đi chợ với người dân... dễ nhanh chóng dập được dịch.
N.TRÍ
Ông Nguyễn Đình Hùng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn - SAGS):
Cần tín hiệu phục hồi
Bây giờ thật sự khó nói rằng có thể nới lỏng việc giãn cách trong bối cảnh TP.HCM vẫn có số ca nhiễm tăng vài ngày gần đây. Nhưng kéo dài thời gian giãn cách sẽ khiến doanh nghiệp điêu đứng, riêng các hãng bay sợ sẽ chịu không nổi nữa. Phải chống dịch quyết liệt hơn để người kinh doanh sớm thấy được tín hiệu phục hồi.
C.TRUNG
TP.HCM: 171 doanh nghiệp lữ hành rời thị trường
Sở Du lịch TP.HCM cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có tổng cộng 171 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.
Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân đang duy trì hoạt động nhưng cắt giảm từ 50-80% lao động, ngay cả doanh nghiệp lữ hành có vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.
Sau hai đợt dịch bùng phát, doanh thu lữ hành ở nhiều doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Mảng lưu trú du lịch cũng không sáng sủa hơn do lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm. Các khách sạn từ 3-5 sao hoặc tương đương đều bị sụt giảm doanh thu lưu trú đến 70%, một số tạm ngưng hoạt động.
Giám đốc một doanh nghiệp du lịch cho biết gánh nặng hiện nay là dù không có doanh thu nhưng họ phải vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế... Vì vậy, các chính sách hỗ trợ dòng tiền lúc này cần nhanh chóng hơn trước khi doanh nghiệp thực sự "chết hẳn".
N.BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận