Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ sớm có giải pháp dự trữ, điều phối thuốc hiếm cho trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp, không có thuốc thay thế như ngộ độc botulinum.
Chỉ trong vòng 1 ngày, sau cuộc làm việc khẩn trương của Bộ Y tế với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 6 lọ thuốc BAT nhanh chóng được chuyển từ Thụy Sĩ về sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19h ngày 24-5, 3 tiếng sau các bệnh viện hoàn tất thủ tục giao nhận.
Trong 6 lọ thuốc này, Bệnh viện Chợ Rẫy được nhận 2 lọ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhận 1 lọ, còn 3 lọ được chuyển cho Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi đang điều trị 3 anh em ruột ngộ độc botulinum do ăn bánh mì kẹp chả đầu tiên đợt này (ghi nhận tại TP Thủ Đức).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết 3 lọ thuốc giải độc vừa nhận từ Bộ Y tế tạm thời được dự trữ, do cả 3 bệnh nhi điều trị tại đây đều đã được truyền thuốc giải độc (2 lọ cuối cùng mà Việt Nam có trước đây) trong vòng 24 - 48 giờ sau ngộ độc.
Hiện sức khỏe của 2/3 bệnh nhi sau khi được truyền thuốc giải độc tiến triển chậm, một bé sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng việc có được 6 lọ thuốc giải độc botulinum trong bối cảnh này rất quý giá, hy vọng sẽ hỗ trợ điều trị được cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, đáng tiếc khi có một bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong do biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc.
Ngoài ca tử vong này, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, cả hai trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều không thể dùng thuốc giải độc. Bởi từ khi ngộ độc cho đến hôm nay là 10 ngày, quá muộn so với "thời gian vàng" (48 - 72 giờ) giúp bệnh nhân có khả năng thoát khỏi nguy cơ bị liệt hoặc thở máy. Trong khoảng thời gian này, nếu có thuốc giải độc bệnh nhân đang thở máy chỉ cần 5 - 7 ngày phục hồi.
Trong khi không có thuốc, thở máy thời gian dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng như nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, suy dinh dưỡng, liệt hoàn toàn...
Đã có nhiều đề xuất giải pháp dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế này. Nhưng đến nay vẫn chưa có đường ra, và mỗi lần có ca ngộ độc lại hồi hộp hy vọng cho mạng sống người dân.
Thăm dò ý kiến
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc botulinum nhưng các bệnh viện hết thuốc giải, đến khi có thuốc thì đã qua 'thời gian vàng' cứu người bệnh. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận