09/01/2016 08:17 GMT+7

Mong ông cục trưởng chống tham nhũng bớt vất vả

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Sau 25 ngày công bố đường dây nóng tố cáo tiêu cực, tham nhũng, đã có 329 cuộc điện thoại và tin nhắn qua hai số điện thoại di động mà cục trưởng là người nghe trực tiếp.

Ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống tham nhũng, tại cuộc họp báo - Ảnh: V.V.T.
Ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Ảnh: V.V.T.

Gần một tháng qua, kể từ khi Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tiêu cực, tham nhũng, ông cục trưởng trở thành một trong những quan chức vất vả nhất vì phải nghe điện thoại rất nhiều.

Ông kể nhiều khi nửa đêm về sáng điện thoại rung liên hồi, nhưng không vì áp lực chuông reo mà ông “tắt” đường dây nóng.

Ông tuyên bố tại cuộc họp báo mới đây: “Tôi có thể sử dụng điện thoại của mình, nghe suốt ngày suốt đêm cũng chấp nhận. Mục đích là phục vụ công tác quản lý nhà nước sao cho tốt”.

Việc quan chức công bố số điện thoại để tiếp nhận thông tin từ người dân là đáng ghi nhận.

Từ nhiều năm trước, khi ngồi trên ghế bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Mai Ái Trực cũng đã công khai số điện thoại và nói trước diễn đàn Quốc hội: “Nơi nào có quy hoạch “treo” hãy gọi điện cho tôi”.

Trong nhiệm kỳ này, nhiều quan chức cũng không ngần ngại kết nối với người dân bằng điện thoại, đơn cử như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng.

Chắc chắn việc công khai số điện thoại sẽ ít nhiều giúp các quan chức kịp thời nắm bắt phản ảnh của người dân. Nhưng giữa công khai số điện thoại cá nhân và thiết lập một đường dây nóng chính thức là khác nhau.

Điều quan trọng đối với một quan chức ở cấp lãnh đạo là cơ chế, chính sách, là chỉ đạo, điều hành, trong quỹ thời gian có hạn thì không nên và không thể nghe điện thoại suốt ngày suốt đêm.

Trong thực tế nhìn lại những năm qua, với các quan chức đã công bố số điện thoại cá nhân, số vụ việc cụ thể được giải quyết qua kênh này không nhiều.

Với Cục Chống tham nhũng, số nguồn tin tiếp nhận qua đường dây nóng có tính khả thi cao, liên quan trực tiếp đến chức năng của cục và có thể triển khai thanh tra ngay cũng chiếm tỉ lệ khiêm tốn.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, thiết lập thêm kênh thu thập thông tin dù qua điện thoại hay qua đơn thư trực tiếp đều cần thiết, nhưng nên được tổ chức bằng các bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin chuyên nghiệp. Đây là kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), khi đặc khu hành chính này thành lập Ủy ban độc lập phòng chống tham nhũng (ICAC), một trong những việc đầu tiên mà ICAC tiến hành là thiết lập kênh thu thập thông tin, nhưng họ triển khai bài bản bằng cách lập “Phòng hoạt động” - đơn vị đặc trách từ tiếp nhận tố cáo tham nhũng đến điều tra và thực thi pháp luật.

Điều quan trọng hơn là ICAC nhận ra rằng họ không thể chống tham nhũng thành công nếu chỉ tập trung vào các vụ việc cụ thể. ICAC đồng thời triển khai hai mũi tấn công khác là kêu gọi sự ủng hộ của người dân và đẩy mạnh công khai, minh bạch.

Chính sự công khai, minh bạch là kinh nghiệm phổ biến nhất trên toàn thế giới về chống tham nhũng. Các chuyên gia cho biết tổ chức đánh giá tham nhũng quốc tế thường được nhắc đến là một tổ chức không hề có một chữ nào về tham nhũng, đó là Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Đối với tổ chức này, tiêu chí hàng đầu để chấm điểm xếp hạng tình trạng tham nhũng chính là mức độ công khai, minh bạch.

Rõ ràng nếu những kinh nghiệm chống tham nhũng đã chứng minh hiệu quả được nghiên cứu áp dụng phù hợp tình hình Việt Nam, ông cục trưởng sẽ bớt vất vả hơn vì đỡ phải nghe điện thoại quá nhiều.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên