Cử tri Lê Văn Tốt - phường Long Trường, TP Thủ Đức - phát biểu tại buổi tiếp xúc vận động bầu cử - Ảnh: TIẾN LONG
Nhiệm kỳ vừa qua, cử tri rất quan tâm đến việc các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Việc phòng, chống tham nhũng cấp bách, cần thiết không khác gì chống dịch COVID-19.
Có thể nói chúng ta cơ bản làm tốt việc phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh và bản thân tôi cũng mong công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy lùi hiệu quả như vậy.
Thực tế, vừa qua tại TP.HCM cũng như nhiều tỉnh, thành cả nước có nhiều vụ án tham nhũng được khởi tố, đưa ra xét xử.
Đồng tình với việc làm của Đảng, Nhà nước nhưng người dân cũng đau lòng khi có những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tham ô làm mất uy tín và lòng tin của nhân dân.
Có thể nói những động thái phòng, chống tham nhũng vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu, việc chống tham ô, tham nhũng còn phải làm lâu dài.
Chính vì vậy, cử tri đặt niềm tin vào những đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tùy từng vị trí có tiếng nói hiến kế giúp Đảng, Nhà nước đưa ra những chủ trương, chính sách phòng, chống tham nhũng triệt để, hiệu quả tận gốc.
Trị tham nhũng cũng như chữa bệnh, phải bắt trúng nguyên nhân mới chữa lành được bệnh. Quan trọng hơn, chính những đại biểu dân cử cũng phải xem lại vai trò giám sát, kiến nghị của mình trong việc phát hiện dấu hiệu cán bộ, công chức tha hóa, có biểu hiện tham nhũng để ngăn chặn ngay từ trong trứng nước.
Thực tế đại biểu có rất nhiều kênh để có thông tin về đạo đức cán bộ, công chức. Đó có thể là báo chí, dư luận hay phản ánh của người dân. Vấn đề là đại biểu đó có chịu sâu sát, tiếp xúc gần dân để lắng nghe, cũng như đủ bản lĩnh, tâm huyết và khả năng theo đuổi, xử lý vụ việc được phản ánh hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận