Phóng to |
Bé Như Ý trong vòng tay bà Bảy - Ảnh: M.Tâm |
Ngày 6-5-2011, TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động vụ án, tuyên phạt bị cáo Lê Thành Tám 6 năm tù, Nguyễn Thị Xuân Lan 5 năm tù cùng về tội “cố ý gây thương tích”. Tám và Xuân Lan hành hạ bé Như Ý, con riêng của Xuân Lan, “tra tấn dã man như thời Trung cổ” (lời chủ tọa phiên tòa) và còn thản nhiên ghi hình. Mặt bé sưng bầm đen. Toàn thân lở loét, mưng mủ. Đùi, đầu gối, lòng bàn chân bị nhiễm trùng khoét sâu vào thịt. Ông bà ngoại ở chung nhà biết rõ sự việc lại bỏ mặc không can thiệp. Người dân phẫn nộ, tố cáo với chính quyền địa phương. Nhờ đó mà Như Ý được đưa đi bệnh viện kịp thời. Sau đó bé được các ban ngành giao cho bà Nguyễn Thị Bảy, cô của Xuân Lan, nuôi dưỡng... Tòa đã tuyên tạm giao bé Như Ý cho bà Bảy nuôi dưỡng. Sau này giữa bà Bảy và Lan, ai nuôi bé sẽ tự thương lượng trong nội bộ gia đình. Nếu xảy ra tranh chấp sẽ mở phiên tòa dân sự khác... |
Như Ý mặc quần ngắn nên thấy rõ những vết sẹo hằn ở đùi, bắp chân. Lưng, ngực... bé cũng đầy sẹo. Trên đầu gối trái, một vết sẹo rất lớn lồi ra nhăn dúm lại, khi bé đi, chân trái lượng sượng, yếu ớt. Giám định cho thấy bé bị thương tật vĩnh viễn tỉ lệ 25%. Tháng 9-2010, khi bị hành hạ, bé Như Ý mới 9 tháng tuổi.
Bà Bảy nhớ lại lúc trước hai má bé bị apxe bầm cứng, bác sĩ bảo mỗi ngày phải chịu khó chườm nóng vài lần trong nhiều tháng, nếu không hết phải phẫu thuật. Bà cũng lo bởi nghĩ nếu phẫu thuật sẽ để lại sẹo trên khuôn mặt. Cũng may chườm nóng khoảng ba tháng thì apxe tan hết.
Vẫn còn ám ảnh
Khi bà Bảy đút bé ăn ngọt lịm, bà Bảy bảo Như Ý hay bệnh nhưng được cái ăn rất dễ.
Bà Bảy tâm sự: “Bé khỏe mạnh nhưng trong lòng tôi vẫn thấy lo. Bác sĩ bảo sau này có thể bị di chứng, vì gan bàn chân có ảnh hưởng đến não. Không biết có phải do bị ám ảnh bởi những trận đòn hành hạ hay không mà đêm vào buồng bé cứ bò khắp mùng đến mỏi mệt mới ngủ. Có đêm bé giật mình ngồi dậy khóc, ngó dáo dác xung quanh. Tôi phải ôm vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng bé mới nằm im ngủ tiếp”.
Bà Bảy thổ lộ: “Ông ngoại bé là anh ruột tôi. Lan là cháu tôi, cũng máu mủ ruột rà. Từ ngày nhận nuôi bé, tôi bị áp lực rất dữ. Gia đình người anh không nhìn mặt bởi cho rằng vì tôi tố giác Lan mới đi tù. Ảnh không nghĩ rằng nếu để chậm một tuần bé có thể chết. Nếu lúc đó tôi không nhận nuôi dưỡng thì bé sẽ vào trung tâm bảo trợ, chẳng lẽ người thân còn đầy đủ mà để như thế?”.
Bà Bảy cũng nói thêm là bà rất lo bởi hai nhà cách nhau không đầy 500m, không biết còn chuyện gì xảy ra nữa không. Rồi sau khi Lan thi hành án xong, chắc đòi đem bé về nuôi. Bà nói: “Chắc tôi phải làm đơn xin nuôi dưỡng bé đến 18 tuổi. Rồi lúc đó tùy bé quyết định sẽ theo ai. Nếu bé trở về mà được sống trong tình thương yêu đùm bọc của mẹ và ông bà ngoại thì tôi cũng nén lòng, nén sự nhớ thương của mình trao trả bé lại. Nhưng tôi sợ rằng sau đó lại đón bé về với một cơ thể đầy thương tích nữa. Nếu như thế tội nghiệp bé lắm!”.
Các ban ngành ủng hộ
Nhiều người dân trong xã ủng hộ việc bà Bảy nuôi bé Như Ý. Ông Nguyễn Văn Đền, xã Long Hậu, nói: “Bà Bảy nuôi thì tốt cho bé hơn. Nếu sau này giao cho Lan tôi thấy không ổn. Liệu người mẹ có ghét con rồi tiếp tục hành hung?”.
Ông Trần Văn Hùng, chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết từ ngày giao Như Ý cho bà Bảy nuôi, dưới sự giám sát của ban ngành đoàn thể, UBND xã thường đến thăm, thấy sức khỏe bé tiến triển tốt, rất mừng! Ông Hùng nhớ lại khi được dân báo sự việc, chính quyền tức tốc đến nơi, gia đình Lan không chịu hợp tác đưa bé đi bệnh viện. Ông mới đề nghị bà Bảy qua thuyết phục, nếu không sẽ cưỡng chế bởi chậm một tuần bé sẽ tử vong vì vết thương nhiễm trùng quá nặng.
Ông Hùng bức xúc: “Lúc đó toàn thân bé thương tích, nhìn mà đau lòng. Xem CD thấy Tám cầm bé liệng lên liệng xuống, bóp miệng, lấy thước gỗ quất mạnh từ lòng bàn chân đến toàn thân. Người mẹ tiếp tay và ghi hình mà thấy tội cho bé. Ông bà ngoại ở chung nhà biết rõ sự việc mà bỏ mặc không can thiệp. Điều đó khiến các ban ngành quyết định họ không đủ tư cách nuôi bé”.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ngày bé vào bệnh viện điều trị, bà Bảy đứng ra chăm sóc rồi tình nguyện nhận nuôi bé. Nếu lúc đó bà Bảy không nuôi, bé sẽ được đưa vào trung tâm bảo trợ. Do bé đã chịu nhiều tổn thương nên các ban ngành chung tay lo cho bé để xoa dịu bớt những bất hạnh mà bé phải gánh chịu”.
Bà Lê Thị Phiến, giám đốc Trung tâm Công tác xã hội bảo vệ trẻ em tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Từ ngày bà Bảy nuôi bé Như Ý đến nay, bé sống tốt, khỏe nên các ban ngành rất ủng hộ việc bà Bảy tiếp tục nuôi dưỡng. Sau này Lan thụ án xong, nếu muốn nhận con về nuôi thì còn phải xem thái độ, hành vi của Lan có ăn năn, hối hận”.
Khi tôi về, bà Bảy bảo bé: “Bái bai cô đi con”. Như Ý vẫy vẫy tay. Nhìn bé cười tươi, tôi chợt chạnh lòng. Bé đâu biết năm năm nữa khi người mẹ thi hành án xong, nếu đòi nuôi lại con thì số phận bé sẽ phải định đoạt bởi một phiên tòa dân sự khác...
Tòa án chỉ mới tạm giao quyền nuôi dưỡng Theo điều 41 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, khi cha mẹ bị kết án về tội cố ý xâm phạm sức khỏe của con hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con... thì tùy từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức (theo quy định tại điều 42 luật này) ra quyết định không cho cha mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con từ một đến năm năm. Khi cha mẹ đứa trẻ đều bị tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì việc trông nom, chăm sóc, giáo dục và quản lý tài sản riêng của con được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân và gia đình. Theo điều 60 Bộ luật dân sự năm 2005, cá nhân có đủ các điều kiện sau thì có thể làm người giám hộ: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; có đủ điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ. Theo điều 61 Bộ luật dân sự năm 2005, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà cả cha, mẹ bị tòa án hạn chế quyền của cha mẹ, theo thứ tự ưu tiên như sau: - Anh cả hoặc chị cả. - Anh, chị tiếp theo. - Ông, bà (nội, ngoại). - Bác, chú, cô, cậu, dì. Nếu không có người giám hộ đương nhiên, UBND cấp xã phải cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ. Theo thông tin của phóng viên Tuổi Trẻ, trong vụ bé Như Ý, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bé đã đề nghị tòa án tước quyền nuôi con của bị cáo Xuân Lan nhưng tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết mà chỉ tạm giao bé Như Ý cho bà Bảy nuôi (và dành quyền khởi kiện nuôi bé cho những người liên quan trong vụ án dân sự khác), do đó tòa án cấp phúc thẩm sẽ có quyền xem xét giải quyết lại yêu cầu này. LS Nguyễn Bảo Trâm |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận