TS Nguyễn Minh Hòa
Ngày mai 25-6, hơn 800.000 thí sinh cả nước dự thi THPT quốc gia trong thời tiết nóng bức gần 400C ở khu vực miền Trung và miền Bắc, chắc chắn sẽ làm cho các phòng thi càng nóng hơn.
Hơn thế, sự quan tâm của mọi người hướng cả vào cửa trường thi năm nay cũng làm cho bầu không khí thi cử hừng hực hơn mọi năm. Hàng trăm ngàn cha mẹ học sinh lo âu không biết mọi chuyện có suôn sẻ với con mình không?
Liệu chuyện rớt thành đậu, đậu thành rớt như ở Lạng Sơn, Hà Giang có xảy ra một lần nữa? Còn các quan chức Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các trường đại học, lãnh đạo các tỉnh thành cũng lo âu và căng thẳng không kém.
Năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra rất nhiều đối sách mới nhằm bịt lỗ hổng các khe hở, quyết không để xảy ra tình trạng nâng điểm khống như mùa thi năm 2018.
Những đối sách đó tập trung vào việc siết chặt hơn khâu bảo quản, sử dụng đề thi, bài thi tại điểm thi; để các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm; đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Tiến hành sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép...
Mặc dù các giải pháp kỹ thuật đã được tính toán kỹ càng trên cơ sở những gì đã diễn ra và những giả định có thể xảy đến, nhưng việc thi cử trải rộng khắp cả nước với 63 cụm thi, liên quan đến hàng triệu người trong một thời gian rất ngắn vẫn không biết trước được những sự cố nào sẽ diễn ra trong những ngày thi, sau đó là chấm thi và hậu mùa thi.
Hơn thế, những mưu mô toan tính, những xảo thuật của những người có ý đồ xấu ngay trong ngành thì cho dù máy móc có hiện đại đến mấy cũng không thể trù tính hết được.
Vì thế, Bộ GD-ĐT cũng cần suy nghĩ đến một cuộc cách mạng triệt để trong thi cử, kể cả thi trong cấp học và thi chuyển cấp, làm sao cho thi cử không còn là áp lực ám ảnh con trẻ trong mỗi giấc ngủ hằng đêm và không đè nặng lên toàn bộ xã hội, từ nghị trường Quốc hội đến mỗi gia đình.
Giao quyền tự chủ cho các trường thì cũng nên trả cho các trường quyền tuyển lựa người học.
Chỉ có chính các trường mới biết mỗi năm họ cần bao nhiêu sinh viên, chất lượng đầu vào ra sao, phương thức tuyển chọn nào với họ là tốt nhất...
Khi ấy bộ chủ quản chỉ là người đóng vai trò nhà "kiến tạo" các luật chơi, nguyên tắc vận hành, cơ chế kiểm soát như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói "cái gì dân làm được thì để dân làm", mà các trường đại học, các doanh nghiệp cũng không nằm ngoài phạm trù "dân".
Không ai có thể định giá sản phẩm đầu ra của mỗi trường CĐ, ĐH tốt hơn thị trường.
Bằng sự sàng lọc khắt khe, chính thị trường sẽ trả lời cho câu hỏi về cách tuyển chọn, cách đào tạo như thế có ổn hay không? Thị trường cũng sẽ giúp người dân nhận diện giá trị thực của từng trường.
Đừng cải cách nửa vời, đừng cố níu kéo những giá trị yếu ớt và không còn phù hợp. Phải làm thế nào để không còn có ngày "toàn dân đi thi" và "toàn dân lo âu" như những năm qua nữa.
Còn bây giờ, chúng ta hãy cùng cầu mong cho mùa thi 2019 sẽ là một mùa thi hanh thông, an lành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận