Sáng 29-11, sau phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp.
Mống mắt sẽ được thu thập thế nào?
Tại cuộc họp báo, Tuổi Trẻ Online đã đề nghị thông tin về việc thu thập mống mắt trong Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua.
Người dân đã có căn cước công dân có phải bắt buộc thu thập thêm mống mắt khi luật mới có hiệu lực không? Việc thu thập sẽ được thực hiện ra sao?
Mống mắt là gì, vì sao được thu thập làm dữ liệu căn cước?
Trả lời câu hỏi này, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết việc thu thập mống mắt thuộc nhóm sinh trắc học và điểm mới quy định trong Luật Căn cước.
Ông nêu rõ việc thu thập này phải có thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý, cấp căn cước. Khi người dân đến làm mới, cấp đổi lại, cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập các thông tin làm giàu dữ liệu cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu về dân cư.
Trong đó thu thập này sẽ dùng các thiết bị chuyên dụng thu thập mống mắt.
Đối với việc người dân đã có thẻ căn cước công dân, ông Đức nói tại luật mới được thông qua đã có quy định điều khoản chuyển tiếp.
Trong đó, quy định công dân đang có căn cước công dân có giá trị, hiệu lực còn dài thì không phải cấp đổi thẻ và sử dụng, giá trị như căn cước được cấp theo luật mới.
Vì vậy người dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để tích hợp thông tin, khai báo thông tin sau khi luật mới có hiệu lực. Trừ trường hợp công dân có yêu cầu, yêu cầu bổ sung, thay đổi thông tin liên quan cá nhân mình hay đổi thẻ.
Sẽ có đánh giá nhiều chiều về quy định xe phải có camera hành trình
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi trong dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình), thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm hành trình theo quy định.
Nhiều đại biểu khi thảo luận đã đề nghị xem xét lại quy định xe máy cũng như xe ô tô cá nhân phải bắt buộc lắp camera hành trình. Việc này sẽ được xem xét, chỉnh lý như thế nào?
Trả lời nội dung này, ông Đức nói đây là quan điểm của cơ quan soạn thảo khi trình nội dung này ra trước Quốc hội. Ủy ban Quốc phòng - An ninh là cơ quan thẩm tra, nên tôn trọng các nội dung trong tờ trình của Chính phủ.
Đây mới chỉ là dự thảo nên đang xin ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận. Đồng thời cần có đánh giá tác động đầy đủ. Sẽ có các cuộc khảo sát, tọa đàm, đánh giá nhiều chiều.
Về ý kiến xung quanh đề xuất cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, Trung tướng Đức nêu trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã có quy định về những hành vi cấm. Trong đó có quy định cấm tuyệt đối việc sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe.
Ông nói về nguyên tắc của pháp luật Việt Nam là phải thống nhất với nhau. Luật ra sau phải lấy nguồn từ các luật trước. Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, các cơ quan, ban soạn thảo, thẩm tra đã đề xuất nội dung này.
Tất nhiên đây là ý kiến ban đầu và đang xin ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận. Cần có sự đánh giá thấu đáo, rõ ràng.
Quan điểm của cơ quan thẩm tra hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo phải tuân thủ các quy định của hệ thống pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận