20/05/2018 11:05 GMT+7

Mong manh chứng cứ trong các vụ dâm ô trẻ em

NGUYỄN MINH SƠN - VKSND Cấp cao tại TP.HCM
NGUYỄN MINH SƠN - VKSND Cấp cao tại TP.HCM

TTO - Thực tiễn điều tra, xét xử án dâm ô trẻ em cho thấy việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Sai lầm của các bên tiến hành tố tụng không chỉ dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm mà còn có thể gây hậu quả khôn lường.

Mong manh chứng cứ trong các vụ dâm ô trẻ em - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy được cấp phúc thẩm cho hưởng án treo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Dư luận mấy ngày qua một phen "dậy sóng" vì hầu hết không đồng tình với bản án phúc thẩm vụ dâm ô trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để có cái nhìn đúng đắn về vụ án này, ở góc độ khoa học pháp lý chúng ta cần làm rõ về chứng cứ và đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự.

Khi xử án, các cơ quan và người tiến hành tố tụng chỉ có thể xác định có tội phạm xảy ra hay không và ai là người phạm tội trên cơ sở chứng cứ. Thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ là hoạt động trung tâm của tố tụng hình sự.

Chỉ trên cơ sở chứng cứ, các cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng mới giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

Chứng cứ "mờ"

Hành vi dâm ô trẻ em thông thường được thực hiện bằng các hành động như ôm trẻ em theo các tư thế của hoạt động tình dục; sờ mó hoặc hôn hít vào bộ phận sinh dục, các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ; bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người phạm tội…

Vẫn có trường hợp người phạm tội có hành vi thô bạo khi dâm ô trẻ em nhưng với tâm lý sợ người thân không tin mình nên nạn nhân thường im lặng hoặc một thời gian lâu sau đó mới kể lại cho người thân nghe, lúc này các dấu vết của bạo lực không còn nữa.

Do đó các chứng cứ vật chất (vết trầy xước, vết tụ máu, tinh dịch…) hầu như không có. Trong khi đó, chứng cứ vật chất là chứng cứ có tính khách quan cao nhất, có giá trị chứng minh cao nhất. Chứng cứ nếu có, chủ yếu là gián tiếp và thường rất mờ nhạt, không đủ khiến người phạm tội "tâm phục khẩu phục".

Về điều kiện phạm tội, hành vi dâm ô thường diễn ra khi nạn nhân chỉ có một mình, không có người thân thích bên cạnh. Ngoài trường hợp phát hiện quả tang, hầu hết các vụ dâm ô chỉ được biết đến khi nạn nhân sau đó kể lại hoặc do bạn cùng trang lứa của nạn nhân kể lại.

Về nhận thức và tâm lý của nạn nhân, do hành vi dâm ô chưa gây ra nhưng tổn thất nghiêm trọng về thể chất như các vụ án hiếp dâm nên nạn nhân thường không quan tâm. Thậm chí không ít trường hợp, người thân của nạn nhân khi phát hiện thay vì tố giác ngay với cơ quan công an thì lại chỉ mắng chửi, chê trách, cãi nhau với người phạm tội.

HĐXX "nhầm lẫn" đối tượng

Trở lại vụ án dâm ô trẻ em ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Huỳnh Ngọc Thiện cho rằng trường hợp bị cáo Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với cháu N.N.A.D. thì vụ việc xảy ra vào tháng 4-2014, đến đầu năm 2017 gia đình bị hại mới tố cáo nên lời trình bày của bị hại về sự việc xảy ra ba năm trước nên có thể là không đúng.

Mong manh chứng cứ trong các vụ dâm ô trẻ em - Ảnh 2.

Nhận định của HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM là chủ quan - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Lý do nghi ngờ là vì bị hại… khai quá chi tiết về lời nói, hành vi của ông Thủy. Theo thẩm phán Thiện, không thể nào bị hại có trí nhớ siêu việt, nhớ từng chi tiết và nhớ nguyên văn để đến ba năm sau trình bày trước cơ quan điều tra, mà có thể có sự chỉ dẫn của người lớn.

Trường hợp bị cáo Thủy dâm ô với cháu T.H.A. qua cửa sổ, thẩm phán Thiện cho rằng thời điểm bị xâm hại cháu khoảng 11 tuổi và cháu không kể lại cho gia đình, mãi đến cuối 2016 khi cháu cung cấp lời khai đầu tiên tại cơ quan điều tra thì đã 30 tháng.

Cũng theo Thẩm phán Thiện, bị hại đang ở trong nhà, quỳ gối trên chiếc giường kê cạnh cửa sổ còn ông Thủy đứng bên ngoài, khi bị cáo Thủy có hành vi sờ soạng vào vùng nhạy cảm chắc chắn bị hại sẽ phản ứng tức thời theo bản năng và phản xạ chứ không thể để ông Thủy dâm ô đến 10, 15 phút như án sơ thẩm nhận định.

Nhận định như vậy nên HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, xác định bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với cháu N.N.A.D., không có hành vi dâm ô đối với cháu T.H.A. và giảm án còn 18 tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo.

Xét về góc độ chứng cứ và đánh giá chứng cứ, hành vi dâm ô của bị cáo Thủy đối với cháu T.H.A. còn rõ ràng hơn đối với cháu N.N.A.D vì có một nhân chứng là cháu N.N. nhìn thấy và khuyên nạn nhân đóng cửa sổ lại để bị cáo Thủy không thể tiếp tục có hành vi dâm ô. Như vậy, lời khai của bị hại và lời khai của nhân chứng phù hợp với nhau đủ để kết tội bị cáo.

Xét về góc độ điều tra tội phạm, HĐXX đã có sự nhầm lẫn về đối tượng chứng minh. Đối với tội dâm ô đối với trẻ em (cũng như tội hiếp dâm trẻ em, tội giao cấu với người dưới 16 tuổi) thì đối tượng chứng minh là có hay không có hành vi dâm ô (hành vi giao cấu) chứ không phải chứng minh thái độ, hành vi phản kháng của người bị hại như với tội hiếp dâm.

Cho dù bị hại không phản ứng đối với hành vi của bị cáo thì bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô đối với trẻ em.

Nhận định sai, dễ bỏ lọt tội phạm

Thực tế trên khiến việc điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này chủ yếu là trên lời khai của nạn nhân, của các nhân chứng. Việc đánh giá chứng cứ từ lời khai của nạn nhân, của người làm chứng phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng.

Chúng ta còn nhớ vụ án dâm ô xảy ra đối với em K. ở huyện Thái Bình, tỉnh Cà Mau vừa mới được xét xử cách đây không lâu mà hậu quả của việc đánh giá chứng cứ sai đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Mong manh chứng cứ trong các vụ dâm ô trẻ em - Ảnh 3.

Công an tỉnh Cà Mau không khởi tố vụ án khiến nạn nhân bị dâm ô uất ức tự tử - Ảnh: UYÊN TRINH

Từ lời kể của con gái, tháng 9-2016, mẹ của em K. tố giác hành vi dâm ô của ông Hữu Bê đến cơ quan công an địa phương. Nghi phạm không thừa nhận và cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì "chỉ có lời khai của K., không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh ông Bê có hành vi hiếp dâm trẻ em và dâm ô đối với trẻ em".

Uất ức, em K. đã tự sát vào ngày 10-02-2017. Lá thư tuyệt mệnh của nạn nhân ghi chi tiết thời gian, địa điểm của 8 lần bị dâm ô trùng khớp với thời điểm tin nhắn giữa ông Hữu Bê với nạn nhân.

Cái chết của em K. làm dậy sóng dư luận. Bộ Công an vào cuộc kết luận ông Bê có ít nhất hai lần dâm ô nạn nhân nên đã khởi tố vụ án, bắt giam vào ngày 19-9-2017. Tháng 1-2018, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt ông Bê 7 năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em.

Trước đó, tháng 11-2017, Bộ Công an đã quyết định cách chức phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đối với thượng tá Trần Hồng Lộc - người ký vào quyết định không khởi tố vụ án hình sự và cách chức đội trưởng, điều tra viên trung cấp đối với trung tá Đỗ Tấn Đạt. Hai cán bộ điều tra này còn bị cảnh cáo về mặt Đảng, bị điều chuyển công tác khác.

Tòa án nhân dân tối cao rút hồ sơ vụ án dâm ô ở Vũng Tàu

TTO - Ông Nguyễn Trí Tuệ, phó chánh án TAND tối cao, cho Tuổi Trẻ Online biết tòa này đã yêu cầu phòng nghiệp vụ rút hồ sơ vụ án "dâm ô" mà TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xem xét.

NGUYỄN MINH SƠN - VKSND Cấp cao tại TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên