18/02/2012 05:17 GMT+7

Mong manh bữa cơm gia đình

PGS.TS HOÀNG BÀ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÀ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)

TT - Trong xã hội hiện đại, nhất là ở các thành phố, bữa cơm gia đình ngày một khó khăn. Dẫu vậy, nhiều gia đình ở đô thị vẫn cố gắng duy trì bữa cơm gia đình, ít nhất là bữa tối.

Xáo trộn do tan học lúc trời tối mịtHà Nội vẫn tắc đường

LIgOGNFy.jpgPhóng to
Phụ huynh chờ đón con trước cổng Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ

Bữa cơm gia đình trong bầu không khí ấm áp, thân mật không chỉ có tác dụng tái sản xuất sức lao động sau một ngày làm việc vất vả, mà còn giúp con người giải tỏa stress, tăng thêm hiểu biết, thương yêu và gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Thế nhưng, những cố gắng để có được những bữa cơm gia đình có thể trở nên mong manh với không ít người, nhất là những gia đình ở Hà Nội khi từ ngày 1-2, thành phố Hà Nội thực hiện đổi . Một phụ nữ ở Yên Hòa, Cầu Giấy, chia sẻ: “Cháu lớn nhà tôi học phổ thông, 6g30 đã đi học rồi. Thằng bé học lớp 3, phải 8g mới vào học, tôi phải dậy thật sớm nấu ăn nhưng cũng không kịp. Em được ăn thì chị lại phải cho vào hộp mang đi”.

Bạn tôi có con đang độ tuổi học phổ thông, than đứa lớn học trung học phổ thông, thời tiết rét đậm những ngày qua nhưng 6g đã vội vàng ra khỏi nhà, trong khi đứa em học trung học cơ sở lại thong thả, nhẩn nha. Chỉ khổ cha mẹ phải chia nhau đưa đón từng đứa một. Bữa sáng của gia đình lại thật mỏng manh, vì nhà có bốn nhân khẩu mà chia ra làm ba, bốn ca ăn trước sau. Mỗi người một giờ, thật khó có thể cùng nhau quây quần.

Bữa cơm tối lại càng nan giải, đứa lớn sau 19g mới được ra khỏi trường, nhưng có về nhà ngay được đâu, nếu đường không ùn tắc thì cũng gần 20g mới đến nhà. Chưa kể những buổi phải học thêm, thôi thì gần 22g mới thấy con về nhà.

Bữa cơm tối cũng lại chia năm, xẻ bảy. Không ít phụ nữ thở dài “May ra cuối tuần mới có được bữa cơm gia đình”, điều ao ước mà ở các vùng nông thôn vẫn được duy trì đều hằng ngày.

Có thể việc thay đổi giờ làm, giờ học sẽ đem lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông. Mong sao được như thế. Giữa được và mất, chưa biết thế nào!

Cũng có người bạn có con học phổ thông, nhưng trường học gần nhà nên việc đưa đón con đỡ vất vả. Chị bảo vẫn cố gắng duy trì được bữa cơm gia đình. Không biết trong nửa triệu gia đình ở Hà Nội, mấy người có may mắn như chị bạn của tôi?

Lại nhớ đến bài tập đọc Bữa cơm ngon trong Quốc văn giáo khoa thư mà tôi đọc khi còn nhỏ: “Cơm đã chín. Mẹ và chị dọn ra để trên giường. Cả nhà ngồi ăn. Cơm đỏ, canh rau, chẳng có gì là cao lương mỹ vị. Nhưng cơm sốt, canh nóng, bát đũa sạch sẽ cả nhà ăn uống ngon miệng, no nê. Nhất là cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau thì dẫu cơm rau cũng có vị lắm”, mà mong nhiều gia đình có những bữa cơm ấm tình như thế.

Với 20 năm nghiên cứu và giảng dạy về gia đình, người viết bài này nhận thấy yếu tố tác động đến bữa cơm gia đình là do điều kiện công việc, nghề nghiệp, hoặc do quan hệ gia đình lỏng lẻo. Nay lại thấy chính sách xã hội cũng tác động đến đời sống và bữa cơm gia đình. Để có được bữa cơm gia đình thân mật, ấm cúng với đầy đủ các thành viên trong gia đình, có lẽ phải đợi chờ nhau đến tận khuya?

Bữa cơm gia đình đô thị ngày nay ngày càng trở nên mong manh.

PGS.TS HOÀNG BÀ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên