23/04/2015 12:29 GMT+7

​Mong là chuyện cá biệt

QUANG KIỆT (TP.HCM)
QUANG KIỆT (TP.HCM)

TT - “Sự cố vỡ trận” tại công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) vào chủ nhật 19-4 vừa qua suy cho cùng vẫn là sự thiếu ý thức. Và sự thiếu ý thức này chắc chắn là lỗ hổng từ giáo dục.

Nhiều thanh niên vượt rào tắm miễn phí
Nhiều thanh niên vượt rào tắm miễn phí

Giáo dục nước ta hiện đang quá chú trọng đến cung cấp kiến thức hàn lâm mà bỏ quên giáo dục ý thức công dân, cách cư xử có văn hóa, thể hiện con người văn minh, có giáo dục ở chốn công cộng.

Yếu tố quan trọng nữa là giáo dục có tính làm gương từ những người lớn gần như hiếm hoi, tạo thành lỗ hổng lớn trong việc giáo dục ý thức cho trẻ nhỏ. Người lớn, nhất là các bậc phụ huynh, thường nói nhiều hơn làm, thậm chí nói mà không làm. Bố mẹ, cô chú tranh nhau bế trẻ con vượt rào vào công viên nước bất chấp hậu quả thì làm thế nào có thể dạy trẻ xếp hàng trật tự trong đám đông?

Thói quen chen lấn cứ thế hiển hiện, dần ăn sâu vào tiềm thức và thành hành động khi trẻ lớn lên. Tại nhiều quốc gia khác, tôi biết ngay từ khi trẻ còn ở bậc mẫu giáo đã được dạy rằng “ở đâu cứ có hai người trở lên là phải xếp hàng”, và tất nhiên chính người lớn sẽ làm gương, thường xuyên nhắc nhở trẻ nhỏ khi trẻ có ý định “xé hàng”.

Nhiều người trẻ chúng ta hay lên mạng xã hội để cười cợt, chê bai người nước này nước kia, nhưng các bạn nghĩ sao về việc viết - vẽ bậy nhằm “lưu dấu” trên các di tích có tuổi đời hàng trăm năm tuổi mà không hề áy náy? Vào công viên ăn xong đứng lên bỏ lại rác, chốn công cộng thì chen lấn xô đẩy... là việc có đáng xem lại và đáng phải tự cười mình không?

Tôi vẫn còn nhớ chuyện khi chứng kiến một nhóm nam thanh nữ tú người Việt vô tư nói tục chửi thề, giành chỗ đứng để chụp hình ở chỗ tượng Merlion (Singapore) vốn là nơi có rất đông du khách đến để chụp ảnh lưu niệm. Ai cũng tranh thủ chụp nhanh rồi bước ra nhường cho người khác, riêng họ cứ đứng mãi đấy và chỉ rời đi sau hơn nửa tiếng chụp ảnh chán chê.

Lần khác tôi cũng chứng kiến một nhóm khách Việt chuyền tay nhau một em bé đang say ngủ để có thể làm thủ tục xuất cảnh cho nhanh tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) bởi chỗ này có một làn ưu tiên dành cho người già, khuyết tật, phụ nữ có thai và người có con nhỏ. Nhiều du khách tròn mắt lẫn nhíu mày khó chịu vì hành động không đẹp này, nhưng nhóm khách kia vẫn vô tư cười nói: “Ê, ẵm nó rồi chạy qua hàng này cho lẹ đi, đứng bên kia lâu lắm!”.

Ý thức của người Việt, đặc biệt là những người trẻ, đang ở mức nào? Làm thế nào để giáo dục người Việt có ý thức ở chốn công cộng, ít nhất là không chen lấn, xô đẩy, tìm cách “vượt rào”?

Đây hẳn sẽ là câu chuyện dài kỳ, cần sự chung tay giải quyết của nhiều phía, nhất là gia đình, nhà trường, các chế tài của xã hội và sự theo sát của giới truyền thông - báo chí. Chỉ mong những câu chuyện không đẹp như vụ công viên nước Hồ Tây sẽ dần thành câu chuyện cá biệt và biết xếp hàng, một lúc nào đó, sẽ trở thành chuyện đương nhiên, “bình thường thôi” trong xã hội.

QUANG KIỆT (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên