24/07/2011 06:40 GMT+7

Mộng kỳ nam - Kỳ 3: Săn kỳ nam ở... nước ngoài

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
ĐĂNG NAM - TẤN VŨ

TT - Nhiều “tài kê” - người buôn trầm - ở thập niên 1980 tại Quảng Nam quả quyết rằng những lô hàng mà họ xuất sang Đài Loan - Trung Quốc chính là kỳ nam nhưng bán giá quá rẻ, chỉ bằng giá trầm loại 1. Vậy là hai năm trở lại đây nhiều “tài kê” trong nước đổ xô sang Thượng Hải, Bắc Kinh, Đài Bắc... truy tìm mua lại những lô kỳ ngày xưa họ đã bán hớ...

Read this on Tuoitrenews.vn

VsAUi6rv.jpgPhóng to

Các thương gia Trung Quốc xem mặt hàng trầm hương của Việt Nam bày bán tại hội chợ ở Nam Ninh, Trung Quốc - Ảnh: Tấn Hưng

Kỳ 1: Thực - hư mộng đại ngàn Kỳ 2: Những cuộc giải cứu ngoạn mục

Làng của “tài kê”

Nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, bên kia Đèo Le, Núi Chúa, làng Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam được biết đến như “thủ phủ” của trầm hương. Những năm 1980, những người đàn ông từ Phú Khánh đặt chân ra đất Quảng Nam và bắt đầu công cuộc tìm trầm, khiến khu làng nhỏ ven sông này thức giấc. Lớp lớp trai tráng kéo nhau lên núi tìm trầm. Chợ Trung Phước và những khu làng lân cận bỗng chốc trở mình hồi sinh giao thương sầm uất. Trầm hương được tập kết về đây để gọt, tỉa, tạo dáng hoàn tất mọi công đoạn trước khi chuyển vào TP.HCM để ra nước ngoài. Bên cạnh những người đàn ông đi “điệu” để tìm trầm thì một lớp “tài kê” buôn trầm có máu mặt cũng hình thành từ đất này.

Hơn 30 năm qua đi, bây giờ làng Trung Phước không còn những người đàn ông “ngậm ngải tìm trầm”, mà đã có một thế hệ khác giàu có, sung túc từ trầm hương. Qua Trung Quốc bán trầm cảnh là việc làm chính của hàng ngàn thanh niên vùng sơn cước này. Nhiều người đã trở nên giàu có một cách chóng vánh nhờ biết buôn bán giao thương từ xa.

Ngồi đóng lại thùng trầm cảnh chuẩn bị xuất đi hội chợ ở Côn Minh (Trung Quốc), lái buôn trẻ Bùi Công Tiến tâm sự: “Đi hết chuyến này em quyết tạm dừng bán trầm mà gom tiền qua Thượng Hải lùng kỳ nam. Tìm được kỳ là giàu to, mua kỳ nam với bất cứ giá nào anh cũng có lãi. Chỉ mong thấy nó là thắng lớn!”. Từ một người làm công tỉa trầm thuê cho các doanh nghiệp trong làng, Tiến tự mình buôn bán và tích cóp được ít vốn, nhưng so với những người buôn kỳ nam thì đây chỉ là con số lẻ không đáng quan tâm.

Tiến cho biết chuyến hội chợ vừa rồi ngay tại Nam Ninh, một gian hàng của người Trung Quốc trưng bày sát gian hàng người Việt. Sau khi qua lại trao đổi, xem hàng hóa, Tiến phát hiện một cục trầm khác thường. Cục này nhỏ nhưng rất nặng, không đen nhánh như trầm mà có màu vàng nhạt, ngửi không cần đốt vẫn có mùi thơm. Kê đầu lưỡi vào nghe hơi tê buốt và the the nhưng không cay. Bình thường trầm hương khi đốt lên mới có mùi.

“Nghi là kỳ nam nhưng không chắc chắn, đêm đó em run người ngủ không được. Sợ lái buôn kia bán cho người khác. Nửa đêm em gọi điện về ông anh tại TP.HCM, sau khi nghe tả, ổng tức tốc gom tiền bay sang Nam Ninh ngay trong ngày hôm sau” - Tiến hồ hởi. Sau khi trả giá, bên kia thỏa thuận bán với số tiền lớn cho cục kỳ nặng 1,5kg này. Ngày hôm sau Tiến ở lại bán hàng hội chợ, còn người anh tức tốc bay về TP.HCM.

“Sau này về nhà em mới biết ổng bán cục kỳ nam này với giá mấy trăm ngàn USD. Chính các tay thương lái người Trung Quốc cũng không biết đây là kỳ nam. Họ chỉ nghĩ đây là trầm loại 1 bình thường như những cục trầm khác vừa tìm thấy” - Tiến nói.

Huyễn hoặc chuyện kỳ nam luân lạc

Chính giới buôn bán kỳ nam cũng không biết công dụng của kỳ nam thật sự được sử dụng vào mục đích gì mà được tìm mua với bất cứ giá nào. Nhiều người khẳng định giá trị của kỳ cao vì đây là những gì tinh hoa nhất của đất trời tích tụ. Người khác cho rằng nó được chế biến thành các biệt dược hảo hạng mà không ít người đời dù có tiền cũng không dễ có cơ hội được sử dụng.

Vừa trở về từ Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Chính, 57 tuổi, người làng Trung Phước sống tại TP.HCM, một đời buôn trầm, kể lại: “Kỳ nam là một cơ duyên, không phải ai cũng gặp, cũng thấy. Nhiều người chung tiền mua kỳ nam, buôn bán, chia lợi nhuận nhưng vẫn chỉ qua môi giới mà không nhìn thấy cục kỳ mình mua”. Kỳ nam đã qua tay ông, được mang đi bán với giá trầm sang Trung Quốc rồi quay về sau mười năm luân lạc. Ông Chính trầm tư khẳng định rằng: “Nghề buôn trầm, bán kỳ nam là buôn bán cái lộc của trời! Trời cho ai nấy được, có đấy rồi mất đấy!”.

Ông Chính nhớ như in cái kiểu dáng và kích thước cục trầm mình bán cách đây mười năm tại TP.HCM cho một thương lái người Đài Loan. “Đó là một cục kỳ nam nặng chừng 1,2kg, tôi mua của một “tài kê” người Khánh Hòa. Khi đó tôi chỉ nghĩ đây là “loại dách” (tức trầm hảo hạng trên cả loại 1 chút xíu), với giá 14.000 USD. Thời điểm đó bán vậy là lời lắm rồi. Rất nhiều hàng từ Việt Nam bán sang Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản với giá như vậy. Mấy ai nghĩ đó là kỳ!” - ông Chính tiếc rẻ. Sau nhiều năm buôn bán gặp phải kỳ nam, ông Chính và nhiều thương lái khác trong giới buôn trầm té ngửa khi biết mình đã bán kỳ với giá quá hời.

Tháng 3-2011, tại hội chợ triển lãm hàng mỹ nghệ ở Thượng Hải, như thường lệ hàng chục gian hàng trầm cảnh, hàng thủ công, đá quý của các nước được bày bán. Ông Chính được một lái buôn người Trung Quốc mời về nhà chơi, tại đây ông được cho xem trầm và phát hiện cục kỳ nam của mình mười năm trước đang ở trong hộp tủ kính nhà người này. Sau một hồi thương lượng, ông Chính quyết định mua lại cục kỳ nam trên với giá gấp đôi. “Mua được hàng mà tôi run. Gặp lại cục kỳ mình bán rẻ, lại mua được nó, đúng là lộc trời cho. Sau này về TP.HCM tôi bán lại cho một thương gia người Nhật với số tiền rất lớn” - ông Chính vui ra mặt.

Theo ông Chính và nhiều người buôn bán trầm hương, chỉ có kỳ nam ở Việt Nam là thuộc dòng thượng hạng. Mà kỳ tại Việt Nam cũng không phân bố rải rác khắp nơi mà chủ yếu tập trung tại vùng rừng Khánh Hòa, Phú Yên rồi kéo lên Gia Lai, Kon Tum. Nhiều năm trong nghề buôn, ông Chính đánh giá kỳ của Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia hoặc kỳ của đảo Hải Nam (Trung Quốc)... đều có màu xấu và chất lượng không cao như trầm, kỳ Việt Nam.

Chính vì vậy mà trong giới thương lái mua bán trầm kỳ đều biết rất rõ về nhau. Những lô hàng nào được mua từ đâu, xuất xứ và bán đến đâu đều được theo dõi. Nhìn mặt hàng đã biết xuất xứ từ nước nào.

“Nhiều người Việt có cửa hàng tận Đài Loan, rải rác khắp Trung Quốc và Nhật Bản. Hiện nay có rất nhiều thương lái đổ xô qua tìm các manh mối để mua lại kỳ nam đã bán trước đây là như vậy! Mua cao bán giá cao. Giá nào cũng có lãi nên cứ thế mà họ tìm mua” - ông Chính tiết lộ. Theo nhiều thương lái, kỳ nam hay trầm hảo hạng đã qua đến Nhật Bản thì khó có cơ hội mua lại như ở Trung Quốc hay Đài Loan. Đó là một câu hỏi mà chưa lái buôn nào phân tích được.

Câu chuyện của người buôn trầm cũng thực hư như chính món hàng mà họ tham gia trao đổi, như chính những huyễn hoặc từ giấc mộng giữa chốn đại ngàn hun hút. Và trong chừng mực nào, nó còn có mùi của rủi may hơn cả những canh bạc lớn...

___________________

Những người trúng đậm kỳ nam đều bỏ làng đi nhiều tuần như là cách giải “lời nguyền”. Tuy nhiên, ở những ngôi làng từng trúng đậm kỳ nam này, nếu ai nếm “của rừng” đều đã phải “rưng rưng nước mắt”...

Kỳ cuối: Họa phúc kỳ nam

ĐĂNG NAM - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên