Phóng to |
Phóng to |
Bà Võ Thị Dung - Ảnh: Mai Hương |
Không đan xen tính chất cá nhân khi bỏ phiếu
Là người thực hiện quyền bỏ phiếu, đồng thời cũng là người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm lần này, đại biểu Huỳnh Công Hùng - trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP - chia sẻ: “Vấn đề không phải với tư cách cá nhân mà là thể hiện quyền của đại biểu, đại diện quyền làm chủ của nhân dân, ý chí và nguyện vọng của dân nên cần có chính kiến, không được đan xen cá nhân mình trong quá trình lấy phiếu.
Tôi mong và rất tin đại biểu sẽ công tâm, khách quan, toàn diện. Với thái độ cầu thị, tôi mong được lắng nghe đại biểu HĐND TP góp ý giúp tôi không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực và trình độ để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, của HĐND TP".
Về những kênh thông tin cần thiết để đánh giá và “cho điểm” từng chức danh, ông Hùng cho rằng: “Đã qua chín kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể nói những thông tin chính, cần thiết về các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm thì đại biểu HĐND TP đều nắm được, đương nhiên không thể là tất cả.
Tuy không trọn vẹn, nhưng thông qua các nội dung báo cáo, các hoạt động thường trực HĐND, các ban HĐND, nhất là các hoạt động giám sát, chất vấn tại kỳ họp, khảo sát tại cơ sở, tiếp công dân, các chương trình phát sóng truyền hình, truyền thanh trực tiếp như chương trình “Lắng nghe và trao đổi”, “Đối thoại cùng chính quyền TP”, các kỳ họp chuyên đề đã “huy động” khá đông đại biểu tham gia, góp phần giải quyết các vấn đề người dân bức xúc, quan tâm.
Lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ban ngành, quận huyện đã cung cấp thông tin cho đại biểu rất nhiều, hơn nữa đưa ra những giải pháp khắc phục các hạn chế, nhược điểm để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.
Tuy nhiên, tùy điều kiện của từng đại biểu cũng có những kênh thu nhận thông tin khác nhau để bổ sung việc đánh giá khách quan, toàn diện về tinh thần trách nhiệm để thực thi nhiệm vụ, nhất là việc đưa ra giải pháp thực hiện khả thi của từng chức danh".
Cần cơ chế thông tin “hậu bỏ phiếu"
Nhận xét về báo cáo của các chức danh gửi đại biểu, bà Trương Thị Ánh, phó chủ tịch HĐND TP, cho biết: “Có người báo cáo rất cặn kẽ những công việc mình đã làm, có người chỉ báo cáo khái quát. Tất nhiên báo cáo chỉ là một trong số các yếu tố căn bản để đại biểu tiếp cận và đánh giá.
Về cơ bản, có hai nội dung cần báo cáo gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Cách báo cáo như thế nào là của riêng từng người, cũng không thể bắt buộc phải viết theo một đề cương chung nào được. Nhưng đúng là phải quan tâm nhiều đến cơ chế thông tin, làm sao để mỗi đại biểu đều hiểu rõ về những người được lấy phiếu hay công việc, những đóng góp… của họ.
Đó là cả một quá trình, cộng hưởng nhiều phương pháp, chứ không thể chỉ riêng một phương pháp là làm báo cáo".
Bà Võ Thị Dung, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nêu quan điểm: “Sau đợt lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội vừa qua, khi tiếp xúc cử tri, bà con có đề nghị trong những lần lấy phiếu tiếp theo của Quốc hội và HĐND, sau khi công bố kết quả, những người có tín nhiệm chưa cao cần có hành động thể hiện ngay việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của mình.
Người được lấy phiếu nên có sự đối thoại, phản hồi để người dân hiểu được họ cảm nhận ra sao về kết quả tín nhiệm dành cho mình. Có thể qua đó đại biểu, người dân sẽ có thêm sự chia sẻ, đồng cảm hơn bởi quan trọng nhất là sự tác động của kết quả với đối tượng được lấy phiếu và bản thân họ đánh giá, nhận thức thế nào về kết quả đó.
Chứ như cách làm hiện nay, sau khi có kết quả chỉ có dư luận đánh giá, kỳ họp đánh giá chứ người trong cuộc không có phản hồi cụ thể".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận