TTCT - Trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, khóa XIII và XIV chứng kiến lần đầu tiên có một đại biểu theo đuổi một sáng kiến lập pháp xuyên hai nhiệm kỳ và đã trình được dự án luật ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: V.H. Đó là đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường - người chủ trì soạn thảo dự án Luật hành chính công. Dự án luật này sau đó bị rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trao đổi với đại biểu Khánh để hiểu hơn khó khăn của một dự án luật do đại biểu Quốc hội chủ trì.Ý tưởng tự mình chủ trì xây dựng dự án Luật hành chính công của bà đến từ đâu?- Xuất phát từ thất bại trong sự điều hành của Vinalines, Vinashin, trong thảo luận tại Quốc hội khi đó (tháng 3-2011), có đại biểu nêu trách nhiệm của Quốc hội không có luật để điều hành, dẫn đến có những cá nhân làm trái, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Là người được đào tạo bài bản về luật, nghe xong chất vấn, tôi trăn trở nghĩ về chuyện hệ thống luật lúc đó chưa kín kẽ ở điểm gì.Sau đó tôi về nghiên cứu và tình cờ phát hiện ở Đại học Luật có môn luật hành chính, nhưng thực tiễn không có Luật hành chính mà chỉ góp nhặt các luật khác. Chính suy nghĩ đó thôi thúc tôi mạnh dạn đề xuất làm luật này. Năm 2012 tôi đã kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải có Luật hành chính. Tuy nhiên khi Thủ tướng giao cho Bộ Tư pháp, bộ này trả lời luật này rộng, chưa cần thiết.Thấy ý kiến này không thỏa đáng, tôi tiếp tục tìm, nghiên cứu sâu và thấy có nhiều nghiên cứu nói về vấn đề hành chính công liên quan đến cơ chế thị trường. Việc này càng thôi thúc tôi nghĩ sâu về lỗ hổng xưa nay trong làm luật là chỉ căn cứ từ các bộ ngành, nên có nhiều vấn đề thực tiễn rất cần nhưng không có luật; cũng có những vấn đề chưa cần điều chỉnh lại ban hành luật gây khó cho doanh nghiệp, người dân. Nghĩ đến đó, tôi kiên trì kiến nghị liên tục từ năm 2013.Sau khi có nghị quyết, bà đã cùng nhóm chuyên gia xây dựng dự án Luật hành chính công. Bà thấy việc cá nhân đại biểu chủ trì soạn thảo có khó gì so với Chính phủ chủ trì?- Thời điểm làm dự án luật, thuận lợi là tôi được Quốc hội, Chính phủ ủng hộ và nhiều người nhận ra, hiểu được những gì mình nói. Nhưng khó khăn nhiều lắm. Cái khó nhất là nguồn lực theo quy định do Quốc hội quyết. Trong khi các bộ, bộ trưởng có thể vận dụng thêm nguồn kinh phí để làm luật, cá nhân đại biểu chỉ được sử dụng nguồn lực quy định hoặc tự vận động, bỏ tiền túi ra làm.Từ năm 2011, khi có ý tưởngxây dựng dự án Luật này, tôi đã huy động các chuyên gia tham gia. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia về luật được đào tạo ở Liên Xô lúc đó không hiểu hết về cơ chế thị trường, chỉ những người đào tạo ở Anh, Pháp, Mỹ mới hiểu kỹ hơn. Khi tiếp cận vấn đề mới mà tôi đề xuất, nhiều chuyên gia luật khuyên nên chọn vấn đề nhỏ thôi.Nhưng ngay từ đầu tôi nhìn thấy việc điều hành quản lý nhà nước của một số lãnh đạo yếu kém do họ không hiểu về hệ thống pháp luật. Những người này thường được đào tạo trong doanh nghiệp, khi lên nắm quyền cao, họ nghĩ quyền họ rất to, có quyền muốn làm gì thì làm, mà không nghĩ đây là tiền của nhân dân. Nếu hiểu hành chính công phải đặt lợi ích của nhân dân trên hết, họ sẽ phải kết nối liên thông thủ tục hành chính giữa các bộ ngành để quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn.Dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến nhưng rồi vẫn bị rút khỏi chương trình của Quốc hội. Bà nghĩ vì sao?- Đến bây giờ nhóm soạn thảo cũng chỉ đoán, bởi có văn bản cho rằng chất lượng dự thảo luật chưa bảo đảm, nhưng chưa đảm bảo ở đâu thì không có phân tích sâu. Quá trình dự thảo luật, khi tổ chức hội thảo mọi người ủng hộ hết, không có ý kiến nào bằng văn bản phản đối. Nhưng gần cuối, nhóm soạn thảo trình dự án luật, lại có một số ý kiến phản biện đặt câu hỏi về sự cần thiết của dự án luật. Cái khó của việc làm luật này cũng có thể do một vài ý kiến cho rằng nếu đại biểu tự chủ trì soạn thảo luật, sau này có đại biểu khác trình nữa thì làm thế nào. Bà kỳ vọng gì ở các đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ sau về những sáng kiến lập pháp như bà?- Tôi đề xuất việc làm dự án luật không nhằm mục đích ghi danh mình là người đầu tiên. Tôi làm với quyết tâm thay đổi nhận thức và chứng minh cho Quốc hội rằng việc làm luật không chỉ dựa vào Chính phủ. Lần đầu tiên có một hội thảo cho đại biểu Quốc hội mà tôi đứng ra tổ chức để xây dựng Luật hành chính công. Mặt khác, công việc làm luật không chỉ dựa trên kinh nghiệm mà phải từ luận cứ khoa học. Dù dự thảo luật bị dừng, tôi vẫn gửi gắm các đại biểu tâm huyết hãy cố gắng suy nghĩ và kiên trì đề xuất sáng kiến lập pháp.Nhiệm kỳ Quốc hội sau sẽ tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Tôi kỳ vọng những đại biểu này am hiểu luật, từng kinh qua công tác xây dựng và tổ chức luật từ địa phương để nắm chắc, cũng như đề xuất xây dựng những dự án luật có giá trị thực tiễn, gắn với đời sống. Tôi mong đại biểu chuyên gia về luật ngày càng tăng, có thể lên 50% số đại biểu, nhiều hơn càng tốt.Mặt khác, nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã có nhiều đổi mới, từ nền tảng đó, tôi mong khóa sau sẽ đổi mới hơn nữa. Tôi tin tân Chủ tịch Quốc hội và tân Thủ tướng - vốn là những người đã và đang nỗ lực cải cách hành chính - sẽ hiểu rõ chúng ta đang thiếu luật gì trong cơ chế thị trường, từ đó có cơ chế, chính sách đảm bảo cơ hội cho cá nhân đại biểu được chủ trì soạn thảo dự án luật; đồng thời tăng kinh phí để đại biểu mời thêm chuyên gia giỏi hỗ trợ mình xây dựng dự luật, nhằm đảm bảo dự án luật sẽ thành công.■ Tags: Đại biểu quốc hộiTrần Thị Quốc KhánhSáng kiến lập phápDự án luật
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.